- Lời đồn đáng sợ xung quanh món bảo vật bí ẩn nhất được đặt trong Tử Cấm Thành
- Vì sao du khách phải rời Tử Cấm Thành lúc 5 giờ chiều?
Nhờ sự sủng ái của hoàng đế Càn Long, Hòa Thân ra sức vơ vét của cải và xây dựng Cung Vương Phủ, một trong những dinh thự xa hoa nhất lịch sử phong kiến Trung Quốc.
Người Trung Quốc có câu “Một tòa Cung Vương Phủ, nửa bộ sử nhà Thanh”, bởi nó đã trải qua lịch sử của triều đại này từ thời hoàng kim đến khi suy tàn.
Cung Vương phủ được xây dựng vào thời hoàng đế Càn Long nhà Thanh, cách đây hơn 240 năm. Chủ nhân đầu tiên của vương phủ là Hòa Thân, quan tham số một trong lịch sử phong kiến Trung Quốc.
Cổng chính Cung Vương phủ ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: Baidu)
Sau khi Hòa Thân qua đời, hoàng đế Gia Khánh ban tặng vương phủ này cho người em thứ 17 của mình, Khánh Quận Vương Vĩnh Lân, người từ lâu đã ao ước có được nó, và đổi tên thành Cung Vương phủ.
Vào cuối triều Thanh, Từ Hi Thái hậu đã ban vương phủ này cho Cung Thân Vương Dịch Hân, người đã ủng hộ bà trong "Chính biến Tân Dậu".
Dù vậy, ngày nay khi nhắc tới Cung Vương phủ, người ta vẫn luôn nói "Hãy đến Biệt phủ của Hòa Thân".
Một góc hoa viên trong Cung Vương phủ. (Ảnh: Baidu)
Đất vàng phong thủy cạnh Tử Cấm Thành
Dưới thời hoàng đế Càn Long, Hòa Thân rất được trọng dụng và có nhiều quyền lực lớn. Nhờ sự sủng ái của hoàng đế, Hòa Thân trở nên táo bạo và vơ vét được không ít của cải. Do sở hữu gia sản khổng lồ và có hoàng đế chống lưng, Hòa Thân quyết định xây dựng nơi ở xa hoa nhất.
Cung Vương phủ, được bao quanh bởi Thậm Sát Hải, Hậu Hải và Bắc Hải, được xem là đất vàng phong thủy của Tử Cấm Thành. Cách bố trí tổng thể từ trước hẹp sau rộng, cùng thiết kế hồ nước chỉ chảy vào mà không chảy ra, đều thể hiện rõ tư tưởng phong thủy Trung Hoa.
Cung Vương phủ có tổng diện tích hơn 60.000 m2, và để xây dựng phủ, hơn 200 hộ dân khi đó đã phải di dời. Công trình kéo dài suốt 5 năm mới hoàn thành.
Ngân An điện nổi bật với mái ngối màu xanh trong Cung Vương phủ. (Ảnh: Baidu)
Cung Vương phủ được chia thành hai phần, gồm phủ đệ và hoa viên. Khu phủ đệ được chia thành ba lối: đông, trung, và tây, tạo thành hình chữ nhậ. Điện chính là Ngân An Điện, nổi bật với mái ngói màu xanh, biểu tượng cho thân phận của vương gia.
Ngân An điện là nơi Hòa Thân làm việc và tiếp khách, còn được gọi là Ngân Loan điện, ngầm so sánh với nơi làm việc của hoàng đế là Kim Loan điện ở Cố Cung.
Bên trong Ngân An điện, nơi Hòa Thân làm việc và tiếp khách. (Ảnh: Baidu)
Ngoài phủ đệ và hoa viên, Hòa Thân còn cho xây dựng một tòa lầu lớn sơn son trên núi nhân tạo để ngắm trăng, ngâm thơ, đọc sách. Để đến được tòa lầu này, du khách sẽ phải băng qua một hành lang dài với những chiếc cột được trang trí hoa văn tỉ mỉ.
Lối đi này khá dốc, không có bậc, biểu thị cho con đường thăng quan tiến chức luôn suôn sẻ, thuận lợi của của vị tham quan.
