Những nước nào dẫn đầu cuộc đua trí tuệ nhân tạo toàn cầu?

Khi nhắc đến việc chế tạo máy móc để thực hiện công việc con người đang làm trong nhiều năm thì Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ là ba nước đi đầu.

Theo CNN, chuyên gia chiến lược Malcolm Frank của hãng gia công hàng đầu Cognizant cho biết ba nước trên đang dẫn đầu cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo (AI). Ông Frank là đồng tác giả của quyển sách mới xuất bản với tựa đề Phải làm gì khi máy móc làm mọi thứ? viết về tác động của AI lên kinh tế thế giới trong nhiều năm tới.

Hai robot CTR rung chuông cổ Trung Quốc tại Triển lãm Robot Thế giới ở Bắc Kinh (Trung Quốc)

“Tôi nghĩ rằng có ba chú ngựa trong cuộc đua, song có lẽ đây là phép ẩn dụ sai vì tất cả họ đều sẽ thắng. Họ chỉ chiến thắng với cách khác nhau”, ông Frank nói. Dù vậy, AI cũng đang phát triển nhanh ở nhiều nơi khác và theo ông Frank, sự phát triển tập trung ở các trung tâm thành phố như London (Anh) hay Stockholm (Thụy Điển), hoặc ở các nền kinh tế nhỏ hơn nhiều như Estonia.

Dưới đây là lý do vì sao chuyên gia này nhận định Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ là ba nước lớn trong lĩnh vực robot, AI.

Mỹ

Các hãng lớn ở Thung lũng Silicon như Facebook, Amazon, Google và Tesla đang đầu tư hàng tỉ USD khai thác sức mạnh máy tính để thay thế một số nhiệm vụ do con người đảm nhiệm. Máy tính đã bắt đầu thay thế cho con người trong các ngành như nông nghiệp, y học, đó là còn chưa kể đến cuộc đua chế tạo ô tô tự lái.

Dây chuyền lắp ráp với sự hỗ trợ của robot

Trung Quốc

Nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới cũng cược lớn vào AI. Các hãng công nghệ trong đó có Tencent, Baidu đang cạnh tranh với Thung lũng Silicon trong việc phát triển ứng dụng mới của công nghệ AI. Tỉ phú công nghệ Jack Ma, ông chủ Alibaba và là người giàu nhất Trung Quốc, thậm chí còn cho biết CEO người thật cuối cùng sẽ trở nên lỗi thời.

Không như Mỹ, động lực AI ở Trung Quốc đến từ chính phủ. “Bạn cứ quan sát quyển sổ chi tiêu mà Trung Quốc rất thành công, với tài trợ của nhà nước trong việc phát triển cơ sở hạ tầng vật chất. Họ đang có góc tiếp cận với trí tuệ nhân tạo mà tôi cho rằng sẽ mang lại rất nhiều lợi ích”, ông Frank nói. Chính phủ Trung Quốc đưa ra kế hoạch đầy tham vọng cho ngành công nghiệp AI trị giá 150 tỉ USD, cho hay đến năm 2030, họ muốn Đại lục trở thành “trung tâm đổi mới về AI” thế giới.

Ấn Độ

Ở quốc gia Nam Á, bước chuyển chính sang AI đến từ các doanh nghiệp tạo nên ngành gia công trị giá 143 tỉ USD và tuyển dụng 4 triệu người. Các hãng hàng đầu như Infosys, Tata Consultancy Services và Wipro - những cái tên cung cấp dịch vụ công nghệ cho Deutsche Bank, Lockheed Martin, IBM, Microsoft và quân đội Mỹ - đang ngày càng dựa vào tự động hóa.

“Ở Ấn Độ, bạn quan sát nền tảng đáng chú ý có sẵn hiện nay về các kỹ năng cực kỳ tinh vi tập trung vào nhu cầu của giới doanh nghiệp thế giới”, ông Frank nói. Ông Frank còn rất lạc quan về tương lai của AI trong bối cảnh khởi nghiệp ở Ấn Độ.

/ Thu Thảo/Báo Thanh Niên