Nhà giáo Phạm Toàn và bốn mảnh ghép về một Cánh Buồm

Vĩnh biệt một Cánh Buồm và trộm nghĩ, nếu trời phật cho sống đến cỡ tuổi của ông thì ở tuổi ấy, trong lòng mình liệu còn cánh buồm nào không để mà sẵn sàng đón gió, dong ra biển…

1. Hồi còn là sinh viên năm thứ Hai Phân viện Báo chí và Tuyên truyền, một lần đến báo Đại Đoàn Kết gửi bài cộng tác, tôi tình cờ được gặp ông ở Phòng Văn hoá - xã hội. Thấy thằng phóng viên trẻ măng là tôi, ông liền kiểm tra kiến thức bằng hàng loạt các câu hỏi, và vừa hỏi lại vừa cười. Nụ cười của "người truy vấn" mà nó cứ an lành, hồn nhiên như... nụ cười trẻ thơ.

Hỏi xong ông liền cầm một tờ giấy trắng giơ lên, nói với một nhà báo đàn anh: Giáo dục một con người phải từ lúc người ta như tờ giấy này này! Chứ bị viết nguệch ngoạc lên đó, giáo dục khó lắm! Sau đó, tôi được giới thiệu rằng: Đây là nhà văn Châu Diên. Và cũng chỉ biết thế rồi chấm hết.

nha giao pham toan va bon manh ghep ve mot canh buom

Nhà giáo Phạm Toàn. (Ảnh: Nguyễn Đình Toán)

Mãi sau này làm nghề mới biết Châu Diên chính là Phạm Toàn - nhà văn, nhà nghiên cứu giáo dục, chủ nghiệm bộ sách giáo dục CÁNH BUỒM. Cái tên CÁNH BUỒM đầy sức gợi, vì nó chở theo những ước mơ.

2. Khoảng 5,6 năm về trước, khi còn khoẻ ông không bao giờ bỏ qua những buổi seminar tri thức vào chiều thứ sáu hàng tuần ở NXB Tri Thức. Tôi thường xuyên gặp ông, nghe ông ở đó. Và trong những lần nghe ông, cũng có những lúc thấy ông hơi cực đoan.

Ví dụ như một lần ông đứng lên và bảo: "Mọi nghiên cứu ở Việt Nam đều là vớ vẩn hết!". Giáo sư Chu Hảo liền nhẹ nhàng nói: "Anh Toàn ơi, tôi mong anh nghĩ lại", rồi sau đó dẫn ra một vài nghiên cứu xã hội học để chứng minh không phải "mọi nghiên cứu ở Việt Nam đều vớ vẩn". Ông nghe chăm chú, rồi cứ thế cười hiền hoà. Có lẽ sau một phút hơi "bay", hơi "cực đoan" ông lại trở về với đúng cái chất hồn hậu vốn có trong căn cốt mình.

Cho đến giờ tôi vẫn nhớ mãi một định nghĩa về văn hoá mà ông nói trong những cuộc hội thảo ngày ấy. "Văn hoá là gì? Văn hoá là tất cả những thứ, những điều khiến cho cái hoang dại không còn hoang dại nữa". Ông bảo, trong hơn 300 định nghĩa về văn hoá, ông thích định nghĩa ấy nhất.

Mà ngay cả khi cực đoan hay bình thường thì cách nói của ông vẫn tưng tửng, dí dỏm và hồn hậu. Giọng ông cũng tưng tửng và hồn hậu thế. Lớp trẻ như tôi ngồi nghe ông thấy dễ hấp thụ. Và mê tít thò lò!

nha giao pham toan va bon manh ghep ve mot canh buom

Nhà giáo Phạm Toàn. (Ảnh: Nguyễn Đình Toán)

3. Cách đây chừng 3 tháng, đi xem vở "Suý Vân giả dại" ở Nhà hát Chèo Kim Mã, ngẫu nhiên thế nào lại được ngồi cạnh ông.

- Cháu chào bác! Cháu có biết đến bộ sách CÁNH BUỒM ĐỎ của bác ạ!

Ông vẫn cười cười, rồi nói một cái gì đó mà tôi nghe không rõ. Phải đợi đến khi người phụ nữ đi cùng ông (hình như là con gái) đính chính tôi mới hiểu: Không phải “Cánh buồm đỏ", chỉ là "Cánh buồm" thôi!

À, ra thế! Chắc do nhớ đến tác phẩm "Cánh buồm đỏ thắm" mà lúc ấy tự tiện thêm chữ vào công trình tâm huyết của ông và các đồng nghiệp. Thấy xấu hổ làm sao! Xấu hổ trước ông, trước con gái ông, và xấu hổ luôn cả cái trí nhớ mà trước đó mình khá tự hào.

