Người biểu tình Myanmar tiếp tục xuống đường phản đối đảo chính, kêu gọi dân chủ, bất chấp hành động trấn áp đẫm máu của cảnh sát một ngày trước.
Cảnh sát cùng vòi rồng và xe quân sự được huy động tại các điểm nóng biểu tình ở thành phố Yangon hôm nay, trong khi người biểu tình tuần hành ở thị trấn Kale, tây bắc Myanmar, giơ cao ảnh của Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và hô vang "dân chủ, chính nghĩa của chúng ta".
Video được phát trực tiếp trên Facebook cho thấy nhiều người đội mũ bảo hộ lao động tụ tập trên một con phố ở Lashio, bang Shan, hô vang khẩu hiệu khi cảnh sát tiến về phía họ.
"Đã một tháng trôi qua kể từ cuộc đảo chính. Họ trấn áp chúng tôi bằng các vụ xả súng hôm qua. Chúng tôi sẽ trở lại vào hôm nay", thủ lĩnh biểu tình Ei Thinzar Maung đăng Facebook.
Một số người biểu tình kêu gọi phá hủy các camera giám sát được chính quyền sử dụng, và chia sẻ công thức chế tạo hơi cay trên mạng xã hội. Những người khác chế tạo khiên chắn kim loại cho người biểu tình đối đầu với lực lượng cảnh sát và binh sĩ được trang bị đầy đủ.
Dọc theo một con đường ở Yangon, người biểu tình dán xuống đất hàng trăm bức ảnh Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing với dòng chữ "xấu hổ về ông, chúng tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho ông".
Biểu tình diễn ra một ngày sau Văn phòng Nhân quyền Liên Hợp Quốc cho biết ít nhất 18 người thiệt mạng và 30 người bị thương sau các cuộc trấn áp bằng vũ lực của lực lượng an ninh với người biểu tình Myanmar. Những người tử vong được cho là do trúng đạn thật khi cảnh sát bắn vào đám đông biểu tình ở các thành phố Yangon, Dawei, Mandalay, Myeik, Bago và Pokokku.
Một ủy ban đại diện các nghị sĩ được bầu tháng 11 cho biết ít nhất 26 người đã thiệt mạng trong "ngày đẫm máu" 28/2. "Sử dụng vũ lực quá mức và các hành vi vi phạm khác của quân đội đang bị phơi bày và họ sẽ phải chịu trách nhiệm", ủy ban cho hay.
Quân đội Myanmar chưa bình luận về vụ bạo lực, trong khi cảnh sát và phát ngôn viên quân đội cũng từ chối trả lời. Trong bài đăng hôm qua, tờ Global New Light của Myanmar cảnh báo "chắc chắn sẽ có hành động nghiêm khắc" chống lại "đám đông vô chính phủ" mà quân đội không thể phớt lờ, dù trước đó đã kiềm chế.
Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị cho biết ít nhất 270 người bị bắt hôm 28/2, trong tổng số 1.132 người bị bắt, truy tố hoặc kết án từ sau đảo chính. Một số nhân chứng cho biết nhiều người bị cảnh sát đánh đập trước khi bị bắt đi.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken lên án cái ông gọi là "bạo lực ghê tởm" của lực lượng an ninh Myanmar, trong khi Ngoại trưởng Canada Marc Garneau cho rằng việc quân đội sử dụng vũ lực sát thương đối với người dân là "kinh khủng". Cả hai ngoại trưởng đều kêu gọi phản ứng thống nhất từ cộng đồng quốc tế.
Tom Andrews, đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Myanmar, cho biết quân đội nước này chắc chắn sẽ tiếp tục sử dụng bạo lực, vì vậy cộng đồng quốc tế nên phối hợp phản ứng. Ông đề xuất lệnh cấm vận vũ khí toàn cầu, thêm nhiều biện pháp trừng phạt từ nhiều quốc gia hơn đối với những người đứng sau đảo chính, trừng phạt các doanh nghiệp quân đội và đưa sự việc lên Tòa Hình sự Quốc tế.
"Những lời lên án được hoan nghênh, nhưng vẫn chưa đủ. Chúng ta phải hành động", Andrews cho biết trong một tuyên bố. "Cơn ác mộng ở Myanmar đang bày ra trước mắt chúng ta sẽ trở nên tồi tệ hơn. Thế giới phải hành động".
Myanmar hỗn loạn khi biểu tình biến thành đổ máu
Báo giới quốc tế mô tả Yangon "như chiến trường" trong ngày biểu tình 28/2 khi lực lượng an ninh mở rộng trấn áp trên ... |
Ngày đẫm máu nhất kể từ khi nổ ra đảo chính Myanmar: 18 người chết
Ít nhất 18 người chết và nhiều người bị thương khi cảnh sát Myanmar nổ súng vào người biểu tình phản đối chính quyền quân ... |