Lối lên tòa lầu trên núi nhân tạo, nơi Hòa Thân ngắm trăng, ngâm thơ, đọc sách. (Ảnh: Baidu)
Tương truyền trong Cung Vương phủ tràn ngập biểu tượng chữ "phúc", từ cửa, xà nhà, đèn đâu đâu đều được chạm khắc các hình dạng khác nhau của chữ này, với tổng cộng 9.999 chữ. Chữ "phúc" cuối cùng là do hoàng đế Khang Hy tự tay viết. Ngoài ra còn có bức thư pháp "Thiên hạ đệ nhất phúc" cũng do hoàng đế Khang Hy đích thân đề tặng.
Đây cũng là lý do người dân Bắc Kinh hay nói: “Đến Tử Cấm Thành, tất có khí chất vương giả; đến Vạn Lý Trường Thành, tất có uy nghiêm; đến Cung Vương phủ, tất có phúc”.
Một cánh cổng đá bên trong Cung Vương phủ. (Ảnh: Baidu)
Giá trị khó ước tính
Năm 2022, một đại gia Trung Quốc đã chi 1,5 tỷ nhân dân tệ để mua một khu đất rộng 3.000 m2 ở Hậu Hải, tương đương 500.000 nhân dân tệ (1,7 tỷ đồng) mỗi m2. Nếu không tính đến tiêu chuẩn xây dựng và giá trị lịch sử, với tổng diện tích lên tới hơn 60.000 m2, giá đất của Hoàng Tử Cung đã lên tới hơn 100.000 tỷ đồng.
Trong Cung Vương Phủ, có 2 nơi phản ảnh rõ nét sự giàu có của Hòa Thân. Thứ nhất là Tích Tấn Trai, nơi ở của Hòa Thân cùng 9 người vợ. Bên trong có những cột nhà làm bằng gỗ Kim Tơ Nam Mộc, ước tính mỗi cây có giá tới 2,4 - 2,6 tỷ nhân dân tệ (khoảng 8.300 - 9.000 tỷ đồng).
Mỗi cột nhà làm bằng gỗ Kim Tơ Nam Mộc trong Cung Vương phủ có giá trị lên tới 9.000 tỷ đồng. (Ảnh: Baidu)
Kim Tơ Nam Mộc là một loại cây gỗ quý đặc biệt chỉ có ở Trung Quốc, có khả năng chống ăn mòn mạnh, không thấm, không bị mối mọt, càng không mục ruỗng, đồng thời có màu sắc vàng óng nên rất được hoàng gia ưa chuộng.
Sàn nhà cũng được làm từ loại đá tự nhiên quý hiếm được đánh giá còn đẹp hơn đá trong Tử Cấm Thành. Loại đá này khi đặt chân lên sẽ rất ấm vào mùa đông và mát lạnh vào mùa hè.
Lầu Hậu Trảo dài 160 m, là nơi Hòa Thân cất giữ vô số báu vật. (Ảnh: Baidu)
Nơi thứ hai là lầu Hậu Trảo, địa điểm cất chứa những báu vật mà tham quan này vơ vét trong thời gian là "sủng thần" của hoàng đế Càn Long. Tòa nhà dài 160 m, có tổng cộng 108 phòng. Mỗi phòng đều có các tầng lửng, với 44 cửa sổ bằng gấm có họa tiết khác nhau, giúp Hòa Thân xác định kho báu được cất giấu trong từng phòng.
Ví dụ cửa sổ hình quả đào là nơi cất giữ San hô đỏ. Vào thời điểm đó, san hô đỏ của Hoàng đế Càn Long chỉ cao khoảng 2 thước Trung Quốc, trong khi của Hòa Thân cao hơn 3 thước, tức khoảng 1 m. Ông ta có tận 11 tảng san hô như vậy.
Cửa sổ hình thoi là nơi chứa 10 viên ngọc trai, mỗi viên to bằng quả nhãn, tức to hơn cả viên ngọc trai đính trên vương miện của vua Càn Long. Hay như cửa sổ đặc biệt có hình 2 con cá, cái khánh và con dơi, là nơi chứa các thỏi vàng hay còn gọi là kim nguyên bảo.
Khó có thể thống kê chính xác giá trị Cung Vương phủ. (Ảnh: Baidu)
Theo sử sách chép lại, khi nhà Hoà Thân bị lục soát, người ta phát hiện khoảng 800 triệu lượng bạc cùng nhiều giấy tờ sở hữu cửa hàng, ruộng đất. Tổng tài sản của Hòa Thân lúc bấy giờ tương đương với ngân khố của nhà Thanh tích góp trong 15 năm.