- Việt Nam hồi hộp chờ 'vàng' từ 4 cô gái điền kinh
- Chờ "phái yếu" giật huy chương điền kinh ASIAD
- Đội tuyển Việt Nam giành HCV điền kinh châu Á
Là đấu trường quy tụ nhiều VĐV hàng đầu Việt Nam tham dự, giải vô địch điền kinh quốc gia 2023 trở thành nơi kiểm chứng phong độ của các tuyển thủ quốc gia. Đó cũng là thời điểm mà ở đó, một số VĐV được ghi nhận có thành tích tốt một cách khác thường so với chính họ tại nhiều giải quốc tế vừa qua.
Chạy ở giải quốc gia nhanh hơn SEA Games, ASIAD
Sau một kỳ ASIAD đáng quên, Nguyễn Thị Oanh trở lại đấu trường quốc gia. Cô tham dự nhiều nội dung chạy ở cự ly trung bình tương tự SEA Games 32 vừa qua. Nữ VĐV 28 tuổi có màn khởi động hoàn hảo khi giành HCV nội dung 1.500m nữ trong ngày đầu tiên. Đến ngày tiếp theo, Oanh vô địch thêm 2 nội dung 5.000m và 3.000m vượt chướng ngại vật nữ.
Việc Oanh liên tiếp thể hiện tốt và giành 3 HCV ở giải điền kinh quốc gia không phải điều bất ngờ. Tuy nhiên, những ai tinh ý có thể thấy một chi tiết bất thường, đó là thành tích của Oanh tại các nội dung thi đấu. Khi trở về giải vô địch quốc gia, Oanh thể hiện tốt hơn so với ASIAD 19, giải đấu quốc tế quan trọng nhất với cô trong năm nay. Tại nội dung 1.500m nữ, Oanh về đích với kết quả 4 phút 21 giây 07. Thông số này tốt hơn những gì cô làm được ở ASIAD 19 vừa qua (4 phút 24 giây 19). Tại SEA Games 32, thành tích của Nguyễn Thị Oanh ở nội dung 1.500m nữ là 4 phút 16 giây 85. Kỷ lục cá nhân của cô là 4 phút 12 giây 28, được thiết lập tại giải vô địch thế giới hồi tháng 8.
Tương tự Nguyễn Thị Oanh, một tuyển thủ điền kinh khác là Lương Đức Phước cũng vô địch quốc gia với thông số tốt hơn giải quốc tế. Trong ngày 25/10, Lương Đức Phước thi đấu chung kết nội dung chạy 1500m nam và về nhất với thành tích 3 phút 51 giây 22. Thông số này tốt hơn kết quả Phước đạt được tại SEA Games 32 (3 phút 59 giây 31) và ASIAD 19 (3 phút 51 giây 65). Câu chuyện "thi đấu trong nước tốt hơn SEA Games, Olympic" được kiền kinh Việt Nam lý giải với nhiều nguyên nhân khách quan. Bên cạnh phong độ, một lý do khác là ở các nội dung chạy cự ly trung bình và dài, thành tích của VĐV có thể biến động nhiều theo chiến thuật thi đấu. Tuy nhiên, việc chạy ở giải quốc gia nhanh hơn quốc tế đến 1, thậm chí 2 phút hẳn là điều bất thường.
Tại SEA Games 31, Nguyễn Văn Lai giành cú đúp HCV trên sân nhà ở 2 nội dung 5.000m nam (16 phút 34 giây 10) và 10.000m nam (32 phút 17 giây 34). Nhưng đến Đại hội Thể thao Toàn quốc 2022, VĐV này đã cải thiện thành tích một cách thần kỳ. Anh về nhì nội dung 5.000m với kết quả 14 phút 34 giây 27, và về nhất nội dung 10.000m sau 30 phút 36 giây 86. Có thể thấy trong năm ngoái, chỉ sau 6 tháng từ SEA Games 31 đến Đại hội Thể thao Toàn quốc 2022, Nguyễn Văn Lai đã cải thiện thành tích một cách thần kỳ. Anh chạy nhanh hơn chính mình tới 2 phút ở mỗi nội dung. Bước sang nắm 2023, Nguyễn Văn Lai đã chia tay đội tuyển quốc gia. Tuy nhiên, anh vẫn thể hiện tốt tại các giải trong nước.
