Trump đã đưa ra 102 cam kết đáng chú ý, trong đó số lời hứa được ông hoàn thành là 25, chiếm 24%. Số lời hứa thực hiện dở dang là 21, chiếm 20%, trong khi 50 lời hứa không được ông thực hiện, chiếm 49%. Số lời hứa của Trump rơi vào thế bế tắc là 6, chiếm tỷ lệ 5%.
Đây là chủ đề quan trọng tại Đại hội Toàn quốc đảng Cộng hòa 2020 (RNC) khi ông Trump cố gắng thuyết phục rằng ông xứng đáng có nhiệm kỳ thứ hai, ngay cả khi hàng triệu người Mỹ nhiễm virus corona, nền kinh tế lao dốc và căng thẳng chủng tộc đang sôi sục trong nước.
Ông Trump đưa ra nhiều lời hứa trong chiến dịch tranh cử năm 2016 |
“Tôi là ứng viên duy nhất thực hiện nhiều hơn những gì tôi đã hứa trong chiến dịch tranh cử”, ông Trump nói tại cuộc vận động ở bang chiến trường Arizona tuần trước.
Năm 2016, ông Trump bị chỉ trích vì không đưa ra kế hoạch chính sách chi tiết như đối thủ của ông, bà Hillary Clinton. Ông chỉ đưa ra tầm nhìn về nước Mỹ mới - lấy lợi ích quốc gia làm tôn chỉ và coi thường các chuẩn mực của đảng Dân chủ.
Ông Trump đã hành động theo phương hướng đó, liên tục đưa ra tuyên bố về nhập cư theo chủ nghĩa bài ngoại, phá bỏ các quy định về kinh doanh và thay đổi vai trò của Mỹ trên thế giới bằng cách từ bỏ các thỏa thuận đa phương và làm rạn nứt các liên minh lâu đời.
Theo thống kê của trang PolitiFact, từ khi tranh cử đến nay, Trump đã đưa ra 102 cam kết đáng chú ý, trong đó số lời hứa được ông hoàn thành là 25, chiếm 24%. Số lời hứa thực hiện dở dang là 21, chiếm 20%, trong khi 50 lời hứa không được ông thực hiện, chiếm 49%. Số lời hứa của Trump rơi vào thế bế tắc là 6, chiếm tỷ lệ 5%.
Trong chiến dịch tranh cử năm 2016, lời hứa trở thành thương hiệu của ông là xây bức tường dài 3.200 km ở biên giới với Mexico. Trong gần 4 năm nhiệm kỳ của mình, Trump đã rất cố gắng hiện thực hóa cam kết này bằng cách đóng cửa chính phủ và tuyên bố tình trạng khẩn cấp hồi đầu năm 2019 để gây sức ép với quốc hội nhằm có ngân sách xây tường.
Bức tường biên giới Mỹ - Mexico |
Dự án này đang được tiến hành, với khoảng 725 km tường rào dự kiến hoàn thành vào cuối năm, tuy nhiên chỉ khoảng 6 km tường được xây dựng tại nơi trước đó không có rào chắn.
Trump đã tạo ra nhiều thay đổi trong hệ thống nhập cư, bất chấp sự phản đối của các tòa án và thiếu hợp tác từ quốc hội. Sau khi ký hơn 400 sắc lệnh hành pháp, Trump về cơ bản đã đóng hệ thống tị nạn ở biên giới phía tây nam và cắt giảm đáng kể lượng người xin tị nạn vào Mỹ. Đồng thời, Trump cũng áp đặt một loạt hạn chế mới đối với người nhập cư hợp pháp.
Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 6/2015, ứng viên tổng thống Donald Trump tuyên bố nếu đắc cử, ông sẽ "hiếm khi rời Nhà Trắng vì có quá nhiều việc để làm". "Tôi sẽ không phải là một tổng thống có kỳ nghỉ. Tôi sẽ không nghỉ ngơi. Không có thời gian để đi nghỉ", Trump tuyên bố.
Tuy nhiên, sau khi nhậm chức, ông nhanh chóng từ bỏ lời hứa không bao giờ đi nghỉ này. Trump thường xuyên đến các khu nghỉ dưỡng của mình ở Florida và New Jersey. Mặc dù Tổng thống nói rằng ông chỉ chơi golf với những người có thể hỗ trợ ông trong công việc và không bao giờ chơi với bạn bè, ông đã đến các câu lạc bộ golf 270 lần kể từ khi nhậm chức và được trông thấy chơi với các tay golf chuyên nghiệp.
Thời gian ông Trump đi đánh golf còn nhiều hơn người tiền nhiệm Obama |
Trump thường xuyên chỉ trích người tiền nhiệm Barack Obama vì đã dành thời gian chơi golf quá nhiều. Tuy nhiên, thống kê của PolitiFact cho thấy trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ, thời gian của Trump trên sân golf đã vượt tổng thời gian chơi golf của Obama.
