"Nhà ở xã hội chỉ thấy trên tivi"

"Chúng tôi chỉ nghe nhà ở xã hội trên tivi, báo đài, thực sự không biết dự án ở đâu, mua thế nào, vay vốn ra sao".

Đó là lời của anh Nguyễn Trần Đăng Minh, công nhân Công ty Dịch vụ công ích quận 10, chia sẻ tại chương trình gặp gỡ lãnh đạo TP.HCM vừa tổ chức hôm 11/5. 

Nam công nhân này cho hay, hằng năm công ty của anh có bình xét các trường hợp khó khăn để khi có suất mua nhà ở xã hội sẽ được ưu tiên. Tuy nhiên, hồ sơ người cần mua có nhiều nhưng không biết nhà ở đâu, điều kiện vay thế nào.

Anh Nguyễn Trần Đăng Minh nêu ý kiến tại buổi gặp lãnh đạo TP HCM, chiều 11/5. Ảnh: Lê Tuyết (VNE).

Anh Minh cũng chia sẻ, những người khó khăn được xét mua nhà có tổng thu nhập mỗi tháng của hai vợ chồng chỉ 15-16 triệu đồng. Sau khi trừ chi tiêu, một gia đình dư 2-3 triệu đồng cũng rất khó trả góp. Do đó, anh mong thành phố có chính sách hỗ trợ lãi vay, thời gian vay kéo dài để lao động có cơ hội sở hữu được nhà.

Đáp lời, lãnh đạo TP.HCM cho hay, thời gian qua nguồn cung nhà ở thành phố không nhiều. Nguyên nhân là các dự án gặp vướng mắc về thủ tục, quỹ đất, không nhiều chủ đầu tư tham gia do biên lợi nhuận phân khúc này không đủ hấp dẫn.

Đến hôm qua (13/5), nhà ở xã hội lại thu hút sự quan tâm của dư luận, khi vấn đề này được đề cập tại phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trong báo cáo thẩm tra về kinh tế - xã hội, Ủy ban Kinh tế cho biết, quy định, thủ tục phát triển các dự án nhà ở xã hội, tiến độ triển khai gói 120.000 tỷ đồng còn chậm, chưa đáp ứng kỳ vọng.

Cụ thể, đến nay mới có 29/63 tỉnh, thành công bố 69 dự án tham gia chương trình 120.000 tỷ đồng nhưng chỉ có 30 dự án có nhu cầu vay vốn, tổng nhu cầu vay là hơn 30.000 tỷ đồng. Các ngân hàng thương mại đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền khoảng 7.000 tỷ đồng; Tổng số tiền đã giải ngân đạt 640 tỷ đồng cho 8 chủ đầu tư và giải ngân 6 tỷ đồng đối với người mua nhà tại 3 dự án.

Trong khi đó, những tháng đầu năm 2024, giá căn hộ chung cư ở vị trí trung tâm hay vùng ven của Hà Nội đều ghi nhận mức tăng đột biến. Thậm chí, giá căn hộ nhà ở xã hội đã qua sử dụng nhiều năm vẫn tăng ngoài khả năng chi trả của người lao động có nhu cầu mua nhà ở.

Đáng nói, hiện nay đang diễn ra thực trạng người có nhu cầu không thể mua do thủ tục phức tạp và tình trạng đầu cơ, chênh giá rất lớn giữa giá bán chủ đầu tư đăng ký với Nhà nước và giá bán thực tế.

Như vậy, có thể thấy, giấc mơ nhà xã hội đối với nhiều người lao động nghèo vẫn rất xa vời. Nhà ở xã hội đã khan hiếm vậy, tốc độ tăng giá nhà chung cư, giá đất ở tại các thành phố lớn lại gấp nhiều lần tốc độ tăng thu nhập khiến nhu cầu mua nhà ở của người lao động không được bảo đảm.

Bởi vậy, có ý kiến đề nghị Chính phủ nghiên cứu cơ chế hậu kiểm, có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp mua nhà ở xã hội không đúng đối tượng; Chỉ đạo thanh tra toàn diện công tác phát triển nhà ở xã hội thời gian qua. Xác định vướng mắc, bất cập, vi phạm, tiêu cực để xử lý nghiêm theo quy định là rất cần thiết.

Nếu đã là nhà ở xã hội, giá mỗi m2 không thể lên tới hàng chục triệu đồng. Bởi nếu đã khó khăn thực sự, số tiền cả tỷ đồng bỏ ra mua một căn nhà dường như là điều bất khả thi với nhiều gia đình. Và nếu không có những giải pháp căn cơ, câu nói của nam công nhân ở trên sẽ mãi là ám ảnh với người thu nhập thấp.

https://www.baogiaothong.vn/nha-o-xa-hoi-chi-thay-tren-tivi-192240513220927775.htm

TS Phạm Quang Long / Giao thông