Ở nội dung chạy 5.000m nam, Nguyễn Văn Lai giành HCV khi đạt thành tích 15 phút 6 giây 35. Thông số này không ấn tượng bằng Đại hội Thể thao Toàn quốc 2022, nhưng vẫn tốt hơn nhiều so với SEA Games 31. Vì một vài lý do khách quan, nhiều quốc gia như Thái Lan và Indonesia không cử những VĐV hàng đầu của họ tham dự nội dung chạy 5.000m nam tại SEA Games 31. Thú vị hơn, chỉ một năm sau, nhà vô địch nội dung 5.000m nam của SEA Games 32 là một VĐV Thái Lan. Người này đạt thông số 14 phút 34 giây 77, vẫn chậm hơn thành tích trong nước Nguyễn Văn Lai đến nửa giây. Đại diện Việt Nam ở nội dung trên, VĐV Đỗ Quốc Luật, đạt thành tích 15 phút 17 giây 19. Anh chạy chậm hơn so với giải quốc gia vừa qua là 15 phút 10 giây 53.
Những câu chuyện bên lề
Tại ASIAD 18, điền kinh Việt Nam từng chứng kiến thành công ngoài mong đợi khi giành 2 HCV và 3 HCĐ. Ở những kỳ Á vận hội trước đó, điền kinh Việt Nam cũng có huy chương. Nhưng đến kỳ ASIAD vừa qua tại Trung Quốc, đội tuyển đã chứng kiến một giải đấu trắng tay. Các VĐV Việt Nam tỏ ra hụt hơi so với đối thủ ở nhiều nội dung. Sự hụt hẫng dành cho điền kinh Việt Nam tại ASIAD 19 là điều dễ hiểu, khi thực tế cách quá xa mức kỳ vọng chung. Có nhiều nguyên nhân được đưa ra, theo cả hai góc độ chủ quan và khách quan. Với tư cách một người trong cuộc, ông Dương Đức Thủy, nguyên HLV trưởng đội tuyển điền kinh đã lên tiếng.
Theo nhận định từ HLV Dương Đức Thủy, điền kinh Việt Nam đang thiếu lớp VĐV kế cận. Những VĐV trở thành đầu tàu gồng gánh thành tích đội tuyển ở ASIAD 19 vừa qua đã tham dự 2, thậm chí 3 kỳ Á vận hội. Nguyễn Thị Huyền và Bùi Thị Thu Thảo đều đã tính đến phương án nghỉ thi đấu trong tương lai gần, Nguyễn Thị Oanh cũng không còn ở thời kỳ đỉnh cao. Một nguyên nhân khác khiến điền kinh Việt Nam tụt hậu ở ASIAD là bởi các VĐV phải thi đấu dàn trải nhiều nội dung. Nguyễn Thị Oanh là một trong những ví dụ điển hình nhất. Ở đấu trường trong nước và khu vực, Oanh có thể gồng gánh chỉ tiêu HCV với khả năng của bản thân, nhưng sân chơi châu Á lại hoàn toàn khác. Trước thềm ASIAD, cô cũng tham dự quá nhiều giải.
Việc phải thi đấu liên tục trong một thời gian ngắn có thể là nguyên nhân khiến Oanh hụt hơi, qua đó đạt thành tích không như kỳ vọng ở ASIAD vừa qua. Tuy nhiên, việc có nhiều VĐV thi đấu trong nước tốt hơn quốc tế giống Oanh thực sự là một hiện tượng bất thường, và cần lời giải đáp trong tương lai gần.
VĐV ốm khi xuất ngoại thi đấu là điều bình thường
Theo chia sẻ của một số VĐV, HLV điền kinh, họ không lạ nếu đồng đội, học trò của mình bị ốm trong những chuyến du đấu nước ngoài. Khí hậu thay đổi bất thường, chênh lệch nhiệt độ giữa Việt Nam và nơi thi đấu, cũng như mệt mỏi sau quãng đường di chuyển dài được cho là những nguyên nhân khiến VĐV dễ ốm. Đây cũng có thể là một nhân tố khiến thành tích VĐV giảm sút.
"Khi xuất hiện VĐV bị ốm trong thời gian du đấu nước ngoài, chúng tôi thường chọn cách im lặng. Bởi, nếu VĐV không đạt thành tích như chỉ tiêu đặt ra, VĐV và HLV có thể bị quy trách nhiệm vì không chuẩn bị tốt. Mọi thứ sẽ dễ giãi bày hơn cho VĐV nếu bạn ấy đạt huy chương, bởi điều đó vô tình trở thành câu chuyện vượt qua nghịch cảnh để giành chiến thắng", một HLV tâm sự. Khác với suy nghĩ của số đông, không phải mọi VĐV đều có sức đề kháng tốt hơn người bình thường. Họ thậm chí còn dễ nhiễm bệnh hơn bởi sức đề kháng yếu do không dùng thuốc. Nếu bị ốm, VĐV có thể chọn cách tự khỏi thay vì uống thuốc, bởi hoạt chất trong thuốc có thể khiến VĐV vô tình nhiễm doping.
https://cand.com.vn/Tieu-diem-van-hoa/nhung-ket-qua-khac-thuong-tai-giai-dien-kinh-quoc-gia-i711837/