Ngân sách không phải tiền chùa

Thảo luận tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra tại Hà Nội, có vị đại biểu nói: Hiếm có nước nào trên thế giới lại hào phóng trong việc “cho” các địa phương dự án như ở Việt Nam. 

Vị này dẫn chứng tại Australia các dự án được Nhà nước cấp vốn đều là dự án rất lớn, như việc đầu tư vào sân bay, bến cảng. Một nước khác, Hàn Quốc, trong số hơn 20 dự án lớn thì 70% là nguồn vốn của tư nhân.

Việc phân bổ ngân sách cho các tỉnh, thành phố lâu nay là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới lãng phí đầu tư công. Vị này dẫn con số: Tổng mức đầu tư giai đoạn 2016-2020 là 2 triệu tỷ đồng cho 9.620 dự án. Gần 1 vạn dự án, thật là kinh hãi, nhưng số dự án trên giấy thì vô số kể.

Xin và cho dự án thì dễ nhưng lại rất khó khi đánh giá hiệu quả đầu ra dự án. Tính đến hết năm 2018 đã có 6.290 dự án hoàn thành nhưng không có câu trả lời chính xác về hiệu quả cao, thấp, hay thất bại hoàn toàn của số dự án này.

Chúng ta liên tục kêu gọi “tiết kiệm là quốc sách”. Vậy mà tiết kiệm chưa bao nhiêu nhưng thất thoát, lãng phí thì nhỡn tiền. Đúng là “vào lỗ hà ra lỗ hổng”. Đây không chỉ là chuyện của mỗi người, mỗi nhà, mà còn là chuyện quốc gia đại sự. Bao nhiêu công lao của nông dân cấy trồng, chăm bón, đến mùa thu hoạch có khi một trận bão, lũ tràn qua thế là trắng tay. Nhưng đó là tại trời. Sợ nhất là tại người. Người tính chả ra, “bóc ngắn cắn dài”, nghèo mà xài sang, ném tiền qua cửa sổ mới là lỗ hổng lớn nhất, mới thật nguy tai.

Bấy lâu ta thường nhắc nhau ngân sách không phải tiền chùa. Phải tiết kiệm chi tiêu, trước là trong nhà, sau ra làng xã cũng thế. Đối với quốc gia, chuyện nợ công đã chạm vạch đỏ, chấp chới vượt trần. Vì thế mà phải rất cân nhắc chuyện đầu tư. Cái kiểu làm sân bay, bến cảng, sân gôn, đường sá, xây trụ sở hoành tráng, mua sắm xe công quá tiêu chuẩn, hay như cái màn sang Mỹ “chào hỏi” nêu trên... chính là nguyên nhân làm nợ công tăng cao. Vì thế mà phải chống lãng phí một cách triệt để, thật sự.

Thời gian qua, rất nhiều chính sách thực hành tiết kiệm đã được đưa ra, được thực hiện. Nào là chống tình trạng “loạn họp”, lẽ ra họp nhiều buổi thì dồn lại một buổi, dần dần thay thế cách họp tập trung bằng trực tuyến, như thế bớt rất nhiều tiền vé máy bay, xăng xe, nhà ở... Nào là hình thành các cơ quan công quyền điện tử để giảm bớt thời gian, giảm bớt chi phí cho người dân do các thủ tục hành chính “lằng nhằng dây điện”. Số đoàn đi nước ngoài để mắt thấy tai nghe chuyện xứ người bằng tiền ngân sách đã giảm nhiều so với trước.

Hô khẩu hiệu tiết kiệm thì ai cũng có thể hô, hô rất to đằng khác. Nhưng đấy là hô trên trời dưới đất, đụng đến mình thì lắc đầu quầy quậy. Lúc đó sao mà lắm đặc điểm, đặc thù! Biết bao thứ không giống ai được nêu ra cốt để xin đầu tư, cấp ngân sách. Có anh đứng đầu một địa phương nói thẳng trong một hội nghị lớn rằng: Xin được 10 đồng, về đến “nhà” còn 5 cũng tốt lắm rồi. Còn hơn chả được đồng nào. Và thế là các “công trình xa dân” cứ mọc lên rần rần, đầu tư toàn cỡ nghìn tỷ đồng. Trong khi đó không ít nơi để trụ sở bỏ không trong nhiều năm. Theo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Phó Bí thư Thành ủy T.P Hồ Chí Minh, việc thu hồi tài sản công không sử dụng gây lãng phí là câu chuyện muôn thuở. Ở TP Hồ Chí Minh có những trụ sở bỏ trống cả mấy chục năm, nhưng không cách gì thu hồi được.

Tiết kiệm phải đi liền với chống lãng phí, không để xảy ra tình trạng người xây, kẻ phá. Còn như việc chống lãng phí thì phải chú ý cả lãng phí về thời gian, nguồn nhân lực, chứ không chỉ có tiền tài, vật chất. Đương nhiên là phải chống tham nhũng một cách quyết liệt hơn, hiệu quả hơn. Vì tham nhũng-lãng phí là cặp bài trùng. Nhiều khi chúng vừa là nguyên nhân, vừa là kết quả của nhau. Đồng tiền vào túi một cách bất chính thì nó sẽ được ném đi theo cách của kẻ trọc phú.

Chuyện cổ chép rằng: Một người trẻ tuổi đến gặp một ông nhà giàu. Anh ta xin ông chỉ bảo cách làm giàu. Ông nhà giàu nói ngay: “Để tôi đi tắt bớt một cái đèn đã”. Thì ra bài học đầu tiên là tiết kiệm. Tiết kiệm một cách cụ thể và thực chất, chứ không dừng ở những lời răn dạy.

Nhưng còn bài học thứ hai? Chắc chắn là, không sắm thêm cái đèn thứ ba khi chưa cần thiết./.

Trần Quang

Theo SKMT

ngan sach khong phai tien chua Quyền Giám đốc Ngân sách Mỹ muốn hoãn lệnh cấm Huawei

Reuters ngày 10-6 đưa tin Quyền Giám đốc Ngân sách Nhà Trắng Russell Vought đang yêu cầu trì hoãn các hạn chế đối với Tập ...

ngan sach khong phai tien chua Vợ Thủ tướng Israel chịu nộp phạt 15.000 USD vì chi sai ngân sách

Sara Netanyahu đồng ý nộp khoản tiền 15.000 USD sau khi bị cáo buộc dùng 100.000 USD chi cho hàng trăm bữa ăn của gia ...

ngan sach khong phai tien chua PVN góp phần quan trọng cân đối ngân sách Nhà nước

Trong những năm qua, thu ngân sách Nhà nước đã không ngừng tăng lên, trong đó có những đóng góp không nhỏ của khoản thu ...

ngan sach khong phai tien chua Ông Trần Văn - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội: Ngành Dầu khí rất cần cơ chế đặc thù riêng

Ngành Dầu khí rất cần có các chính sách, cơ chế đặc thù riêng, phù hợp với yêu cầu ưu tiên tập trung nguồn lực ...