Những con thiên nga ở Hà Nội “sáng thả hồ Gươm, tối vớt lên thả ở hồ… Thiền Quang”, Đà Nẵng ra văn bản yêu cầu kiểm duyệt báo chí trước khi đăng tải… là những sự kiện mới nhất cho thấy còn quá nhiều văn bản, quyết định từ phía chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước nhanh chóng bị dư luận phản ứng, bị “tuýt còi” bởi cơ quan kiểm tra.
“Mỏi mồm” vì tuýt còi văn bản vi phạm pháp luật
Câu chuyện của Đà Nẵng bắt đầu từ một công văn rất “trời ơi” của Sở Thông tin Truyền thông (TTTT) Đà Nẵng phát hành hôm 6.2 yêu cầu, đối với nhóm báo địa phương gồm: Báo Đà Nẵng, Báo Công An Đà Nẵng” phối hợp, hỗ trợ cung cấp thông tin về nội dung tin, bài trước thời gian in ấn và phát hành các ấn phẩm báo chí”. Nội dung công văn còn nêu: “Đối với Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng (DanangTV) phối hợp kịp thời cung cấp các thông tin nổi cộm, cần các cơ quan đơn vị phản hồi thông tin báo nêu.
Riêng khối các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương khác đóng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng thì được đề nghị cung cấp kịp thời đường dẫn trên báo điện tử hoặc trang thông tin điện tử của báo các thông tin nổi cộm liên quan đến thành phố Đà Nẵng cần các cơ quan đơn vị phản hồi thông tin báo nêu”. Rõ ràng, công văn số 228/STTTT-TTBCXB của Sở TTTT Đà Nẵng đã vi phạm Luật Báo chí, khoản 3, Điều 13, Luật Báo chí có hiệu lực vào ngày 1.1.2017 quy định: “Báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát sóng”.
Hôm qua (8.2), Sở TTTT TP.Đà Nẵng đã có công văn khẩn yêu cầu thu hồi công văn 228/STTTT-TTBCXB ngày 6.2.2018. Công văn thu hồi cũng đưa ra lời xin lỗi đối với các cơ quan, báo chí. Vấn đề là tại sao một sở về truyền thông lại có thể ra một công văn vi phạm luật dễ dàng đến như vậy? Trách nhiệm của bộ phận tham mưu, văn phòng và trách nhiệm của người ký là PGĐ Nguyễn Thị Phượng đến đâu?
Tháng 10.2017, UBND tỉnh Cà Mau cũng phải ra quyết định thu hồi “Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí trên địa bàn tỉnh Cà Mau” do có nội dung trái luật báo chí. Tại khoản 3, Điều 9 của bản quy chế nói trên có nội dung “Nhà báo, phóng viên không được dùng những ý kiến phát biểu tại hội nghị, hội thảo, các cuộc gặp gỡ, trao đổi, nói chuyện có nhà báo tham dự để thông tin trên báo chí hoặc chuyển thành bài phỏng vấn nếu không được sự đồng ý của người phát biểu”. Quy chế của tỉnh Cà Mau là trái luật và hạn chế quyền tác nghiệp của nhà báo/phóng viên. Bởi Luật Báo chí chỉ quy định không được chuyển ý kiến phát biểu thành bài phỏng vấn để đăng báo nếu không được sự đồng ý của người phát biểu chứ không cấm chuyển thành tin, bài bình thường để thông tin trên báo chí. Nếu như Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) là một ông trọng tài thì chắc chắn sẽ “mỏi mồm” vì tuýt còi.
Cũng trong tháng 1.2018, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật thông báo “tuýt còi” một số thông tư do Bộ LĐTBXH ban hành. Theo đó, kết quả kiểm tra 129 văn bản (ban hành từ ngày 1.1.2015 - 31.10.2017) của Bộ LĐTBXH đơn vị phát hiện 4 văn bản có nội dung không phù hợp với quy định của pháp luật. Cụ thể, tại khoản 2 Điều 7 Thông tư 40/2016 của Bộ LĐTBXH hướng dẫn BLLĐ về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam có quy định: “Giấy phép lao động do Bộ LĐTBXH phát hành thống nhất”. Tuy nhiên, khoản 2 Điều 12 Nghị định 11/2016 của Chính phủ chỉ giao Bộ LĐTBXH quy định mẫu giấy phép lao động. Như vậy, nội dung trên là không có cơ sở pháp lý, không đúng thẩm quyền và trái với quy định tại Nghị định 11.
