Những biểu hiện \'tiền mãn kinh\' ở nam giới

Giai đoạn mãn dục nam, cơ thể thiếu hụt testosterone sẽ gây ra các rối loạn về sinh lý, tim mạch, xương khớp, trầm cảm...
 

Nội tiết tố testosterone đóng vai trò quan trọng, được ví như "nhựa sống" của nam giới. Chúng không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tình dục, mà còn là "nhạc trưởng" điều hòa các cơ quan khác như não, tim mạch, xương khớp, cơ bắp…

Testosterone thấp ảnh hưởng đến đời sống vợ chồng

Lượng testosterone thường cao nhất vào buổi sáng sớm, ổn định trong ngưỡng 10-35 nanomol mỗi lít máu. Testosterone đạt đỉnh ở độ tuổi 20, sau đó cứ 10 năm sụt giảm 10%. Nếu cơ thể giảm quá mức, dưới 10nanomol/lít, sẽ xuất hiện nhiều triệu chứng mãn dục nam và nguy cơ bệnh tật. Dưới đây là những rối loạn phổ biến khi nam giới suy giảm testosterone, cần sớm thăm khám để có biện pháp bổ sung phù hợp:

Rối loạn chức năng tình dục

Tinh trùng yếu: Khi cơ thể bước vào giai đoạn mãn dục nam, testosterone sản xuất không đủ để tác động đến tế bào sertoli điều phối quá trình sinh tinh. Hậu quả là giảm số lượng và chất lượng "tinh binh", tăng tỷ lệ tinh trùng dị tật, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình thụ thai, dễ gây vô sinh hoặc hiếm muộn.

Rối loạn cương: Quá trình cương cứng liên quan mật thiết đến testosterone. Hormone này giữ vai trò quan trọng, tác động đến vỏ não để làm tăng chất dẫn truyền thần kinh, trong đó có oxit nitric trong máu giúp mạch máu giãn nở, khởi phát hiện tượng cương. Do đó, nồng độ testosterone thấp sẽ dẫn đến tình trạng "trên bảo dưới không nghe".

Giảm ham muốn: Mức độ testosterone thấp cũng làm giảm ham muốn "yêu". Nếu thiếu nó, đàn ông sẽ bớt quan tâm, ít suy nghĩ về tình dục, giảm động lực tham gia và không đạt được mức độ khoái cảm khi gần gũi bạn đời. Tuổi càng cao, đời sống vợ chồng càng kém mặn nồng, thậm chí mất cảm giác ham muốn.

Rối loạn chuyển hóa

Đàn ông tuổi 40 thường dễ mắc các rối loạn chuyển hóa, bao gồm: tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu và đường huyết cao.

Tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu: Theo Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ (NCBI), gần 30% nam giới mắc bệnh tim mạch (mạch vành, xơ vữa động mạch, suy tim, tăng huyết áp...) có chỉ số testosterone thấp dưới ngưỡng bình thường.

Đường huyết cao: Nồng độ testosterone ở nam giới tiểu đường cũng thấp hơn đáng kể so với người không mắc bệnh. Hầu hết bệnh nhân đều rối loạn cương, giảm ham muốn. Việc bổ sung testosterone nhằm giảm đề kháng insulin có thể hạn chế nguy cơ biến chứng ở người tiểu đường.

Rối loạn xương khớp

Testosterone tác động trực tiếp đến quá trình hình thành và mật độ khoáng chất trong xương khớp. Thiếu testosterone sẽ gây ra chứng loãng xương khi nam giới bước qua tuổi tứ tuần. Bộ khung nâng đỡ cơ thể và các khớp cứng hơn, không còn mềm dẻo như thời trai trẻ và nhanh lão hóa.

Rối loạn tâm lý

Mãn dục nam còn kéo theo những thay đổi tâm lý ở nam giới sau 40 tuổi. Hàm lượng testosterone thấp là một trong những nguyên nhân gây ra các chứng trầm cảm, buồn bực, cáu kỉnh, suy giảm trí nhớ...

Testosterone có vai trò quan trọng, song các chuyên gia khuyên nam giới không nên tự ý tìm đến các biện pháp bổ sung ngoại sinh. Chúng có thể lấp đầy thiếu hụt nhất thời, song tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại khôn lường. Thay vào đó, nên cởi mở chia sẻ với bác sĩ nam khoa, xin tư vấn và tìm hiểu các biện pháp kiến thức khoa học.

Ngoài ra, có thể sử dụng các thảo dược thiên nhiên như nhân sâm, đông trùng hạ thảo, dâm dương hoắc, đặc biệt hàu biển chứa nhiều kẽm... hỗ trợ kích hoạt testosterone nội sinh.

https://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/dan-ong-trung-nien-chuyen-kho-noi/nhung-bieu-hien-tien-man-kinh-o-nam-gioi-3635671.html

/ Theo An San/Vnexpress