Nói thật với Bộ trưởng, dân muốn đi bộ cũng khó

Sau GĐ Sở GTVT Hà Nội chỉ trích thói quen "100m cũng nhảy lên xe máy" của người dân là "không thể văn minh được", tới lượt Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa nói về sự khó thay đổi của thói quen "50m (cũng) không chịu đi bộ"!

Thưa Bộ trưởng, muốn trồng người hãy gieo yêu thương
Dân chấm điểm
Vỉa hè dành cho người đi bộ ở Hà Nội (Ảnh Zing)

Sau GĐ Sở GTVT Hà Nội chỉ trích thói quen "100m cũng nhảy lên xe máy" của người dân là "không thể văn minh được", tới lượt Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa nói về sự khó thay đổi của thói quen "50m (cũng) không chịu đi bộ"! Đã đành! Nhưng nói thật với Bộ trưởng, dân có muốn đi bộ cũng khó.

Xin nói trước về hai chữ "đã đành"!

Một khảo sát của ĐH Stanford (Mỹ) công bố hồi tháng 6 năm ngoái cho biết: Người Việt Nam nếu có chạy thì chỉ 3.600 bước là cùng, trong lúc tiêu chuẩn trung bình toàn cầu là 5.000 bước/ngày.

Nói "Việt Nam nằm trong hàng ngũ các dân tộc lười tập thể dục nhất thế giới" như Stanford cũng đúng mà bảo "50m không chịu đi bộ" như Bộ trưởng cũng chẳng có gì sai.

Nhưng tại sao từ một "cường quốc đi bộ", từ một nhà "vô địch thế giới về xe đạp" - dân vẫn hay nói "động cơ chạy cơm", chúng ta lại ra nông nỗi này?

Có những yếu tố thuộc về mặt trái của phát triển. Có hậu quả của "cuộc đổ bộ xe dream Tàu" hồi cuối những năm 90 của thế kỷ trước. Nhưng cũng có một nguyên do mang tính hậu quả từ quản lý nhà nước mà chính các bộ trưởng cũng như chính quyền các cấp phải chịu trách nhiệm. Đó là việc từ lâu người dân không còn chỗ để đi bộ hàng ngày nữa.

Năm 2014, một GS người Mỹ đưa ra một con số (sau các cuộc khảo sát ròng rã nhiều năm tại TPHCM) rằng phần diện tích dành cho cả các hoạt động hỗn hợp bao gồm buôn bán sinh hoạt và đi bộ chỉ còn trong tối đa 40% diện tích vỉa hè"!

Kết quả khảo sát của Ban Đô thị HĐND TP.Hà Nội tháng 3 năm nay cũng có một đánh giá, rằng: Sau phân định ranh giới, nhiều tuyến phố phần diện tích dành cho người đi bộ còn lại nhỏ hơn diện tích tối thiểu theo quy định (1,5m), trong khi có vô số chướng ngại vật từ cây xanh cho đến cột điện và cả bếp lò.

Nói nhỏ hơn diện tích tối thiểu theo quy định là nói cho sang, là ngôn ngữ báo cáo hành chính chứ thực ra, báo chí đã kéo thước dây rồi, nhiều tuyến phố chiều rộng cho người đi bộ chỉ 30cm.

Huống chi, không thể không đặt ra câu hỏi: Đi bộ 50m, 100m rồi để làm gì, rồi để đi đâu khi hệ thống giao thông công cộng gần như không có kết nối. Huống chi ô nhiễm không khí, hiệu ứng bê tông trong những tiết trời đến 40 độ và cây xanh đang phải nhường chỗ cho phát triển, huống chi mỗi lần sang đường là một canh bạc... Cứ thế mà cuốc bộ có khi người ta bảo là không bình thường.

Dân cũng muốn đi bộ lắm, thưa Bộ trưởng, và ông hãy giúp dân đi. Ít nhất ở thái độ nghiêm túc với quy hoạch giao thông mà phần đường dành cho người đi bộ, đi xe đạp thực sự là một phần đường chứ không chỉ đúng, chỉ ngọt ngào trên báo cáo.

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/noi-that-voi-bo-truong-dan-muon-di-bo-cung-kho-564265.ldo

/ Anh Đào/Lao động