Trong suốt quá trình dựng nước, giữ nước, giành độc lập thống nhất, xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc cũng như quá trình kiến thiết, đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế, ngoại giao luôn luôn là trụ cột trong chiến lược và chính sách phát triển của quốc gia và đã có những đóng góp quan trọng vào thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập, thống nhất đất nước cũng như trong công cuộc xây dựng, bảo vệ, nâng cao vị thế của đất nước.
Trong lịch sử quan hệ quốc tế, không hiếm những cường quốc luôn sử dụng sức mạnh quân sự để đạt mục tiêu đề ra hoặc một số cường quốc khác lại sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế để răn đe và gây áp lực trong quan hệ với các nước khác. Khi đó, mọi hoạt động ngoại giao của quốc gia đó sẽ gắn liền với các mục tiêu mang tính nước lớn, áp đặt đó.
Ngoại giao Việt Nam là một nền ngoại giao hòa hiếu, mềm dẻo, được sử dụng như một biện pháp chiến lược để đạt được mục đích cốt lõi của quốc gia và dân tộc. Trong lịch sử cách mạng Việt Nam, ngoại giao có lúc được sử dụng như một mặt trận chính, có lúc đi song hành cùng các mặt trận khác, nhưng điều quan trọng nhất là luôn tiên phong đi đầu giải quyết mọi vấn đề nảy sinh trong quan hệ với quốc tế.
Những thành công mà ngoại giao Việt Nam có được cho đến ngày hôm nay là cả một quá trình kế thừa, xuyên suốt chiều dài lịch sử đất nước, thế hệ tiếp nối thế hệ, để lại những bài học vô cùng phong phú và sâu sắc với mục tiêu cao nhất là giữ vững độc lập dân tộc và chủ quyền lãnh thổ.
1. Do hoàn cảnh địa chính trị, trong suốt mấy ngàn năm lịch sử, tổ tiên, ông cha chúng ta đã không ít lần phải đổ máu để giành độc lập. Sau khi giành được độc lập, các triều đại phong kiến Việt Nam từ thời Đinh, Lê, Lý, Trần… đều sử dụng các phương pháp ngoại giao để được sắc phong, đàng hoàng xưng Vương, qua đó khẳng định chủ quyền quốc gia. Để đảm bảo duy trì quan hệ hữu hảo với láng giềng to lớn phương Bắc, ông cha ta đã có cách ứng xử khéo léo, chấp nhận “sắc phong, triều cống”, sử dụng các “biện pháp ngoại giao kinh tế” mềm dẻo, thông qua việc cống nạp vật phẩm quý hiếm, hoặc mở rộng bang giao thương mại, ngoại giao với các nước như Nhật Bản, Trung Hoa và phương Tây.
Tuy nhiên, ông cha chúng ta tuyệt đối không bao giờ dâng một tấc đất cho đối phương và cũng kiên quyết không cho “Thiên triều” áp đặt và can thiệp quá sâu vào công việc nội bộ của Đại Việt. Không chấp nhận những đòi hỏi vô lý như cống nộp lương thực và quân lính để “Thiên Triều” tiến hành chiến tranh xâm lược các nước khác.
2. Trong suốt 100 năm bị thực dân Pháp cai trị, nước Việt Nam chìm đắm trong tối tăm, nô lệ và chỉ lóe sáng khi cuộc Cách mạng Tháng Tám nổ ra. Đảng cộng sản lãnh đạo nhân dân đứng lên lật đổ bọn thực dân Pháp xâm lược và thành lập nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH).
Đây là thời kỳ điển hình của những ứng biến, giao thiệp ngoại giao tài tình trong bối cảnh lực ta còn yếu về nhiều phương diện. Với tư cách Bộ trưởng ngoại giao đầu tiên, Bác Hồ đã sử dụng vai trò cá nhân của mình để tranh thủ và tận dụng mọi khả năng, cơ hội tốt nhất cho cách mạng Việt Nam. Thuật ngoại giao của Bác là làm sao cho nước ta ít kẻ thù nhất và nhiều bạn đồng minh hơn hết và muốn ngoại giao được thắng lợi thì phải biểu dương lực lượng.
