Hà Nội được chọn là nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên là có hàm ý.
Gần đây có mấy hãng truyền hình của Hàn Quốc đến phỏng vấn tôi nhân dịp hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tổ chức tại Hà Nội. Họ đặt ra rất nhiều câu hỏi nhưng tập trung ở hai điểm: Đâu là những kinh nghiệm từ công cuộc đổi mới ở Việt Nam có thể được gợi ý cho Triều Tiên; và vì sao Việt Nam theo chủ nghĩa xã hội, đánh Mỹ và rồi vẫn bình thường hóa quan hệ với Mỹ?
Đây là những vấn đề then chốt và rất thú vị nhất là khi Hà Nội là nơi tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh của các nhà lãnh đọa Hoa Kỳ và Triều Tiên, và sẽ là tâm điểm của dư luận quốc tế trong suốt tuần này.
Thực ra, Triều Tiên có nhiều nét tương đồng với Việt Nam trước Đổi mới. Họ có nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, cũng bị bao vây cấm vận và cũng do một đảng lãnh đạo. Điều khác là lúc thực hiện Đổi mới chúng ta đã thống nhất đất nước, còn họ thì chưa, nhưng nay họ đã cải thiện quan hệ với Hàn Quốc. Vì thế, tôi cho rằng, nếu họ tham khảo kinh nghiệm của chúng ta để cải cách và mở cửa là rất cần thiết và hoàn toàn có thể được.
Tôi nói với các phóng viên Hàn Quốc là Việt Nam tiến hành công cuộc Đổi mới dựa trên một số điều kiện bên trong và bên ngoài.
Cuộc gặp của ông Trump và Kim ở Hà Nội được trông đợi.
Lúc đó, nền kinh tế kế hoạch hóa đã đưa đất nước lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Lạm phát lên đến hơn 700%, đời sống của người dân cực kỳ khó khăn, tăng trưởng âm và đất nước bị bao vây cấm vận.
Trong khi đó, Liên Xô và Đông Âu bắt đầu có các cuộc cải cách (perestroika) bởi họ nhìn thấy những mô hình cũ là bất ổn. Rồi Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ. Điều này tác động đến Việt Nam. Ngay từ năm 1982 đến 1986, Việt Nam đã giao lưu học hỏi các quốc gia khác như Nhật Bản, Hàn Quốc. Những thay đổi quốc tế ấy tạo thuận lợi cho sự thay đổi mô hình phát triển ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, lãnh đạo đất nước lúc bấy giờ là ông Trường Chinh, người có tín nhiệm, bản lĩnh, quyết tâm thực hiện Đổi mới. Dù gặp nhiều khó khăn, cuối cùng ông Trường Chinh đã viết lại văn kiện Đại hội VI, dẫn đến Đổi mới và mở cửa. Người đứng đầu là rất quan trọng. Chúng ta rất may mắn đã có những người như ông Trường Chinh đầy bản lĩnh để quyết định công cuộc Đổi mới thời điểm đó.
Sau đó, thời ông Đỗ Mười tiếp tục thực hiện thương mại hóa, tự do hóa kinh tế và mở cửa hội nhập kinh tế và tạo nền tảng chuyển sang nền kinh tế thị trường và mở cửa hội nhập. Chúng ta đã lấy phát triển kinh tế là trọng tâm. (Chỉ tiếc là cho đến nay chúng ta vẫn chưa thực hiện triệt để mô hình kinh tế thị trường và vẫn còn nhiều tồn tại).
Vì thế, Triều Tiên có một số điểm tương đồng như Việt Nam trước Đổi mới. Tuy nhiên, họ cần cam kết từ bỏ vũ khí hạt nhân như điều kiện tiên quyết để thực hiện công cuộc đổi mới, mở cửa. Nếu lãnh đạo quốc gia này giương cao được ngọn cờ hội tụ được đủ 3 yếu tố là phát triển kinh tế, phi hạt nhân hóa, quốc tế ủng hộ thì công cuộc Đổi mới ở Triều Tiên sẽ thực hiện được.
