Sau Tết Nguyên đán, hàng trăm ngàn công nhân, người lao động từ các tỉnh ồ ạt đổ về các thành phố lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… để trở lại làm việc. Do nhu cầu lớn, phương tiện vận chuyển có hạn nên nhiều người đã phải chấp nhận bỏ ra số tiền lớn gấp nhiều lần giá vé mà nhà nước quy định, nhưng chỉ mua được “chỗ đứng” trên các phương tiện.
Khó mua “chỗ đứng”
Sau những ngày tết về quê sum họp cùng gia đình, công nhân, công chức trở lại các thành phố lớn làm việc rất lớn khiến việc mua vé tàu, xe tại các tỉnh phía Bắc trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Đặc biệt, người lao động tại các huyện lỵ thường gặp khó trong việc mua vé tàu, xe, do khoảng cách về địa lý. Vì vậy, nhiều người đã chọn phương án bắt xe khách dọc đường.
Từ ngày mùng 4 tết, hành khách đã tụ tập tại các ngã ba, ngã tư, các cây xăng, quán cơm ven Quốc lộ 1A để bắt xe. Ai cũng lỉnh kỉnh những túi, những vali, gương mặt ai cũng bơ phờ, hốc hác, mắt luôn hướng về phía trước để nhìn xe. Những ngày này, phần lớn xe khách xuất phát từ các tỉnh phía Bắc đã chứa đầy người và hành lí nên rất ít bắt khách dọc đường. Vì vậy, mỗi khi có xe dừng bắt khách, nhiều người chen lấn, xô đẩy để được lên xe. Người nhà đứng dưới cùng với phụ xe xếp đồ đạc rồi vẫy tay chào tạm biệt.
Tại ngã 3 Quốc lộ 1A, đoạn chạy qua huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) chị Trần Thị Khanh (xã Quảng Nhân, huyện Quảng Xương) cùng em gái ngồi bên cạnh đống đồ chờ xe Bắc - Nam. Chị cho biết, gia đình đi tiễn từ lúc 10h nhưng chờ đến 12h chị vẫn chưa bắt được xe. Mỗi khi thấy xe treo biển Bắc- Nam chạy gần đến, chị lại chạy ra đón nhưng có ít xe dừng lại. Cũng có xe khách dừng lại nhưng người trên xe không thể đứng được nên chị đành phải chờ xe khác.
Chị Khanh vào Bình Dương làm công nhân giày da với mức thu nhập hơn 5 triệu đồng/tháng. Đường xá xa xôi, vé tàu, xe ngày tết vừa cao, vừa khó mua nên chị nhẫn nhịn 2 năm mới về thăm nhà 1 lần. Sau vài giờ đứng chờ, vừa mệt, vừa buồn ngủ, không còn kiên nhẫn được nữa, chị tặc lưỡi: “Có chỗ đứng cũng phải chấp nhận thôi”. Vừa lúc đó, xe khách đi Hưng Yên- Bình Dương dừng lại, dù thấy trên xe đã chật cứng nhưng chị vẫn cố bước lên xe để đứng với giá vé 2 triệu đồng.
Chị Bùi Thị Minh (Thanh Hóa) đến ga Thanh Hóa không mua được vé tàu vào TPHCM nên đành ra Quốc lộ 1A đón xe khách. Chờ suốt nửa ngày, chị mới bắt được 1 xe chạy tuyến Nam Định- Sài Gòn. Vừa đặt chân lên xe, chị hoa cả mắt khi thấy cảnh chiếc xe 45 chỗ mà gần 90 người chen chúc đứng, ngồi lố nhố. Chị đành phải bấm bụng đi vì không đi không biết đến bao giờ mới có xe. Trên xe, ai cũng ngao ngán, ép mình lại tới mức nhỏ nhất nhưng nhà xe vẫn tiếp tục bắt thêm khách.
Ở chiều ngược lại, hành khách từ các tỉnh miền Trung đi Hà Nội cũng tương tự. Ngày mùng 5, từ bến xe thị trấn Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) chiếc xe khách giường nằm BKS 36B- 007XX của nhà xe Hùng Thắng chạy tuyến Vĩnh Lộc- Hà Nội xuất bến. Lúc này, hành khách trên xe đã rất đông. Khi xe lăn bánh, hành khách đã rất vui mừng, những tưởng xe không bắt thêm khách nữa. Thế nhưng, khi xe đi từ thị trấn Vĩnh Lộc qua huyện Thạch Thành, huyện Hà Trung (Thanh Hóa) nhà xe vẫn tiếp tục bắt khách. Đến Quốc lộ 1A, lượng khách trên xe quá tải nhiều lần so với thiết kế nhưng nếu có khách, nhà xe vẫn bắt thêm, mặc cho hành khách phản ứng.