Trong bối cảnh quan hệ giữa các nước lớn như Mỹ, Anh, Pháp, Liên Xô, Trung Quốc thể hiện rõ vừa có sự thỏa hiệp vừa cạnh tranh ảnh hưởng gay gắt, chúng ta đã xác định kẻ thù chính là thực dân Pháp xâm lược để tập trung mũi nhọn vào đó. Có thể thấy rằng, những hoạt động ngoại giao sáng suốt, khéo léo, bao gồm cả những gợi ý cởi mở về hợp tác kinh tế của Bác Hồ trong thời gian này giữ vai trò sống còn với chính quyền cách mạng non trẻ. Bác đã tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của Mỹ, Liên Xô và Trung Quốc chống lại ý đồ khôi phục lại địa vị cũ của Pháp ở Đông Dương và âm mưu của quân Tàu Tưởng hòng chiếm lại nước ta. Có thể coi Hiệp định sơ bộ 6/3/1946 và Tạm ước 14/9/1946 chính là một bước ngoặt trong nền ngoại giao của nước VNDCCH khi chưa có chính quyền thực sự. Lùi một bước để tiến nhiều bước và bảo đảm nguyên tắc giữ được độc lập.
Những hoạt động ngoại giao dồn dập, vô cùng khôn khéo của thời kỳ này do Hồ Chủ Tịch trực tiếp chỉ đạo và tiến hành đã đẩy được 20 vạn quân Tưởng ra khỏi Việt Nam, khẳng định tính chính danh của chính quyền cách mạng, bảo vệ được chính quyền cách mạng non trẻ, kéo dài thời gian hòa bình cho dù ngắn ngủi nhưng quý giá để chuẩn bị lực lượng cho quân và dân ta bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp sau đó.
3. Chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp, trong bối cảnh sức mạnh ta chưa đủ, thực hiện chính sách kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chúng ta đã chủ trương thúc đẩy việc xây dựng đồng minh, tranh thủ tối đa sự công nhận, ủng hộ của bên ngoài. Chúng ta đã quyết định đẩy mạnh quan hệ hợp tác với Liên Xô và Trung Quốc cùng các nước xã hội chủ nghĩa khác. Việc Trung Quốc và Liên Xô chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với VNDCCH vào năm 1950 đã tạo cho Việt Nam một vị thế quan trọng. Qua đó, đã giúp Việt Nam kết nối được với phe xã hội chủ nghĩa, tranh thủ được sự ủng hộ của các lực lượng tiến bộ trên thế giới.Sự giúp đỡ to lớn chủ yếu đến từ Liên Xô, Trung Quốc đã tạo thêm nguồn lực,góp phần không hề nhỏ vào thành công của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Thắng lợi của Hiệp định Geneve 1954 là sự phối hợp nhịp nhàng giữa chiến thắng quân sự tại Điện Biên Phủ và cả quá trình thương lượng kiên trì và vất vả của ngoại giao Việt Nam. Hiệp định Geneve chính là thắng lợi đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.Nước Việt Nam DCCH được chính thức sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Lần đầu tiên, trong lịch sử Việt Nam lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam đã được cắm trên bản đồ thế giới. Người Việt Nam được công nhận. Chúng ta đã dành được mục tiêu là giải phóng dân tộc tuy đất nước vẫn còn chia cắt.
Trong hơn 20 năm kháng chiến chống Mỹ xâm lược, Ngoại giao đã góp phần mở đường cho việc thúc đẩy quan hệ quốc tế, khơi dậy lòng tự hào, yêu nước, tinh thần quyết thắng của dân tộc, kêu gọi viện trợ của bạn bè. Các binh chủng ngoại giao đã huy động được một mặt trận rộng rãi nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam, tấn công trực diện vào Đế quốc Mỹ, ở ngay trong lòng nước Mỹ và khắp các châu lục. Trong suốt giai đoạn này, Ngoại giao được ví như chiếc chìa khóa đã dồn Mỹ vào thế bị động và buộc phải rút quân dần dần ra khỏi miền Nam.Khi tình hình trên chiến trường và quốc tế có nhiều chuyển biến,ngoại giao đã kịp thời chuyển nhanh tư duy đối ngoại sang “vừa đánh vừa đàm”.