Nhưng nỗi xấu hổ tan biến khi sau đó chị hồn hậu bảo: Ông vui lắm, khi anh nhận ra ông, nhận ra "cánh buồm". Ông nhìn theo chị phụ nữ và vẫn cười cười. Đôi mắt ông cũng cười. Hiền hậu như một hồn thơ anh nhi. (Xin ông thứ lỗi, vì vẫn biết lúc đó ông đã gần 90 tuổi, nhưng nhìn nụ cười và con mắt biết cười của ông, thật sự tôi cứ nghĩ đến Nguyễn Nhược Pháp - một hồn thơ anh nhi hồi đầu thế kỷ 20).

Mà cánh buồm cũng anh nhi thì phải? Cánh buồm ấy trong sáng. Cánh buồm ấy hồn hậu. Cánh buồm ấy vĩnh cửu những giấc mơ tuổi 20...

nha giao pham toan va bon manh ghep ve mot canh buom

Nhà giáo Phạm Toàn. (Ảnh: Nguyễn Đình Toán)

4. Nửa tháng trước, nhà văn Trần Thị Trường đột nhiên nhắn tin: "Cô sẽ viết một bài chân dung về Phạm Toàn nhé! Ông yếu rồi...". Đọc bài cô Trường viết thấy xúc động, nhưng thật lòng vì phải ưu tiên cho những bài thời sự hoặc những bài đã "xếp hàng" từ trước đó khá lâu, nên đã để bài của cô lại số sau.

Thế quái nào báo chuẩn bị đi in lại linh tính: Nếu để lại số sau, nhỡ đâu không kịp thì sao? "Kịp" - nó chỉ là một chữ, một khoảnh khắc, nhưng rất nhiều khi lại được đong đếm bằng cả một đời người.

Nghĩ thế nên cuối cùng lại bóc một bài ra, đưa bài cô Trường vào. Ai ngờ, báo ra ngày 25/6 thì ngày 26/6, cánh buồm đã mãi xa khơi mất rồi.

Ông không kịp đọc bài viết của cô Trường - "Phạm Toàn - người hồn nhiên sâu sắc". Nhưng chắc ở một cõi nào đấy, ông cũng cảm nhận được những tình cảm của những người yêu tri thức luôn hướng về ông, trong đó có những người đã từng gặp ông lẫn những người chỉ mới nghe về ông, hoặc đọc sách của ông.

Hạnh phúc lớn nhất của một đời người có lẽ nằm ở chỗ từ thời trẻ thơ đến khi đi qua thời trẻ thơ, bước vào những giây phút cuối cùng của một hạnh ngộ thì trong lòng mình vẫn cứ lấp lánh một CÁNH BUỒM!

Vĩnh biệt một Cánh Buồm và trộm nghĩ, nếu trời phật cho sống đến cỡ tuổi của ông thì ở tuổi ấy, trong lòng mình liệu còn cánh buồm nào không để mà sẵn sàng đón gió, dong thẳng ra biển…

Theo thông tin từ gia đình, Nhà giáo Phạm Toàn qua đời lúc 6 giờ 42 phút ngày 26/6/2019 (24/5 Kỷ Hợi) tại nhà riêng, hưởng thọ 88 tuổi.

Lễ viếng và truy điệu Nhà giáo Phạm Toàn từ 8h - 10h ngày mai, 28/6/2019 (thứ Sáu) tại Nhà tang lễ Cầu Giấy (phố Trần Vĩ, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội); Hỏa táng cùng ngày tại Đài hóa thân Hoàn Vũ (Văn Điển); An táng tại quê nhà: Thôn Hội Phụ, xã Đông Hội, Đông Anh, Hà Nội.

Gia đình Nhà giáo Phạm Toàn xin không chấp điếu (không nhận vòng hoa và tiền phúng viếng).

nha giao pham toan va bon manh ghep ve mot canh buom Bộ trưởng GD&ĐT: 'Thầy cô là nhà giáo dục, không phải thợ dạy'

Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho hay ở một số địa phương, giáo viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp chỉ bị đình chỉ ...

nha giao pham toan va bon manh ghep ve mot canh buom UNESCO sẽ vinh danh nhà giáo Chu Văn An

Đại hội đồng UNESCO tháng 11/2019 sẽ ra nghị quyết cùng Việt Nam kỷ niệm 650 năm ngày mất của danh nhân Chu Văn An ...

nha giao pham toan va bon manh ghep ve mot canh buom Mùng 3 Tết thầy: 10 nhà giáo tiêu biểu trong nghìn năm lịch sử

Chu Văn An, Thân Nhân Trung, Lương Đắc Bằng, Nguyễn Bỉnh Khiêm… là những nhà giáo tiêu biểu trong lịch sử phong kiến nghìn năm ...