- Thái Lan có lợi thế trước tuyển Việt Nam, Madam Pang nhắc cầu thủ không chủ quan
- HLV Park Hang Seo: Đá trên sân cỏ nhân tạo, cầu thủ dễ gặp chấn thương
Nguyễn Thái Sung từng là học viên của học viện bóng đá Aspire và anh cho rằng đây là đại dự án của bóng đá Qatar chuẩn bị cho World Cup 2022.
Nguyễn Thái Sung là một trường hợp kỳ quặc của bóng đá Việt Nam. Chỉ có vỏn vẹn 162 phút thi đấu chuyên nghiệp tính đến khi giải nghệ sớm vào năm 28 tuổi, cầu thủ này vẫn nổi tiếng chẳng kém một ngôi sao thực thụ.
Tất cả là nhờ chuyến “du học” ở Qatar cách đây hơn một thập kỷ, khi cậu nhóc 16 tuổi trúng học bổng của Học viện bóng đá Aspire - nơi được gọi là "La Masia phiên bản châu Á". Cho đến bây giờ, khi sự nghiệp cầu thủ không thành, Thái Sung vẫn không muốn để lãng phí những ngày ăn tập ở lò đào tạo hàng đầu châu lục.
Thái Sung là một trong những cầu thủ Việt Nam đầu tiên trúng tuyển vào Học viện Aspire (Qatar).
- Chào Thái Sung. Sau nhiều năm, khoảng thời gian ở Học viện Aspire còn lại gì trong ký ức của bạn?
Trong trí nhớ của tôi, cuộc sống ở Qatar khá buồn tẻ và khác hẳn Việt Nam. Những buổi tập thật sự mang đến nhiều áp lực. Lứa quốc tế của tôi có nhiều học viên vượt trội vể thể hình.
Điều khiến tôi thích thú nhất khi ở Aspire là được gặp các cầu thủ nổi tiếng. Có rất nhiều danh thủ, đội bóng nổi tiếng đến Aspire. Nói thật, tôi không thể nhớ hết những ngôi sao thế giới. Hồi ấy, cũng chẳng có điện thoại thông minh và dễ chụp ảnh như bây giờ. Barcelona, Bayern Munich và nhiều đội khác thường đến đây tập huấn.
Còn về Aspire, đây là một đại dự án và có tầm nhìn khác biệt hoàn toàn ở Qatar. Tôi phải nhấn mạnh là không có gì để chê. Nhưng vấn đề là bóng đá Qatar cần nhiều thời gian hơn để vươn mình. Học viện này xây dựng để hướng tới World Cup, đây là dự án nằm trong kế hoạch dài hơi của họ.
Học viên thì được tuyển chọn trên toàn thế giới nhưng đa số là người Qatar, họ có đào tạo thêm học sinh quốc tế. Nếu ai chơi tốt thì có thể được mời nhập tịch Qatar. Nhưng lứa của tôi thì không có ai đá cho đội tuyển Qatar, còn đội tuyển bây giờ có khoảng 90% là học viên từ Aspire.
Thái Sung (hàng trên) bên cạnh những học viên của học viện bóng đá Aspire.
- Những người bạn ngày ấy của Thái Sung có ai trở nên nổi tiếng và đang thi đấu cho đội tuyển Qatar hay không?
Lứa chúng tôi chủ yếu thi đấu ở giải VĐQG Bỉ nhiều hơn. Lứa 1994 của tôi có một vài cầu thủ Qatar nhưng không được lên đội tuyển. KAS Eupen là đội bóng ở Bỉ mà các học viên Aspire thi đấu. Họ lập đội này đá ở giải hạng thấp và được thăng hạng lên giải VĐQG Bỉ. Có một bạn tôi còn nhớ được chuyển đến Barcelona nhưng không trụ lại được. Bóng đá châu Âu đào thải khắc nghiệt quá. Tôi không thấy được nhiều người tôi gặp khi ấy toả sáng.
Tôi có nhiều thời gian tập luyện với các cầu thủ đội tuyển Qatar bây giờ, ăn chung và ngủ chung với họ. Còn tôi từng cùng Akram Afif (trụ cột của đội tuyển Qatar hiện tại) đá một trận với U17 Brazil. Cũng chính HLV Felix Sanchez (HLV trưởng đương nhiệm của đội tuyển Qatar) huấn luyện chúng tôi ở thời điểm ấy. Chúng tôi cũng được thi đấu giao hữu với nhiều đội bóng lớn như Barcelona, Juventus.