Chúng ta đã kết hợp nhuần nhuyễn sức mạnh của dân tộc với sức mạnh lương tâm của thời đại, khuấy động lương tri loài người trước những tội ác xâm lược của Mỹ. Nếu như tại đàm phán Geneve, trong bối cảnh quốc tế không thuận lợi, có những lúc, những thời điểm ta phải chấp nhận trả giá để đạt được mục tiêu tối thượng và trong chừng mực nào đó, để các nước lớn thu xếp, thì đến Hiệp định Paris chúng ta đã tự đấu tranh bằng chính đôi chân của mình, bằng chính sức mạnh của dân tộc. Yêu cầu tối thượng lúc này là quân đội Mỹ phải rút hoàn toàn khỏi miền Nam Việt Nam. Trên bàn hội nghị, Ngoại giao Việt Nam đã thể hiện bản lĩnh, kiên định và linh hoạt. Thành công của Hiệp định Paris năm 1973 đã tạo điều kiện thuận lợi, góp phần hết sức quan trọng vào thắng lợi cuối cùng, giải phóng miền Nam, thống nhất hoàn toàn đất nước năm 1975.
4. Sau khi chiến tranh kết thúc, vai trò ngoại giao lại càng quan trọng. Trong bối cạnh bị bao vây cấm vận cùng cực, ngoại giao đã giữ vai trò xung kích, phá vây. Thông qua các hoạt động dồn dập, ngoại giao góp phần làm cho nhân dân thế giới tin tưởng vào sự lãnh đạo của nhà nước Việt Nam, vào tính chính nghĩa của cuộc đấu tranh, thiện chí, mong muốn đổi mới và hội nhập của Việt Nam. Qua đó tranh thủ được sự ủng hộ của thế giới nhằm đạt được mục tiêu cao nhất là đưa đấ nước thoát khỏi bao vây cấm vận và từng bước hội nhập với cộng đồng quốc tế. Ngoại giao xúc tiến mạnh mẽ những cuộc trao đổi, dàn xếp, thương lượng và đôi khi là “mặc cả” với các đối tác và đối tượng để đạt mục tiêu đề ra.
Thành công trong thời kỳ này là ta đã tìm ra giải pháp cho vấn đề Cămpuchia, xóa bỏ bao vây cấm vận, bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc và Mỹ. Việt Nam đã khơi thông quan hệ với các nước Đông Nam á (Gia nhập Asean năm 1995, mở rộng quan hệ với các nước Đông Nam Á). Cái vĩ đại của Việt Nam ở đây là chúng ta là nước nhỏ, tiềm lực còn chưa đủ mạnh mà vẫn khôn khéo, biết thoái, biết lui để mặc cả và thương lượng. Đối phương, cho dù mạnh hơn ta nhiều lần về tiềm lực nhưng buộc phải chấp nhận sự hợp lý (tính chính nghĩa) của ta. Chúng ta kiên định bảo vệ lẽ phải, mục đích tối thượng nhưng biết nhân nhượng khi cần thiết. Cách xử lý của ngoại giao Việt Nam là cách xử lý của nước nhỏ khi chơi với nước lớn và ở bên cạnh nước lớn. Đó là cách xử lý của nền ngoại giao thấm đẫm tinh thần hòa hiếu của cha ông. Từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay (2022) Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối ngoại rộng mở với 189/193 quốc gia thành viên của Liên hợp quốc. Chúng ta đã xây dựng được mạng lưới 30 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện.
5. Song song với ngoại giao chính trị, trong lĩnh vực kinh tế, ngoại giao đã tiên phong trong việc tham gia một cách sâu sắc và hiệu quả vào nhiều liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu, góp phần tạo động lực to lớn cho quá trình hội nhập toàn diện của đất nước. Đây là cả một quá trình tiệm tiến, bắt đầu từ những năm 80 khi ngoại giao đã nêu lên nhiều kiến nghị quan trọng, đóng góp vào việc hoạch định chính sách đổi mới của đất nước. Những thời gian sau này là việc Việt Nam tham gia vào các thể chế kinh tế toàn cầu.