Theo ghi nhận của chúng tôi, ở hàng ghế dưới, mỗi ghế nằm được thiết kế 1 người, nhưng nhà xe xếp 2 người. Vì vậy, trên mỗi ghế, người nằm trên phải co chân, còn 1 người ngồi dưới khúm núm. Ở giường tầng 2, nhiều ghế nhà xe cũng xếp 2 người. Ở hàng ghế cuối, theo thiết kế là 4 người nhưng nhà xe xếp 7 người. Còn 2 dọc hành lang, hành khách cũng phải ngồi khúm núm. Mỗi khi thấy nhà xe bắt khách, nhiều người bất bình bày tỏ ý kiến, thì phụ xe bảo “Ngày lễ tết, các bác thông cảm”. Nếu hành khách nào to tiếng, yêu cầu không được xếp khách nữa thì phụ xe nói luôn: “Nếu không chịu được thì có thể xuống chờ chuyến sau hoặc đi xe khác”. Tuy nhiên, do ai cũng muốn đi nhanh, hơn nữa, cả tuyến Vĩnh Lộc- Hà Nội chỉ có mình nhà xe Hùng Thắng nên hành khách đành phải chấp nhận.
Xe Hùng Thắng (tuyến Thanh Hóa - Hà Nội) là xe giường nằm, nhưng người dân chỉ được ngồi dù giá vé tăng 50% so với ngày thường.
Tăng giá
Vẫn xe Hùng Thắng, ngày thường, giá ghi trên vé theo niêm yết của nhà nước là 90.000 đồng/người/ghế, còn những ngày lễ, tết, nhà xe thu 150.000 đồng/người. Như ngày mùng 5 tết, nhà xe thu 150.000 đồng (tăng 50%).
Lý giải giá vé tăng cao, phụ xe cho biết, cả năm chỉ có vài ngày. Hơn nữa, nhà xe đâu có được ăn cả, còn phải làm luật nữa. “Nếu có thắc mắc về giá vé thì gọi cho chủ nhà xe, còn chúng em chỉ đi làm thuê”- phụ xe nói.
Tương tự, nhà xe Hoàng Đông limousine chạy tuyến Quán Lào (huyện Yên Định, Thanh Hóa) - Hà Nội ngày thường, giá vé 160.000 đồng/ghế hạng B và 180.000 đồng/ghế hạng A. Tuy nhiên, sau tết, nhà xe đã tăng giá lên 240.000 đồng/ghế hạng B (tăng 50%) và đối với ghế hạng A là 260.000 đồng (tăng 45%).
Chiều Hà Nội - TPHCM giá vé cũng tăng cao. Ngày mùng 5 tết, hãng Mai Linh chiều Hà Nội- TPHCM có giá vé là 1.375.000 đồng/giường, không bao ăn. Trong khi ngày thường, vé tuyến Hà Nội- TPHCM của hãng xe này là 715.000 đồng (tăng 92%). Không những thế, giá vé 715.000 đồng/giường ngày thường còn được bao 3 suất ăn, gồm sáng, trưa, chiều.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá vé xe khách tuyến Hà Nội- TPHCM hầu hết đều tăng, với mức từ 50% đến 70%, tùy từng nhà xe. Ngoài ra, hành khách còn bị chặt chém ở các quán cơm ven Quốc lộ 1A.
Nhu cầu lớn, nhưng số lượng xe thì có hạn nên hành khách dù không muốn cũng phải chấp nhận. Trong khi đó, nhà xe nhồi nhét, tăng tốc rút ngắn thời gian để tăng chuyến (nếu chạy từ Hà Nội đến TPHCM hết 38 giờ/chuyến, nhưng nhà xe tăng tốc giảm xuống còn 33 giờ đến 34 giờ/chuyến) gây nguy hiểm cho hành khách. “Cả năm chúng tôi chỉ dịp tết để làm ăn nên phải chạy hết công suất. Nếu bị phạt cũng chỉ vài triệu đồng, nhưng 1 chuyến xe những ngày “nóng” lời vài chục triệu nên cũng phải chấp nhận thôi”- một nhà xe cho biết.
