Dân gian thường truyền tai nhau về nhiều điểu cần làm cũng như không nên làm trong ngày Tết Đoan ngọ 5/5 âm lịch.
Tết Đoan Ngọ rơi vào mùng 5/5 âm lịch là phong tục lễ tết Á Đông gắn liền với quan niệm về sự tuần hoàn của thời tiết trong năm. Mặc dù một số nước châu Á khác cũng ăn Tết Đoan ngọ nhưng ngày lễ này của chúng ta lại có bản sắc riêng, mang ý nghĩa riêng. Với người Việt Nam, Tết Đoan ngọ còn được gọi là Tết Giết sâu bọ - những sinh vật làm hại mùa màng và sức khỏe con người.
Những việc nên làm trong Tết Đoan ngọ
Theo truyền thống, trong ngày Tết Đoan ngọ 5/5 âm lịch, mọi người thường thực hiện các nghi thức sau.
Giết sâu bọ
Tổ tiên chúng ta quan niệm, trong ngày Tết Đoan ngọ, có thể giết sâu bọ bằng cách ăn một số thực phẩm. Buổi sáng sớm, người ta ăn bánh tro, chè hạt sen, trái cây và rượu nếp để giết sâu bọ, bệnh tật trong người. Thường mọi người ăn rượu nếp ngay sau khi ngủ dậy.
Trẻ em vừa thức giấc đã được cho dùng các món ăn trên và cả trứng luộc, được bôi hùng hoàng vào thóp đầu, ngực, rốn để diệt sâu bọ, sau đó mới đi rửa mặt mũi, chân tay. Còn người lớn không được đặt chân xuống đất ngay mà phải súc miệng 3 lần cho sạch sâu bọ rồi ăn một quả trứng vịt luộc. Sau đó, họ mới ra khỏi giường, uống một ít rượu hoặc ăn bát cơm rượu nếp cho sâu bọ say, tiếp đến ăn trái cây cho sâu bọ chết.
Cúng Tết Đoan ngọ
Dù các tập tụ cổ xưa đã dần biến mất nhưng truyền thống làm mâm cúng Tết Đoan ngọ vẫn luôn được duy trì ở các gia đình Việt. Tết Đoan ngọ thường đến sau vụ mùa, vì thế mà mâm lễ cúng tương đối phong phú với nhiều loại nông sản. Đồ cúng Tết Đoan ngọ cần có: Hương, hoa, vàng mã; nước; rượu nếp; các loại hoa quả như mận, vải, chuối, dưa hấu; xôi, chè, bánh ú tro. Tùy theo phong tục, tập quán của từng vùng miền và điều kiện của mỗi gia đình mà có thể thêm bớt các món khác nhau.
Tắm nước lá
Vào ngày mùng 5 tháng 5, sau khi ăn cơm rượu nếp để giết sâu bọ, nhiều gia đình chuẩn bị nước tắm từ các loại thảo dược như lá mùi, lá tía tô, kinh giới, lá sả, lá tre… Người xưa cho rằng, việc tắm lá thuốc giúp cơ thể thơm tho, khoan khoái dễ chịu, trị được cảm mạo và xua mầm bệnh.
Những điều kiêng kỵ trong Tết Đoan ngọ
Đây là những kiêng kỵ của dân gian ngày xưa nhằm tránh xui xẻo, giữ gia đạo yên ấm. Ngày nay, mọi người thường tham khảo để biết chứ không áp dụng vì những kiêng kỵ này không có cơ sở khoa học.
Không để giày dép lộn xộn
Quan niệm xưa cho rằng, giày dép trong tiếng Hán đồng âm với từ tà (tức tà khí), nếu để lộn xộn lung tung sẽ dễ chiêu dụ tà khí. Vì vậy, phải để mũi giày hướng ra ngoài, tránh ảnh hưởng đến đường tài lộc và tình duyên.
Không soi gương sau nửa đêm
Dân gian cho rằng không nên soi gương sau 24h vì khoảng thời gian này âm khí hoạt động mạnh, nếu soi gương hay chụp ảnh rất dễ chiêu âm khí, không tốt cho sức khỏe cũng như xảy ra những hiện tượng khó lý giải.
Tránh làm mất tiền
Mọi người bảo nhau dù đi đâu vào ngày 5/5 cũng nên cần thận bảo vệ tài sản và tiền bạc của mình. Theo quan niệm xưa, việc mất tiền trong ngày Tết Đoan ngọ sẽ khiến bạn rơi mất tài lộc.
Không dừng chân ở nơi âm u
Trong ngày Tết Đoan ngọ, các cụ thường dặn nếu đi ra khỏi nhà thì không nên dừng chân ở những nơi âm u, hay những nơi được cho là nhiều tà khí như bệnh viện, nghĩa trang hay nhà tang lễ… vì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Trên thực tế, những nơi đó thường chứa mầm bệnh, tuy nhiên tình trạng này không chỉ xảy ra trong ngày 5/5.
Tránh mua đồ lưu niệm
Điều kiêng kỵ này xuất phát từ quan niệm mọi vật đều chứa linh khí, nếu tốt sẽ mang lại may mắn, tài lộc, còn nếu không tốt sẽ mang tới những điều xui xẻo, chẳng lành.