Từ một nền kinh tế khép kín, bao cấp, đến nay Việt Nam đã ký 16 hiệp định thương mại tự do (có các FTA thế hệ mới), quan hệ kinh tế với hơn 230 nền kinh tế khắp thế giới, tham gia hơn 500 hiệp định song phương và đa phương. Trong thời gian qua, ngoại giao vaccine đã được tiến hành chủ động và đã tranh thủ được sự ủng hộ kịp thời, hiệu quả của cộng đồng quốc tế.
Bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại làm cho thế giới hiểu về Việt Nam, thúc đẩy du lịch đều được mở rộng và tăng cường.Ngoại giao tiếp tục quảng bá mạnh mẽ ra thế giới hình ảnh Việt Nam độc lập, tự chủ, giàu bản sắc văn hóa, thủy chung, tin cậy, đóng góp tích cực và có trách nhiệm.Trong lĩnh vực đấu tranh bảo vệ an ninh,chủ quyền của đất nước, ngoại giao đã đi đầu trong đấu tranh chính trị, đàm phán, xây dựng lòng tin, ngăn ngừa xung đột, quản lý tranh chấp và hợp tác trên biển. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, đất liền và các lợi ích chính đáng của Việt Nam ở Biển Đông.
Có thể khẳng định rằng Ngoại giao đã góp phần tích cực vào việc nâng cao vị thế, chứng tỏ Việt Nam là một quốc gia có vai trò đáng kể trong tiến trình toàn cầu hóa. Chúng ta đã tham gia vào cuộc chơi chung của thế giới với một tâm thế vững vàng, chủ động, khi đàm phán cũng như khi giữ các vai trò chủ chốt Chủ tịch Asean (2020), Ủy viên không thường trực Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc (2020 – 2021) và để lại những dấu ấn khó quên: Việt Nam đã đóng góp một cách chủ động, tích cực trong việc xây dựng, định hình các thể chế đa phương, đồng thời vươn lên đóng vai trò đáng kể trong việc giải quyết một số vấn đề khu vực và toàn cầu. Chỉ số ảnh hưởng của Ngoại giao Việt Nam được tăng 6 điểm, xếp trên cả một số nước khác ở Đông Nam Á theo Báo cáo của Viện LOWY (Australia) công bố gần cuối năm 2020 khi công bố chỉ số sức mạnh tổng hợp của Việt Nam.
76 năm đã trôi qua, ngoại giao Việt Nam đã chứng tỏ vai trò thực sự là một trong những trụ cột quốc gia.Những thành công và bài học thu được cho ngoại giao Việt Nam đó là: Trí tuệ và ý chí của người Việt Nam, tư tưởng ngoại giao của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát huy truyền thống, bản sắc ngoại giao hòa hiếu, quật cường của dân tộc trong thương thuyết, đàm phán, linh hoạt và mềm dẻo, có lùi, có tiến, kiên định mục tiêu tối thượng và cốt lõi là lợi ích quốc gia và lợi ích dân tộc. Giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc, kết hợp hài hòa với sức mạnh của thời đại. Đặt cách mạng Việt Nam trong dòng chảy chung của cách mạng thế giới, đấu tranh chống đế quốc vì hòa bình, độc lập của các dân tộc, chống chiến tranh và nghèo đói.
Thay cho lời kết, chúng tôi chỉ muốn nhắc lại rằng những thành công mà Ngoại giao Việt Nam có được hôm nay chính là nhờ vào sự hy sinh, đóng góp của cả một dân tộc, của không biết bao nhiêu thế hệ các cán bộ, nhân viên ngoại giao. Trong mỗi một giai đoạn lịch sử của đất nước, lại có những nhà lãnh đạo kiệt xuất đặc biệt là thời đại Hồ Chí Minh như Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Thọ… là những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã cồng hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam và sự nghiệp ngoại giao vĩ đại của dân tộc, lập nên nhà nước và chế độ nước ta ngày nay. Dân tộc ta đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh và những học trò xuất sắc của Người.
Đình Lâm
(Theo Tạp chí Phương Đông)