Trump đã hứa sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế lên 3,5% mỗi năm. Nhưng kinh tế Mỹ dưới thời ông chưa bao giờ vượt qua mức tăng trưởng 3% và tiến độ giảm tỷ lệ thất nghiệp đã bị Covid-19 "phá hoại". Mỹ ghi nhận lượng việc làm mất đi kỷ lục vào tháng ba và tháng 4. Gần 30 triệu người Mỹ đang nhận trợ cấp thất nghiệp.
Tuy nhiên, Trump vẫn được đánh giá khá cao về cách xử lý nền kinh tế. Số việc làm đã tăng trở lại kể từ tháng 5. Tín nhiệm người Mỹ dành cho Trump về lĩnh vực kinh tế dao động ở mức 50%. Nhà thăm dò ý kiến của đảng Cộng hòa Whit Ayres nói rằng nhiều người Mỹ đánh giá Trump bằng kết quả kinh tế 6 tháng trước, trước khi Covid-19 bùng phát. "Nền kinh tế đã ở trong trạng thái tuyệt vời trước khi đại dịch giết nó", Ayres nói.
Trump đã có chiến thắng chính trị quan trọng khi đạt được Hiệp định thương mại Mỹ - Mexico - Canada (USMCA), phiên bản thay thế Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA). USMCA thay đổi các quy tắc về sản xuất ôtô, thương mại điện tử, bảo vệ sở hữu trí tuệ và giải quyết tranh chấp cho các nhà đầu tư, cũng như điều khoản lao động cứng rắn hơn, đòi hỏi Mexico cải cách luật lao động. Phòng Thương mại Mỹ gọi USMCA là "món quà giúp các công ty Mỹ và 12 triệu công nhân cạnh tranh trong hai thị trường xuất khẩu hàng đầu".
Trên bình diện quốc tế, Trump phá vỡ những khuôn thước ngoại giao được nhiều đời tổng thống Mỹ xây dựng và tích cực thúc đẩy chính sách nước Mỹ trước tiên.
Chủ đề trọng tâm trong chiến dịch tranh cử năm 2016 của Trump là cáo buộc Trung Quốc thực hành thương mại không công bằng và cướp đi việc làm của Mỹ. Ông hứa sẽ ký một thỏa thuận thương mại công bằng với Bắc Kinh để giúp đỡ các doanh nghiệp Mỹ và tạo việc làm cho người Mỹ.
Sau gần hai năm thực hiện các đòn ăn miếng trả miếng trong chiến tranh thương mại với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trump đã đạt được thỏa thuận giai đoạn một với Trung Quốc.
Tuy nhiên, việc Washington và Bắc Kinh áp thuế với hàng trăm tỷ USD hàng hóa của nhau, Covid-19 và một loạt vấn đề khác đã làm quan hệ song phương rơi xuống mức tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, làm dấy lên lo ngại về một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.
Washington đã thực hiện nhiều hành động chống lại Bắc Kinh trên nhiều phương diện: chấm dứt trạng thái đặc biệt của Hong Kong, trừng phạt các quan chức Trung Quốc hàng đầu vì vấn đề Hong Kong, Tân Cương và tìm cách cấm các công ty công nghệ Trung Quốc hoạt động tại Mỹ.
Các nhà phân tích nói rằng nếu đắc cử, Biden sẽ có ít lựa chọn ngoài việc duy trì lập trường cứng rắn với Trung Quốc, nhưng chính quyền của ông nhiều khả năng sẽ dịu giọng hơn với Bắc Kinh để tạo cơ hội cho hai bên đối thoại.
Khi tranh cử, Trump kịch liệt chỉ trích thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA), gọi nó là "một trong những thỏa thuận tồi tệ nhất lịch sử". Năm 2018, Trump rút Mỹ khỏi JCPOA, nói rằng ông có thể đạt được thỏa thuận tốt hơn. Ông cũng mở chiến dịch "gây áp lực tối đa" để cắt đứt nguồn thu nhập của Tehran.
Bất chấp hai năm áp lệnh trừng phạt trên nhiều lĩnh vực từ doanh thu dầu mỏ, khoáng sản cho đến ngân hàng trung ương Iran, Washington vẫn chưa khiến Tehran thay đổi hành vi và đưa nước này trở lại bàn đàm phán. Thay vào đó, sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận, Tehran có những động thái đảo ngược cam kết với các cường quốc như không tuân thủ giới hạn làm giàu uranium. Căng thẳng leo thang có lúc đưa Mỹ - Iran đến bờ vực chiến tranh.
Biden nói rằng ông sẽ đối phó với Iran thông qua ngoại giao và tái tham gia JCPOA, nhưng với điều kiện tiên quyết là Iran phải tiếp tục tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận.
Trump còn nhiều lần sử dụng các hội nghị quốc tế để chỉ trích đồng minh. Ông đã nhiều lần phàn nàn về việc các đối tác NATO không đạt được các mục tiêu chi tiêu quốc phòng. Ông cũng nhấn mạnh sự rệu rã của tổ chức được thành lập vào năm 1949.
