“Nốt trầm” ở thánh địa du lịch Ninh Bình

Cả sản phẩm du lịch mới là phim trường Kong - Skull Island ở Tràng An, lẫn vùng đất thiêng liêng Cố đô Hoa Lư ở Ninh Bình dường như chưa hấp dẫn được nhiều du khách. Điều đáng buồn là sự kém hấp dẫn ở thái độ, cách khai thác du lịch chứ không phải vì danh thắng hay hồn cốt của những câu chuyện lịch sử.

not tram o thanh dia du lich ninh binh Bí ẩn bao trùm nhà thờ Hồi giáo cổ xưa nhất thế giới
not tram o thanh dia du lich ninh binh Ninh Bình có nội lực phát triển du lịch nhất Việt Nam
not tram o thanh dia du lich ninh binh
Long sàng trước đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng đang được đề xuất làm báu vật quốc gia. Ảnh: THANH HẢI

Cúi đầu trước tiền nhân

Cô hướng dẫn viên nhắc đoàn du khách cúi đầu trước khi bước vào chiêm bái phía bên trong đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng bởi cửa vào thấp, phía dưới lại có đà gỗ ngang khuỷu chân. Rồi cô giải thích thêm, kiến trúc tại các đền thờ, chùa và nhà rường cổ của người Việt phần lớn có đà cửa như vậy, một phần dụng ý buộc khách phải cúi đầu trước tiên tổ, Thánh, Phật… ở chốn thờ tự thâm nghiêm.

Nhưng tôi chợt nghĩ, dẫu không có vật cản cưỡng bức là cái đà cửa kia, thì hành động cúi đầu mọi người con đất Việt là điều xứng đáng trước mảnh đất cố đô Hoa Lư, trước tiên linh vị vua đầu tiên của dân tộc.

Bước chân đến mảnh đất cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) là như đã chạm tới những trang sử oai hùng của dân tộc, bởi từ trong trường phổ thông, ai cũng được biết đến một anh hùng “cờ lau” Đinh Bộ Lĩnh đã có công dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn và trở thành hoàng đế đầu tiên của Việt Nam.

Vị hoàng đế này đã có công mở nước, lập đô, lấy niên hiệu mới là Đại Cồ Việt - nhà nước mở đầu cho thời đại độc lập, tự chủ, xây dựng chế độ quân chủ tập quyền và không lệ thuộc phương Bắc, chấm dứt sự đô hộ 1.000 năm của giặc phương Bắc. Từng cây cột gỗ lim, từng phiến đá xanh hay gốc nhãn đầu đền thờ đều có hàng trăm năm tuổi, nhưng nghe sao hùng thiêng non nước như vẫn còn lẩn khuất nơi đây.

Cô hướng dẫn viên cắt dòng liên tưởng của tôi khi giới thiệu một hiện vật khác đặt ở giữa sân đền. Dù dãi dầm mưa nắng ngoài trời hàng trăm năm, song hiện vật Long sàng vẫn còn nguyên vẹn những nét chạm trổ tinh xảo. Long sàng được làm bằng đá xanh nguyên khối, tượng trưng cho bệ rồng lúc vua ngự triều.

Bề mặt của Long sàng được tạc hình con rồng uy dũng, hai tay vịn là 2 con rồng với dáng vẻ thanh cao đang uốn lượn trên tầng mây… Hiện vật “Long sàng” đang hoàn tất hồ sơ, đề nghị Nhà nước công nhận là báu vật quốc gia.

Ở giai đoạn lịch sử thế kỷ 16, 17, vì khiếp nhược trước nước lớn, các nhà nước phong kiến khác ở Châu Á đều không dám xưng vua khi giành được độc lập, thì Đinh Tiên Hoàng đã xưng hoàng đế, mặc hoàng bào, lấy biểu tượng uy quyền là rồng... ngang ngửa với vương triều phương Bắc. Hành động này thể hiện sự dũng cảm, lòng tự cường của một dân tộc nhỏ ở giai đoạn sơ khai mở nước. Cúi đầu ngưỡng mộ tiền nhân là điều tất yếu.