Lựa chọn nguy hiểm
Thay vì phải chấp nhận nhồi nhét và giá vé cắt cổ, nhiều người đã chọn giải pháp mạo hiểm là đi xe máy từ quê ra thành phố lớn, nhất là với các bạn trẻ. Hầu hết hành khách lựa chọn cách này đều có cung đường di chuyển không quá dài, thường từ 400km trở lại.
Từ ngày mùng 4 tết, trên tuyến đường Hồ Chí Minh, nhiều xe máy biển số 38 (Hà Tĩnh), biển số 37 (Nghệ An), biến số 36 (Thanh Hóa) chạy theo hướng Nam - Bắc rất nhiều. Trên xe, lỉnh kỉnh những đồ đạc, quà bánh, thậm chí cả gà được buộc sau xe. Chị Lê Thị Hoa (quê Thanh Hóa) cho biết, sáng mùng 5, vợ chồng chị ra Hà Nội để chuẩn bị trở lại công việc. Tuy nhiên, thay vì đi xe khách, vợ chồng chị quyết định đèo nhau bằng xe máy. “Quãng đường từ quê ra Hà Nội dài 170km, nhưng chúng tôi vẫn chọn đi xe máy vì chủ động được thời gian. Hơn nữa, cũng không lo bị nhồi nhét, chặt chém trên xe khách. Khi di chuyển, vợ chồng tôi thay nhau chở. Đi chừng được nửa đường thì dừng lại nghỉ ngơi. Vừa đi vừa nghỉ, chừng 4 tiếng chúng tôi cũng ra đến Hà Nội” - chị Hoa cho biết.
Còn theo chị Nguyễn Thị Hồng Nhung (quê Nghệ An), di chuyển bằng xe máy ra Hà Nội trên đường Hồ Chí Minh cũng có cái hay. Một phần, đường Hồ Chí Minh thông thoáng hơn quốc lộ 1A, một phần, khi di chuyển sẽ có cơ hội ngắm cảnh 2 bên đường. “Chúng em đi thành đoàn, mỗi xe chở 1 người và thay nhau chở. Đến chỗ cảnh đẹp như Vườn quốc gia Cúc Phương, cả nhóm dừng lại, chụp hình và nghỉ ngơi hoặc mua đặc sản của bà con bán ven đường. Thú như vậy, nên đã 4 năm qua, năm nào nhóm em cũng đi xe máy về quê và trở lại Hà Nội bằng xe máy” - Nhung cho hay.
Khi đặt câu hỏi về tính an toàn khi di chuyển bằng xe máy, Nhung cho biết, trong những ngày trước và sau tết, lượng khách rất đông nên thường bị nhồi nhét và chặt chém. Nếu di chuyển bằng xe máy sẽ tránh được điều này nhưng dọc đường cũng có nhiều nguy cơ hơn như tai nạn, xe hỏng,… Vì vậy, trước khi di chuyển, Nhung và nhóm bạn phải kiểm tra, bảo dưỡng xe thật kỹ, mặc đồ bảo hộ, áo ấm, găng tay, khăn quàng cổ, nón bảo hiểm có kính chắn gió. Ngoài ra, trong nhóm cũng phải có người biết sửa xe để đề phòng trường hợp hỏng hóc. “Dù đi ôtô hay máy bay thì cũng đều có nguy cơ xảy ra tai nạn, nhưng với xe máy thì mức độ rủi ro cao hơn. Tuy nhiên, nếu không muốn chặt chém, nhồi nhét khi đi trên xe khách thì phải chấp nhận rủi ro khi đi xe máy”- Nhung nói.
Có anh trai hay chị gái sẽ thích hơn trong dịp Tết?
Anh trai thường không giúp em gái làm việc nhà, tư vấn khi đi shopping hoặc hoàn thành công việc cha mẹ giao trong dịp ... |
Chưa khai hội, dòng người đã nhích từng bước đi lễ ở chùa Hương
Dù mùng 6 Tết mới chính thức khai hội nhưng ngay từ mùng 5 Tết, hàng vạn người đã đổ về danh lam thắng cảnh ... |
Phim, kịch Tết thắng lớn
18 vở diễn Tết của các sân khấu xã hội hóa đã thu hút hàng ngàn lượt khán giả đến xem và cổ vũ nhờ ... |
Tháng giêng không là tháng ăn chơi
Ca dao Việt Nam có câu “tháng giêng là tháng ăn chơi”, hoàn toàn đúng. Bởi vì ngày xưa, sau xuân là mùa nông nhàn. ... |