Những phóng viên Hàn Quốc đó cũng đặt câu hỏi về vì sao Việt Nam lại bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ như vậy. Tôi khẳng định, Việt Nam thiết lập quan hệ với Hoa Kỳ là xuất phát từ lợi ích của chính Việt Nam. Nếu Việt Nam không bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ thì làm sao gia nhập WB, IMF, Asean, WTO và hội nhập quốc tế thành công được.
Hoa Kỳ vẫn đang là nền kinh tế lớn nhất thế giới. Họ có thị trường và làm chủ công nghệ nguồn. Họ là nơi tập trung nhân tài của thế giới, sở hữu nhiều giải Nobel nhất và họ mới chỉ thương mại hóa 10% sáng chế. Nếu không bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ thì không mở cửa hội nhập với thế giới được.
Ngay cả đến giờ này, trong lịch sử thế giới, trong tất cả các quốc gia kém phát triển trở thành quốc gia phát triển thành công thì không có ai không quan hệ với Hoa Kỳ, ví dụ như Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore. Chúng ta hợp tác với Hoa Kỳ là vì lợi ích của người Việt Nam, của đất nước Việt Nam. Tôi cho rằng, chúng ta còn rất nhiều dư địa để mở rộng hơn hợp tác với họ.
Sau hơn 30 năm Đổi mới và mở cửa, Hà Nội được chọn là nơi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai. Bản thân việc này nói lên rất nhiều điều. Xét về mặt an ninh, Hà Nội đứng vào loại nhất trong khu vực Châu Á. Đây là lợi thế đặc biệt của Việt Nam. Bên cạnh đó, việc này cũng có thể là tín hiệu Hoa Kỳ muốn Triều Tiên tham khảo thêm mô hình phát triển của Việt Nam.
Bán đảo Triều Tiên vẫn luôn là điểm nóng trên thế giới từ suốt thập niên 50 của thế kỷ trước. Cá nhân tôi hi vọng Hoa Kỳ và Triều Tiên đạt được một thỏa thuận cụ thể nào đó ở Hà Nội trong việc phi hạt nhân hóa, dẫn đến nền hòa bình, hòa giải cho bán đảo, cho khu vực này.
Trong các cuộc gặp với các phóng viên Hàn Quốc đó, họ cho biết có một số chuyên gia từ Triều Tiên đã sang Hà Nội để tham khảo những bài học của Việt Nam. Tôi không được tiếp xúc với họ, nhưng rõ ràng, bài học phát triển của chúng ta được họ quan tâm. Những nét tương đồng cách nhau 3 thập kỷ rất có ý nghĩa vào lúc này.
Công an, quân đội bảo vệ an ninh cho hội nghị thượng đỉnh
Tại trung tâm báo chí, khách sạn nơi đoàn Mỹ, Triều Tiên lưu trú..., lính công binh rà bom mìn; cảnh sát cơ động bồng ... |
Thượng đỉnh Trump–Kim: Điểm nóng nhạy cảm, phức tạp được tháo gỡ?
Trò chuyện với PV Dân Việt, ông Ngô Quang Xuân, cựu Đại sứ Việt Nam tại Liên Hợp quốc (New York - Mỹ) cho rằng: ... |
Thượng đỉnh Trump - Kim và vị thế đặc biệt của Việt Nam
Thành tựu kinh tế, lịch sử tiếp nối và sức mạnh ngoại giao đã giúp Việt Nam trở thành lựa chọn hoàn hảo cho cuộc ... |
Nơi tác nghiệp của hơn 3.000 phóng viên tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều hiện đại ra sao?
Công tác chuẩn bị, thiết lập các hạng mục của trung tâm báo chí quốc tế phục vụ Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều ... |