not tram o thanh dia du lich ninh binh

Cầm cờ lau, cưỡi trâu đánh trận giả - hình ảnh thời niên thiếu của Vua Đinh Tiên Hoàng được tái hiện làm sản phẩm du lịch tại Cố đô Hoa Lư. Ảnh: THANH HẢI\\

not tram o thanh dia du lich ninh binh Dịch vụ còn gây nhiều thất vọng

Tôi tin chắc, có nhiều người dân Việt mong được một lần đến mảnh đất thiêng liêng Hoa Lư. Và khi đặt chân đến đây cũng sẽ cảm nhận được niềm tự hào mãnh liệt như trào trong huyết quản của mình. Thế nhưng, ngoài hệ thống đền thờ uy nghiêm, chùa chiền linh thiêng, thiên nhiên kỳ thú và những câu chuyện lịch sử làm hấp dẫn du khách bao nhiêu, thì các dịch vụ du lịch ở quần thể du lịch Tràng An - Ninh Bình làm thất vọng bấy nhiêu.

Tôi đăng bức ảnh cầm cờ bông lau, cưỡi trâu trên nền móng cố đô lên Facebook, lập tức nhận được nhiều lời bình luận mỉa mai: “Thấy tội cho một sản phẩm du lịch”. Họ đã nói đúng, vì có thể nhiều người không nhớ đến hình ảnh cầm cờ lau, cưỡi trâu đánh trận giả thời niên thiếu của Đinh Bộ Lĩnh.

Hoặc có thể họ đã quá biết về mảnh đất cố đô đáng tự hào của dân tộc, có rất nhiều câu chuyện lịch sử ly kỳ hấp dẫn nhưng cách tái hiện nghèo nàn. Con trâu gầy nhẫn nại nhai cỏ, chịu đựng vài chục lượt du khách cưỡi trên lưng mình mỗi ngày để lão nông thân chủ của nó nhận được vài chục ngàn tiền lẻ mà không có bất cứ một lời giới thiệu nào cho du khách lạ, người ngoại quốc.

Vua Đinh trị vì đất nước chỉ được 11 năm thì bị sát hại, Hoàng tử Đinh Toàn chỉ mới 6 tuổi được lên ngôi, Dương Vân Nga thành Thái hậu. Nhân thế nước yếu, loạn lạc nổi dậy, nhà Tống phương Bắc chuẩn bị mang quân sang đánh. Vì vận mệnh dân tộc, Thái hậu Dương Vân Nga đã trao hoàng bào cho Thập Đại tướng quân Lê Hoàn nhiếp chính để giữ yên đất nước. Nhà Đinh chuyển sang thời tiền Lê, Dương Vân Nga lại trở thành Hoàng hậu của Vua Lê Đại Hành (Lê Hoàn)... Những câu chuyện ly kỳ này lại “ngủ yên” trong những trang sách sử.

Tôi tiếc cho câu chuyện tình với rất nhiều giai thoại về thái hậu Dương Vân Nga. Người đàn bà đẹp đến nỗi mỗi bước đi đều làm cỏ cây, cả vùng thiên nhiên xao động, bừng sáng. Người đàn bà uy lực được định mệnh từ sơ sinh với câu hát ru: “Nín đi thôi, nín đi thôi/ Một vai gánh vác cả đôi sơn hà”. Thế nhưng, ngoài 2 ngôi đền thờ cổ, Hoa Lư gần như mờ dấu vết. Phía nam thành cổ, nội thành Hoa Lư với nhiều di tích vẫn trong cảnh hoang phế, du khách khó lòng đến được.

Bên ngoài khu di tích đền thờ của 2 Vua Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành luôn nhốn nháo cảnh chèo kéo, mời chào chụp ảnh, bán hàng lưu niệm. Ở thời buổi người người có máy ảnh cá nhân, điện thoại thông minh để live stream trên Facebook mà những người chụp ảnh dạo cứ tự bấm máy, in ảnh rồi bắt ép du khách với giá đắt đỏ hoặc vứt bừa là khó chấp nhận được.

