Trong khi bệnh nhân phải trả tiền cho diện tích 5m2 mỗi giường bệnh thì ở nhiều nơi, họ phải nằm điều trị dưới gầm giường. Đó chính là ăn gian. Ăn gian công khai đến mức định mức xây dựng giá giường bệnh là 1,34 nhân lực/giường bệnh nhưng thực tế chỉ có 0,7. Có nơi, chỉ 0,5. Thậm chí còn thấp hơn nữa.
Tại Thanh Hóa, tình trạng thiếu giường bệnh cũng là bài toán nan giải. Ảnh: Dân trí.
Bảo hiểm xã hội VN vừa công bố một khảo sát về giá dịch vụ y tế và chất lượng phòng bệnh mà kết quả không thể nói khác ngoài hai chữ "ăn gian".
Nhớ hồi tăng giá dịch vụ y tế, trong đó có giá dịch vụ ngày giường bệnh, ngành y tế ra sức trấn an rằng giá tăng thì chất lượng dịch vụ cũng tăng. Nhưng thực tế, dù giá dịch vụ y tế tăng rất cao thì dịch vụ y tế thì vẫn không mấy thay đổi, đặc biệt là chất lượng phòng điều trị. Chi phí giường bệnh cao đến mức tại một số địa phương như ở Thanh Hóa, nó chiếm tới 30% chi phí khám chữa bệnh, cao vượt cả chi phí thuốc, chỉ chưa tới 20%.
Cao đến mức tiền cho “cái giường” năm 2017 đã lên đến 14.464 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với 8.774 tỷ đồng của năm 2016.
Nhưng giống y như mớ dây cua ngoài chợ, bệnh nhân đang phải trả tiền cho những thứ họ không hề được hưởng.
Phải gọi đó là “ăn gian”, vì trong khi phải trả chi phí cho một phòng bệnh với điều hòa nhiệt độ, quạt thông gió, máy hút ẩm thì rất nhiều bệnh viện hoàn toàn chưa có, hoặc không đủ. Có nơi, bệnh nhân lộn đầu đuôi “xếp cá hộp”, có nơi phải nằm điều trị dưới gầm giường, ngoài hành lang, trước cửa phòng WC...
Ăn gian, vì trong định mức xây dựng đơn giá giường bệnh, nhân lực y tế được tính là 1,34 người/giường bệnh thì các khảo sát cho thấy nhiều bệnh viện chỉ đạt 0,7 nhân lực, có nơi đạt 0,5 nhân lực, thậm chí còn thấp hơn nữa.
Không có, nhưng vẫn thu. Thiếu, nhưng vẫn tính tiền. Đó là gì nếu không phải là ăn gian.
Một quan chức của BHXH đã so sánh chuyện tính giá giường bệnh như một bát phở. Tính tiền thì đủ cả thịt bò, hành, trứng... nhưng thực tế thì chẳng thấy trứng đâu. Và ông nêu quan điểm: Đã có định mức giá thì phòng bệnh phải đảm bảo các yếu tố như giá. Còn nếu không đảm bảo thì bệnh viện chỉ được nhận một phần của giá.
Những người phải đến bệnh viện, âu cũng là bất đắc dĩ, đã khổ trăm bề, không ít trong đó rơi xuống ngưỡng nghèo chỉ sau một lần đi viện. Và điều họ đòi hỏi chính là sự công bằng, chứ tính gian quá hàng tôm hàng cá ngoài chợ như thế thì dân nào chịu cho thấu.
Nhầm thuốc dưỡng thai thành phá thai: Đừng hỏi vì sao người bệnh ùn ùn kéo về Hà Nội, TP.HCM
Nữ hộ sinh bệnh viện Sản- Nhi Quảng Ngãi cấp nhầm thuốc dưỡng thai thành phá thai khiến thai nhi 6 tuần tuổi không thể ... |
Giá nào cho dịch vụ bệnh viện công?
Giá dịch vụ tự nguyện tại các bệnh viện công đang có sự vênh nhau. Cùng một dịch vụ nhưng mỗi nơi lấy một giá ... |