Tôi không còn giữ nhiều kết nối với các học viên. Họ cũng không dùng mạng xã hội nhiều. Chỉ có một người bạn ở Thái Lan, cậu ấy chơi ở Thai League, có nhà, có xe có điều kiện kinh tế, ít chấn thương dù không được lên đội tuyển. Tôi thì không được như vậy, bị chấn thương nặng quá, cứ đau liên tiếp rồi phải giải nghệ.
- Bạn học được những gì từ những năm ăn tập ở Aspire?
Học viện Aspire dùng giáo trình châu Âu, mọi thứ đều rất hiện đại, các HLV và nhân viên có trình độ rất cao. Cơ sở vật chất, y tế, dinh dưỡng đều rất tốt. Tôi nghĩ rằng đây là học viện lớn nhất châu Á.
Tôi gọi đó là 3 năm đi học. Thứ tôi thu được là rất nhiều kiến thức về bóng đá, cách sinh hoạt, cách sống. Tôi thực sự biết bóng đá là như thế nào, tôi được thi đấu trên khắp thế giới và biết rằng tầm bóng đá châu Âu cách rất xa mình, khoảng cách ấy ấy là xa như thế nào. Lúc ấy, tôi đang có đà phát triển tốt.
Khi mới sang, tôi được biết là cầu thủ nào chơi tốt thì sẽ có cơ hội được giới thiệu đến châu Âu. Tôi cũng có may mắn như vậy.
Tôi được Sporting Lisbon mời kí hợp đồng 2 mùa ở đội trẻ của họ. Có một số đội khác nữa nhưng Lisbon là nổi tiếng nhất. Nhưng khi ấy CLB Đà Nẵng không đồng ý để tôi ra đi. Muốn sang châu Âu, tôi phải đền bù hợp đồng. Tôi thì chẳng là gì cả nên đương nhiên CLB Sporting Lisbon cũng không thể chi tiền ra.
Thái Sung không thành công trong sự nghiệp cầu thủ.
- Trở về Việt Nam từ Aspire, sự nghiệp của Thái Sung không bật lên được như mong đợi. Tại sao vậy?
Khi về Việt Nam, tôi không tập trung được. Tôi bị phân tâm và thời gian sau đó thì mới tập trung cho việc thi đấu ở quê nhà. Tôi luôn nghĩ về chuyện xuất ngoại thi đấu.
Tôi từng được gọi lên đội tuyển U19 Việt Nam. Tuy nhiên, tôi không hay hơn các đồng đội. Cách tôi chơi bóng cũng khác nên có phần khó hoà nhập. Bây giờ thì có thể sẽ dễ hơn, nhưng ngày đó tôi chưa có nhiều trải nghiệm để điều chỉnh.
Tôi tiếc rằng mình không phát triển đúng như kì vọng. Rồi sau đó, chấn thương quá nặng khiến tôi không thể gượng dậy. Ngay thời điểm này, tôi vừa phải mổ gối thêm một lần nữa và tạm thời chưa thể đi làm.
- Thái Sung chấp nhận từ bỏ sự nghiệp bóng đá?
Tôi không có gì nhiều ngoài kiến thức mình học được từ Aspire và cơ bản thì mình cũng phải quên việc thi đấu chuyên nghiệp đi. Nhưng, tôi nghĩ mình rất hợp với nghề HLV.
Tôi đang dạy bóng đá cộng đồng ở Hà Nội. Bản thân cũng muốn sống ở quê nhà Đà Nẵng lắm nhưng muốn mưu sinh bằng bóng đá cộng đồng thì phải ra Hà Nội thôi. Tôi cũng đang chờ đợi lớp đào tạo HLV hạng C để đi học, tôi muốn phấn đấu làm HLV ở môi trường bóng đá chuyên nghiệp.
- Xin cảm ơn chia sẻ của Thái Sung.
https://vtc.vn/nguyen-thai-sung-giac-mo-dang-do-cua-cuu-hoc-vien-la-masia-chau-a-ar716185.html