- Thiếu vật liệu, cao tốc Bắc - Nam có nguy cơ chậm tiến độ
- Xử lý thông tin báo chí phản ánh Dự án thủy điện Hồi Xuân chậm tiến độ
- Liên tục chậm tiến độ, một nhà thầu thi công QL8A bị cắt chuyển khối lượng
Thông tin về tình hình triển khai các dự án ODA giao thông lớn, Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) cho biết, tính đến đầu tháng 4/2023, có 3 dự án vẫn chưa đáp ứng được tiến độ yêu cầu. Đó là: Dự án Kênh nối Đáy-Ninh Cơ; kết nối giao thông miền núi phía Bắc và kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên.
Tiến độ ì ạch
Cụ thể, dự án WB6 - Kênh nối Đáy - Ninh Cơ do Ban Quản lý dự án (QLDA) Đường thủy làm chủ đầu tư đã thông cầu vượt Âu ngày 20/3/2023, sản lượng đạt 77%, chậm 10% do các nhà thầu thi công chậm. Tại dự án này, Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu Ban QLDA chỉ đạo tư vấn giám sát, nhà thầu ký cam kết và tập trung thi công đảm bảo hoàn thành dự án trước ngày 30/6/2023.
Đối với dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc, tính đến nay, 8/11 gói thầu đã được triển khai thi công (XL1, XL2, XL4, XL, XL6, XL-08; XL09, XL10); 3 gói thầu còn lại (XL3, XL7, XL11), công tác lựa chọn nhà thầu rất chậm; kinh phí GPMB tăng dẫn đến vượt tổng mức đầu tư. Thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng chưa hoàn thiện.
Dự án thứ ba nằm trong nhóm công trình ODA giao thông chậm tiến độ là dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên. Theo báo cáo, tính đến đầu tháng 4/2023, sản lượng thi công dự án mới đạt 40,2%, chậm khoảng 7,8% so với kế hoạch.
Với dự án này, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị WB gia hạn hiệp định thêm 22 tháng, điều chỉnh thời gian hoàn thành từ năm 2023 sang năm 2025. Một số hạng mục cũng được đề xuất bổ sung như: Cầu Trắng 2 (Km 24+650); cầu Nước Xanh (Km 36+546); cầu Đồng Xiêm (Km 39+482); tuyến tránh Tây Giang dài khoảng 8km; tuyến tránh Kon Dơng dài khoảng 4km.
Ngoài 3 dự án ODA chậm tiến độ, dự án xây dựng tuyến nối QL91 và tuyến tránh TP Long Xuyên đến nay dù cơ bản đáp ứng sản lượng theo kế hoạch (đạt hơn 56%). Tuy nhiên, Cục Quản lý đầu tư xây dựng đánh giá, hạng mục xử lý nền đất yếu đóng vai trò quyết định đến tiến độ thi công còn chậm, có nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành của dự án.
Trước thực trạng đó, cơ quan chuyên môn của Bộ GTVT đã tổ chức kiểm tra hiện trường, yêu cầu Ban QLDA Mỹ Thuận quyết liệt chỉ đạo nhà thầu gói thầu CW4B, CW4C đẩy nhanh tiến độ thi công hạng mục xử lý nền đất yếu, kiên quyết xử lý các nhà thầu chậm tiến độ theo quy định hợp đồng.
Nhiều nhà thầu yếu từng bị thay thế song vẫn chây ỳ
Để đảm bảo tiến độ các công trình giao thông, lãnh đạo Bộ GTVT đã không ít lần ban hành các văn bản yêu cầu các ban quản lý dự án xử lý các nhà thầu chậm tiến độ. Song dường như còn tình trạng nhà các thầu vẫn “thờ ơ”.
Gần đây nhất, thông tin về tiến độ thi công dự án tuyến tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho biết, tính đến cuối tháng 3, sản lượng thi công dự án mới đạt 20,1%, chậm 40% so với kế hoạch.
Nguyên nhân chủ yếu do công tác GPMB chậm kéo dài (chi phí GPMB vượt hơn 331 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư đã duyệt, vướng nút giao QL26 nên không tiếp cận được công trường). Lo ngại hơn khi chủ đầu tư đã thay thế 1 nhà thầu là Công ty CP Licogi 166 và điều chuyển khối lượng trong nội bộ liên danh nhà thầu nhưng đến nay, công tác thi công vẫn chưa được nhà thầu tập trung.
"Những yếu tố tác động trên khiến khối lượng giải ngân của dự án từ đầu năm đến nay mới được 3/73,8 tỷ đồng theo kế hoạch đã đăng ký (chậm gần 96%)", Cục Quản lý đầu tư xây dựng thông tin. Cơ quan này cũng cho biết, hiện tại, UBND tỉnh Đắk Lắk đã cam kết bổ sung 332 tỷ (phần chi phí GPMB tăng thêm) từ nguồn vốn ngân sách tỉnh.
Chủ đầu tư đã trình điều chỉnh chủ trương đầu tư. Bộ GTVT cũng đã có văn bản báo cáo, đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận về chủ trương và giao Bộ chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk lồng ghép các nguồn vốn thực hiện dự án.
Cục Quản lý đầu tư xây dựng cũng đề nghị chủ đầu tư cần khẩn trương phối hợp với các cấp chính quyền địa phương giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc trong công tác GPMB, chỉ đạo nhà thầu tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thi công bù lại tiến độ đã chậm, đảm bảo hoàn thành dự án trong năm 2023.
Ngoài ra, liên quan đến việc nhà thầu chưa hoàn thành nhiệm vụ, Khu Quản lý đường bộ III mới đây đã có văn bản đề nghị xử lý nhà thầu ở gói thầu thi công số 4A dự án nâng cấp QL19 gây tắc đường, dân bức xúc. Cụ thể: Đoạn thi công đắp đất đồi nâng cao nền đường tại Km 139+300 và Km 146+100 bị sình lầy, gây ùn tắc giao thông.
Các vị trí thi công cống ngang đường: Km 139+700, Km 142+800, Km 146+200 và tại cầu, đường tránh tạm như: cầu Tà Ly, Cầu Lệ Cần, cầu Vàng... không thường xuyên bù phụ cấp phối đá dăm, thiếu người hướng dẫn giao thông, gây khó khăn cho phương tiện qua lại; đặc biệt vào giờ cao điểm, thường hay xảy ra ùn tắc.
Tại các đoạn thi công đào nền đường thiếu rào chắn, biển báo, nhà thầu không bố trí đèn cảnh báo vào ban đêm tại các đầu vệt đào nền đường; các đoạn thi công đào nền đường có bố trí cọc tiêu, có căng dây nhưng thưa và không chắc chắn, thường xuyên bị đổ.
Cùng đó, ổ gà phát sinh nhiều trên các đoạn mặt đường cũ như tại các vị trí: Km 137+00 - Km 138+00; Km 139+300- Km 141+300; Km 143+500 - Km 148+00; Km 195+00 - Km 198+00... gây mất ATGT.
Được biết, gói thầu thi công số 4A là gói thầu chậm nhất trên toàn dự án. Ban QLDA 2 cũng đã có phương án yêu cầu xử lý năng lực của 2 đơn vị trúng thầu nhưng không đảm bảo tiến độ.
https://cand.com.vn/Giao-thong/nhieu-du-an-giao-thong-lon-cham-tien-do-i689464/