Từ bãi xe đến điểm di tích chưa quá 200 mét, nhưng cánh xe ôm lại đón, chặn rồi cạnh khoé nếu khách không đi. Những cụ già khom lưng đi bán rong mớ đài sen, dăm khúc mía… càng làm nhếch nhác thêm nơi chốn thâm nghiêm.

not tram o thanh dia du lich ninh binh

Cố đô Hoa Lư với nhiều câu chuyện lịch sử hấp dẫn còn chưa được khai thác tốt để làm du lịch. Ảnh: THANH HẢI

not tram o thanh dia du lich ninh binh
Khai thác du lịch từ phim trường “Đảo đầu lâu” ở Tràng An không sinh động, chưa hấp dẫn được du khách. Ảnh: THANH HẢI

Hoang phế ở phim trường

Về phía nam chừng 6km, Tràng An như vỡ oà bởi một vùng sông nước, núi cao với nhiều hang động kỳ thú, hấp dẫn với bất kỳ du khách nào. Mọi người đều hiếu kỳ, mong được đến “Đảo đầu lâu” - phim trường của Kong - Skull Island. Đây là một trong ba bộ phim đã mang về doanh thu khủng nhất trong năm 2017 với trên 500 triệu USD. Đáng nói là phần lớn cảnh quay phim bom tấn này được thực hiện ở Việt Nam, trong đó có Tràng An, Ninh Bình. Nhưng sự hấp dẫn, gây tò mò trên màn ảnh bao nhiêu thì du khách lại thất vọng bấy nhiêu khi bước chân lên “Đảo đầu lâu” - phim trường.

Một khu nhà lá hình chóp sơ sài, dăm vật dụng dùng săn bắt hái lượm bên chõng tre quen thuộc. Mỗi ngày, có khoảng chục “thổ dân” là cư dân bản địa, sơn vẽ mặt mày, bôi màu hoá trang da đỏ rồi cầm giáo đứng vô hồn cho du khách chụp ảnh chung, ngửa tay nhận tiền lẻ khách “boa”. Làng “thổ dân” không có trẻ con, không có vật nuôi và không hề có khói bếp hay sinh hoạt sống động nào…

Một cỗ súng pháo bỏ lại trên sông, một đuôi máy bay rơi bên bìa rừng hay cây cầu gỗ bắt qua suối không đủ hấp dẫn du khách đối với một bộ phim hành động đình đám màn ảnh toàn cầu.

Cũng là phim trường cho bộ phim “Bản tình ca mùa đông”, nhưng đảo Nami (Hàn Quốc) đã thu hút lượng du khách từ 270.000 lượt vào năm 2001 lên đến 650.000 người năm 2002 - sau khi bộ phim công chiếu. Tiếp đó con số càng ngày càng tăng và đạt mức 3 triệu lượt khách vào năm 2014.

Điều đáng nói là hòn đảo nằm giữa lòng hồ thuỷ điện Cheongpyeong không có gì đặc sắc ngoài những hàng cây dẻ, bạch dương và ngân hạnh cổ thụ. Nhưng cách quảng bá, giới thiệu cặn kẽ, lôi cuốn từ trong các chương trình tour du lịch, từ các hướng dẫn viên khiến cho du khách không muốn bỏ lỡ cơ hội ghé thăm.

Và quan trọng, du khách có được cảm giác thư giãn thật sự khi đến Nami dù chỉ để dạo chơi trong một công viên thanh bình, lãng mạn, không có sự sách nhiễu nào.

Chả trách, người Việt sẵn sàng bỏ 7-8 tỉ USD mỗi năm để đi du lịch nước ngoài (thống kê năm 2016), dù nhiều người trong số đó chưa đi thăm thú hết những danh lam, thắng cảnh hoặc những di tích đáng tự hào ngay trong nước. Tiếc cho làng cổ Đường Lâm (Hà Nội) chưa bắt nhịp kịp Hội An, tiếc cho Thành nhà Hồ tráng lệ nhưng được quá ít du khách biết đến, tiếc Hoàng thành Huế doanh thu không đủ bù tiền… trùng tu. Tiếc cho Hoa Lư - cố đô xác lập tinh thần dũng cảm, tự cường của dân tộc mà chưa thu hút được ngay du khách nội địa… Du lịch Việt Nam cần bắt đầu lại từ thái độ, cách làm chứ chưa hẳn cần nhiều tiền để đầu tư vào hạ tầng cơ sở.

https://laodong.vn/phong-su/not-tram-o-thanh-dia-du-lich-ninh-binh-562424.ldo

/ Lao động