Ngày 6/3/2023, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản 1391/VPCP-CN của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ trưởng Bộ Công Thương kiểm tra xem xét và chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý dứt điểm phản ánh của báo chí về việc Dự án thủy điện Hồi Xuân chậm tiến độ, thi công dở dang, ảnh hưởng đến đời sống của nhiều hộ dân nằm trong vùng dự án.
Dự án thủy điện Hồi Xuân được Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) phê duyệt vào Quy hoạch thủy điện bậc thang sông Mã tại Quyết định số 1195/QĐ-NLDK ngày 31/3/2005.
Dự án được đưa vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến 2030 (Quy hoạch điện VII), phê duyệt tại các Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 21/7/2011 và Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh) của Thủ tướng Chính phủ. Diện tích xây dựng công trình chính khoảng 55,9 ha, diện tích khu vực hồ chứa và các công trình công cộng khoảng 567,6 ha.
Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 3.320 tỷ đồng, công suất lắp máy 102MW với 3 tổ máy, sản lượng điện hằng năm đạt 432 triệu KWh. Dự án do Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng điện Hồi Xuân (VNECO), thuộc Tổng công ty cổ phần Xây dựng điện Việt Nam làm chủ đầu tư, khởi công vào tháng 3/2010. Qua một số lần chuyển đổi chủ đầu tư đến hết năm 2018 dự án đã hoàn thành đạt được 93% khối lượng công việc, trong đó đã xây dựng đập, nhà máy thủy điện và cung cấp lắp đặt thiết bị cơ điện nhà máy; xây dựng đường dây 220 KV đấu nối nhà máy thủy điện vào hệ thống điện lưới quốc gia…
Tuy nhiên, từ năm 2018 đến năm 2022 (Công ty CP đầu tư và xây dựng điện Hồi Xuân VNECO là chủ đầu tư) dự án dừng thi công công trình, do thiếu vốn. Từ cuối năm 2022, đầu năm 2023 Tổng thầu xây dựng tự bỏ vốn để tái khởi động xây dựng nhà máy thủy điện hoàn thành được một số công việc như lao dầm và đổ bê tông sàn vượt 3 khoang tràn; lát nền sân MBA 220 kV ước tính khối lượng đạt khoảng 3,5 tỷ đồng.
Theo báo cáo của UBND huyện Quan Hóa, dự án chậm tiến độ kéo dài, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân trong vùng, cụ thể: Việc bồi thường giải phóng mặt bằng chưa hoàn tất, chưa xây dựng các công trình công cộng, chưa thi công hoàn trả 5 tuyến đường giao thông tránh ngập… Cùng với đó, 10 công trình công cộng như trường học, trạm y tế, trụ sở UBND xã thuộc diện di dời tránh ngập phải giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư chưa có kinh phí thực hiện chi trả cho UBND huyện Quan Hóa để thực hiện đầu tư mới…
Mới đây, tại buổi kiểm tra thực địa và làm việc với lãnh đạo Công ty CP đầu tư và xây dựng điện Hồi Xuân VNECO, ông Đỗ Trọng Hưng - Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, nêu rõ: Dự án thủy điện Hồi Xuân đã có trong quy hoạch điện VII, nên việc xây dựng dự án là hoàn toàn phù hợp với quy hoạch. Dự án được triển khai từ khá sớm và đã chuyển đổi một số chủ đầu tư, đến năm 2018 dự án đã thi công phần xây lắp được 93% khối lượng. Tuy nhiên, do nguồn lực tài chính của nhà đầu tư hết và một số vấn đề còn vướng mắc chưa giải quyết được nên dự án dừng lại kéo dài không đưa vào sử dụng làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sản xuất, sinh hoạt của nhân dân trong vùng dự án; ảnh hưởng đến huyện Quan Hóa và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hoá.
Thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đề nghị Công ty CP đầu tư và xây dựng điện Hồi Xuân VNECO tập trung thu xếp nguồn vốn để tiếp tục triển khai dự án, thực hiện đúng những gì đã cam kết với địa phương trong thời gian sớm nhất. Cùng với đó phải tập trung huy động mọi nguồn lực, tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của các cơ quan hữu quan để có nguồn vốn triển khai dự án. Lãnh đạo công ty cần phải phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, trước hết là huyện Quan Hóa và các xã trong vùng dự án để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con nhân dân… kịp thời giải quyết các khó khăn phát sinh sớm đưa dự án vào vận hành, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Quan Hóa cũng như tỉnh Thanh Hóa.