Cục Kiểm tra văn bản cũng chỉ ra sai phạm tại Điều 7 Thông tư 13/2017 của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH quy định về khai báo, điều tra, thống kê và báo cáo tai nạn lao động hàng hải chưa phù hợp với Bộ luật Hàng hải và Nghị định 121/2014 của Chính phủ về cơ quan tiếp nhận khai báo tai nạn lao động hàng hải... Bên cạnh đó, một số văn bản của Bộ LĐTBXH có căn cứ ban hành văn bản không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể, Thông tư 55/2016 hướng dẫn việc tiếp nhận, quản lý và giáo dục chưa thành niên không có nơi cư trú ổn định bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, các cơ sở trợ giúp trẻ em...
Với những sai phạm trên, Cục Kiểm tra văn bản đề nghị Bộ LĐTBXH tổ chức xem xét, xử lý theo quy định đối với những nội dung trái pháp luật của các văn bản theo quy định của Chính phủ. Đồng thời rà soát quá trình thực hiện các văn bản trái pháp luật để có biện pháp khắc phục hậu quả do việc thực hiện các quy định trái pháp luật nêu trên gây ra (nếu có).
Cục Kiểm tra văn bản cũng có đề nghị Bộ LĐTBXH xem xét trách nhiệm đối với cán bộ, công chức tham mưu xây dựng, ban hành văn bản trái pháp luật theo quy định.
Văn bản thu hồi công văn 226 và xin lỗi của Sở TTTT Đà Nẵng.
Cơ quan nhà nước không thể: Sáng đúng - chiều sai
Còn nhớ cuối năm 2017, một loạt văn bản “chưa ráo mực” đã phải thu hồi. Đó là ban hành Thông tư 45 quy định thẻ Đảng, thẻ nhà báo, giấy phép lái xe không được làm thủ tục lên máy bay, Bộ GTVT buổi sáng ban hành thì chiều phải ra quyết định thu hồi. Tháng 10.2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra công văn, trong đó, có nội dung yêu cầu “cập nhật thông tin mới”, đồng thời, “tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài sách giáo khoa”. Văn bản này gây “chấn động” không chỉ đội ngũ giáo viên mà còn trong xã hội, bởi nó đầy mâu thuẫn và đã làm khó các nhà trường, giáo viên. Hơn nữa, nó không đúng với phương pháp, truyền đạt trong thế hệ công nghệ 4.0. Sau khi đưa ra văn bản, Bộ GDĐT thừa nhận, “việc diễn đạt như trên đã gây hiểu lầm là bộ chỉ cho phép giáo viên khai thác sử dụng sách giáo khoa để dạy học”.
Câu chuyện mới đây về những con thiên nga thả ở hồ Gươm rồi nhanh chóng bị vớt lên và đem thả ở hồ Thiền Quang cho thấy cơ quan quản lý quá dễ dãi với những quyết định của mình. Khi Hà Nội quyết định thả thiên nga, đã không lường hết được phản ứng của dư luận, phản ứng của các nhà nghiên cứu văn hóa - lịch sử như nhà sử học Dương Trung Quốc, nhà nghiên cứu Hà Đình Đức… Khi bị phản ứng, dù không sai (về mặt luật pháp) nhưng Hà Nội cũng sửa sai bằng việc nhanh chóng đưa thiên nga ra chỗ khác.
Một ví dụ khác cho thấy, nhiều quyết định của Hà Nội đưa ra đã không tính toán hết các điều kiện thực tế. Ví dụ như mới đây, Hà Nội “tạm ngừng hình thức thu phí lũy tiến theo giờ dịch vụ iParking”. Lý do là đơn vị cung cấp ứng dụng iParking mới chỉ ký hợp đồng cung cấp với nhà mạng Viettel, nên khách hàng sử dụng mạng di động VinaPhone, MobiFone gặp vướng mắc trong thủ tục xuất hóa đơn, chưa thể nhắn tin thanh toán trên hệ thống, gây khó khăn nhất định cho chủ phương tiện.
Việc ra những văn bản, quyết định từ phía cơ quan quản lý nhà nước cần phải được tính toán kỹ lưỡng, xem xét đầy đủ các tác động, góc cạnh, có sự tham vấn của các chuyên gia.
Đặc biệt với văn bản quy phạm pháp luật phải đảm bảo nguyên tắc sự lãnh đạo của Đảng; nguyên tắc khách quan, nguyên tắc dân chủ; nguyên tắc bảo đảm sự hài hoà về lợi ích giữa các lực lượng xã hội; nguyên tắc về tính khoa học và tính khả thi.
Như thế mới hạn chế được tình trạng “sáng đúng - chiều sai” gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Tết này, người Cần Thơ \'đã mắt\' với lễ hội đèn lồng khổng lồ
Sáng 9-2, ông Nguyễn Hồng Quân - Quản lý sự kiện của Công ty CP Allunee – cho biết nhân dịp đón chào Xuân mới ... |
Đà Nẵng thu hồi công văn vi phạm Luật Báo chí
Sở Thông tin - Truyền thông TP Đà Nẵng đã thu hồi công văn đề nghị các cơ quan báo chí địa phương phối hợp, ... |