Những lời công kích của ông đã làm suy giảm mối quan hệ của Mỹ với một số đồng minh châu Âu, nhưng chính sách ngoại giao giận dữ của Trump đã tạo ra thay đổi: nhiều thành viên của liên minh đã tăng chi tiêu để đạt mục tiêu đóng góp 2% GDP cho NATO.
Năm nay, Trump tuyên bố sẽ cắt giảm quân số Mỹ đóng tại Đức, cáo buộc Berlin lợi dụng Mỹ trong khi không đáp ứng các nghĩa vụ của NATO. Các nhà phân tích cho rằng việc khôi phục tinh thần đoàn kết của liên minh xuyên Đại Tây Dương sẽ mất nhiều thời gian, nhưng đây là nhiệm vụ dễ hơn nhiều vấn đề khác cho Biden nếu ông đắc cử.
Năm 2016, Trump hứa sẽ không để Mỹ dấn thân vào các cuộc chiến ở nước ngoài và hồi hương quân nhân Mỹ được triển khai đến Afghanistan, cuộc chiến vốn đã kéo dài 19 năm.
Washington đã bắt đầu cắt giảm quân số ở Afghanistan sau khi đạt được thỏa thuận với Taliban vào tháng hai và dự kiến rút toàn bộ quân Mỹ khỏi nước này. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc vào các cuộc đàm phán vốn bị đình trệ giữa Taliban và chính phủ Afghanistan.
Trump cũng yêu cầu rút quân Mỹ khỏi Syria. Các phụ tá và quan chức quân đội phản đối quyết định, nhưng Washington vẫn cắt giảm hơn một nửa quân số tại quốc gia này.
Mỹ rút quân khỏi Afghanistan |
Một trong những quyết định gây tranh cãi nhất của Trump là rút khỏi Thỏa thuận Khí hậu Paris, điều ông đã nhiều lần hứa hẹn trong chiến dịch tranh cử năm 2016. Trump cho rằng thỏa thuận này đặt ra gánh nặng kinh tế và tài chính "hà khắc" đối với Mỹ và hứa sẽ đàm phán một thỏa thuận tốt hơn.
Nhưng chưa có thỏa thuận mới nào được xúc tiến. Chiến dịch của Biden cho biết ông sẽ tái tham gia thỏa thuận Paris và dẫn đầu nỗ lực để khiến các nước lớn tăng cường các mục tiêu chống biến đổi khí hậu.
Trump hứa vào năm 2016 rằng ông sẽ dời Đại sứ quán Mỹ tại Israel đến Jerusalem. Động thái này đã bị hầu hết thế giới Arab phản đối nhưng được chính phủ Israel và những bên ủng hộ nước này ca ngợi.
Jerusalem là nơi có nhiều khu vực linh thiêng của Do Thái giáo, Hồi giáo và Cơ Đốc giáo. Israel chiếm Đông Jerusalem trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967, coi toàn bộ Jerusalem là thủ đô không bị chia cắt. Trong khi đó, Palestine cho rằng Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước Palestine. Nghị quyết 181 của Liên Hợp Quốc đặt Jerusalem dưới sự quản lý quốc tế.
Kế hoạch Hòa bình Trung Đông mà chính quyền Trump vạch ra đã bị người Palestine phản đối vì nó cho phép Israel duy trì quyền kiểm soát các khu định cư ở Bờ Tây. Người Palestine cho rằng các khu định cư Israel khiến việc thành lập nhà nước Palestine bất khả thi. Tuy nhiên, kế hoạch của Washington nhận được đánh giá tích cực từ một số quốc gia Arab.
Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) tháng này bình thường hóa quan hệ với Israel trong một thỏa thuận lịch sử do Mỹ làm trung gian. Nhiều nhà phân tích coi đây là chiến thắng trong chính sách đối ngoại của Trump vào thời điểm Biden đang dẫn trước trong nhiều cuộc thăm dò.
Trump đã khiến cả thế giới ngạc nhiên khi thực hiện những cuộc hội nghị thượng đỉnh chưa từng có tiền lệ với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Nhưng ông chưa đạt được tiến bộ trong việc thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, một số người tin rằng chính sách ngoại giao "phá băng" của ông có thể tạo tiền đề cho chính quyền tương lai tìm cách giải quyết vấn đề.
Jeremy Shapiro, chuyên gia từ Viện Brookings, đánh giá Trump đã thay đổi chính sách đối ngoại của Mỹ vượt xa những gì ông đã vạch ra trước khi nhậm chức.
Mặc dù Trump phàn nàn rằng Mỹ có nhiều thỏa thuận tồi tệ trong rất nhiều lĩnh vực, ngoại trừ NAFTA, ông chưa tạo ra được những thỏa thuận tốt hơn. "Rất dễ để hủy bỏ một thỏa thuận, nhưng tạo ra cái tốt hơn khó hơn rất nhiều. Và ông ấy chưa làm được điều đó", Shapiro nói.
Phóng viên (t/h)