- Châu Âu lại “lạc nhịp” ứng phó khủng hoảng năng lượng?
- Hành động khẩn cấp ứng phó khủng hoảng lương thực toàn cầu
Đứng trước nguy cơ bùng nổ các cuộc khủng hoảng toàn cầu, Ngân hàng Thế giới (WB), với vai trò hỗ trợ các nước phát triển, cũng phải nhanh chóng cải cách, đổi mới phương thức vận hành để ứng phó với những biến động khó lường. Một trong những bước đi mới nhất của WB là khởi động tiến trình đàm phán nhằm điều chỉnh sứ mệnh và các nguồn lực tài chính của ngân hàng, bao gồm việc tăng vốn và các công cụ cho vay mới.
Cuộc xung đột Nga - Ukraine để lại nhiều hệ lụy cho nền kinh tế toàn cầu.
Việc cải cách các ngân hàng phát triển đa phương là chủ đề nóng trong các cuộc tranh luận, sau khi các nước đang phát triển đối mặt với áp lực lạm phát, tình trạng thiếu hụt năng lượng và thực phẩm do xung đột tại Ukraine, tăng trưởng suy giảm, nợ ngày càng tăng và tình trạng dễ bị tổn thương trước các cú sốc về khí hậu.
Ngay các nhà lãnh đạo WB cũng khẳng định tổ chức này hoan nghênh cuộc thảo luận về sự điều chỉnh nguồn lực trong bối cảnh các nước đang phát triển đối mặt với sự thiếu hụt nghiêm trọng nguồn lực, nguy cơ suy thoái của kinh tế thế giới, dòng vốn sụt giảm và gánh nặng nợ.
Áp lực còn gia tăng hơn nữa khi những chỉ số cho thấy, viễn cảnh kinh tế thế giới năm 2023 vẫn là bức tranh ảm đạm. Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva nhận định, kinh tế thế giới sẽ đối mặt với nhiều khó khăn khi các động lực chính của tăng trưởng toàn cầu đều trải qua giai đoạn suy yếu. Các nền kinh tế lớn là Mỹ, châu Âu và Trung Quốc đều đang trong giai đoạn giảm tốc.
Triển vọng của các thị trường mới nổi thậm chí còn tồi tệ hơn vì mức nợ và đồng USD mạnh. Theo IMF, 1/3 nền kinh tế toàn cầu sẽ suy thoái trong năm 2023. Tốc độ tăng trưởng toàn cầu sẽ chỉ ở mức 2,7%, thấp hơn mức dự báo 2,9% IMF đưa ra hồi tháng 7-2022.
Ngay cả khi nền kinh tế toàn cầu không rơi vào suy thoái về mặt kỹ thuật - được xác định khi 2 quý liên tiếp tăng trưởng âm, xu hướng năm 2023 vẫn giống một cuộc suy thoái do sự kết hợp của mức tăng trưởng chậm, giá cả cao và lãi suất tăng cao.
Những áp lực này cho thấy các cơ cấu của WB và IMF - vốn được thiết kế vào cuối Chiến tranh Thế giới lần thứ hai để tập trung vào việc tái thiết các nền kinh tế thời bình - đã không còn phù hợp trong quá trình ứng phó với các cuộc khủng hoảng trên toàn cầu. Vì vậy, WB và các ngân hàng phát triển đa phương khác cần cải cách mô hình kinh doanh và tăng cường cho vay để giải quyết những vấn đề cấp bách toàn cầu.
Với mục tiêu hỗ trợ các quốc gia đang phát triển, WB sẽ đưa ra đề xuất cụ thể về thay đổi nhiệm vụ của ngân hàng, mô hình hoạt động, năng lực tài chính để WB và Ủy ban Phát triển IMF thông qua vào tháng 10-2023.
Thay vì áp dụng mô hình cho vay theo từng dự án và gắn với một quốc gia nhất định, WB dự kiến sẽ xem xét các phương án như cách tăng vốn tiềm năng mới, thay đổi cấu trúc vốn để thiết lập các công cụ tài chính mới và cho vay nhằm huy động thêm vốn tư nhân. Các đề xuất đang được xem xét bao gồm mức giới hạn cho vay cao hơn, yêu cầu thấp hơn về tỷ lệ vốn trên nợ, việc sử dụng nguồn tiền có thể huy động được để cho vay.
WB khẳng định sẽ cân nhắc mọi giải pháp giúp tăng vốn mà vẫn duy trì mức xếp hạng tín nhiệm AAA của các quốc gia thành viên. Các chuyên gia nhận định, sự chuyển đổi này sẽ giúp tăng đáng kể số tiền cho vay so với cấu trúc vốn hiện nay, vốn chỉ phụ thuộc vào nguồn tiền đóng góp.
Những thách thức mà thế giới đang đối mặt đòi hỏi các bước đi mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế. Để WB tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong hỗ trợ phát triển, sẽ cần có nỗ lực chung của các quốc gia thành viên và ban quản lý trong việc tăng cường năng lực tài chính của cơ quan này thời gian tới.