Những thói quen gây hại sức khỏe cần bỏ trước tuổi 40

Lối sống không lành mạnh dẫn đến tăng cân, bệnh tim và các bệnh mãn tính. Một số thói quen nên từ bỏ trước tuổi 40 có thể giúp bạn khỏe mạnh hơn.

Ăn quá nhiều muối và đường, ít uống sữa

Muối cần thiết cho các tế bào thần kinh truyền thông tin tốt, ngăn ngừa chuột rút, điều hòa lượng đường máu và cân bằng dịch thể... Nếu bạn ăn quá nhiều muối thì có thể huyết áp sẽ tăng, cơ thể giữ quá nhiều nước, mạch máu bị tổn hại, mất canxi, và bạn có nguy cơ cao bị sa sút trí tuệ. Nếu bạn hấp thu quá nhiều đường, gan sẽ bị quá tải, cholesterol tăng, men răng bị phá hủy, khiến bạn mệt mỏi, hệ miễn dịch bị suy yếu, và nguy cơ bị trầm cảm. Chúng ta đều bị mất khối xương hoặc mật độ xương khi về già, đặc biệt là phụ nữ sau mãn kinh. Canxi là một chất dinh dưỡng quan trọng giúp duy trì xương khỏe mạnh. Uống sữa sau khi tập thể dục có thể là cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa mất canxi và hỗ trợ phục hồi sức khỏe.

phu-nu-7566
Kiểm tra sức khỏe thường xuyên có thể giảm nguy cơ mắc bệnh nặng và phát hiện bệnh sớm

Xem tivi, đeo tai nghe quá nhiều

Một nghiên cứu của Mỹ đã tìm ra mối liên quan giữa xem tivi trong thời gian dài với tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, bệnh tim mạch và tử vong do mọi nguyên nhân. Ngoài ra, tivi và các thiết bị điện tử khác phát ra ánh sáng màu xanh, ảnh hưởng tới nồng độ melatonin gây ngủ hơn các bước sóng khác. Người cao tuổi thường có vấn đề về thính giác. Đeo tai nghe trong hơn 1 giờ/ngày cũng có thể là một nguyên nhân khiến bạn bị mất thính lực khi về già.

Không uống đủ nước, bỏ bữa

Cơ thể bị mất nước khi lượng chất lỏng mất đi nhiều hơn lượng hấp thu, kết quả là không có đủ nước để cơ thể hoạt động ở mức tối ưu. Uống nước là một phần quan trọng trong quá trình tiêu hóa, hấp thu và vận chuyển chất dinh dưỡng - rất quan trọng cho sức khỏe thể chất và tinh thần tốt. Cơ thể thiếu nước có thể gây bệnh, như các rối loạn thận, da khô, chuột rút, đau đầu, mệt mỏi, sưng bàn chân và cánh tay, cholesterol cao, và táo bón. Ngoài ra, nếu bạn bỏ bữa và không ăn đủ 3 bữa mỗi ngày một thời gian dài, cơ thể sẽ không hấp thu thực phẩm có thể dẫn đến một loạt các vấn đề sức khỏe.

Ngủ không đủ sâu, ít vận động

Ngủ đủ giấc không chỉ quan trọng với sức khỏe thể chất, mà còn ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tinh thần. Do đó, hãy tạo cho mình một thói quen ngủ đủ, ngủ sâu kể từ khi còn trẻ, để tránh những tác hại không đáng có. Mỗi người cần ngủ đủ giấc từ 7 - 9 tiếng mỗi đêm.

Cơ thể khỏe mạnh là cơ sở để duy trì sự trẻ trung. Thay vì ngồi một chỗ, hãy đứng lên vận động. Thường xuyên vận động vừa sức sẽ giúp tăng tuần hoàn máu, ổn định tim mạch, ăn ngon miệng, chắc xương, hạn chế mất khối cơ, giảm táo bón, rèn luyện trí não… Chúng ta có thể chạy bộ tại nhà, tập yoga, aerobic hoặc thực hiện các bài tập giãn cơ, đi bộ, tập tạ để cải thiện sức khỏe. Tuổi càng cao, càng cần phải siêng năng vận động và hoạt động một cách đều đặn 30 phút mỗi ngày. Tuy nhiên, lưu ý là bạn không nên tập quá sức chịu đựng của cơ thể.

Ăn thực phẩm gây hại

Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn sức khỏe, nhất là từ 40 tuổi trở đi. Các loại thực phẩm sạch có chứa hàm lượng dinh dưỡng cao hơn. Do đó, thay vì sử dụng các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc với giá rẻ, chúng ta nên tìm nguồn cung cấp thực phẩm sạch, an toàn. Ăn nhiều rau củ quả tươi thay vì tinh bột xấu, đường, chất béo và thức ăn nhanh. Việc nấu ăn tại nhà cũng giúp chúng ta dễ dàng thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh hơn. Rượu, thuốc lá, nghiện mua sắm, chơi trò chơi điện tử hoặc cờ bạc… là những thói quen không tốt, có thể tạo ra căng thẳng hoặc thậm chí tiền mất tật mang. Cuộc sống của chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi theo chiều hướng tích cực nếu ta thay đổi những thói quen không tốt này.

Không kiểm tra sức khỏe định kỳ

Theo các chuyên gia y tế, chìa khóa để ngăn ngừa các tai biến nguy hiểm là phải chú ý đến những thay đổi nhỏ của cơ thể. Đừng bỏ qua các triệu chứng như đau đầu đột ngột (có thể đe dọa tính mạng), đau ngực (có thể là cơn đau tim), khó thở (có thể là xẹp phổi), chân sưng nề (có thể là huyết khối, hoặc lú lẫn liên quan đến mệt mỏi). Bước sang tuổi 40, cơ thể bắt đầu có những dấu hiệu lão hóa, dẫn đến xuất hiện nhiều bệnh tật. Phụ nữ độ tuổi 40 nên thực hiện các xét nghiệm kiểm tra đường huyết, kiểm tra ngực và chụp X quang tuyến vú, huyết áp, nồng độ cholesterol, kiểm tra vùng chậu, Pap, mắt, da… và tiêm vaccine phòng bệnh. Nam giới tuổi 40 nên kiểm tra định kỳ đái tháo đường, huyết áp, ung thư hoặc phì đại tuyến tiền liệt, ung thư đại tràng, ung thư gan…

Trúc Linh / ANTĐ