Châu Âu lại “lạc nhịp” ứng phó khủng hoảng năng lượng?

Ngoài bất đồng xung quanh cách thức áp đặt trừng phạt chống Nga vì tình hình Ukraine, các cường quốc châu Âu gần đây tiếp tục cho thấy khác biệt trong cách nhìn nhận về những gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi lạm phát, giá nhiên liệu tăng.

Trước áp lực từ tình trạng giá cả nhiên liệu tăng vọt do tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine, chính quyền Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã lựa chọn một cách tiếp cận riêng khi tính toán bơm 200 tỷ Euro, tương đương 195 tỷ USD, vào nền kinh tế thông qua các gói hỗ trợ nhằm tạo “lá chắn” bảo vệ các hộ gia đình và ngành công nghiệp. Tuy nhiên, động thái của Berlin lập tức vấp phải sự phản đối của Pháp, nền kinh tế lớn thứ hai Liên minh châu Âu (EU).

Châu Âu lại “lạc nhịp” ứng phó khủng hoảng năng lượng? -0
Các nước EU vẫn bất đồng về cách ứng phó tập thể với khủng hoảng năng lượng dù mùa Đông đang tới gần. Ảnh: GettyImages

Trong thông điệp hôm 16/10 (giờ địa phương), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng, gói hỗ trợ của Berlin sẽ giúp các công ty Đức hưởng lợi thế cạnh tranh thiếu công bằng trước doanh nghiệp EU, đồng thời hối thúc Đức thể hiện sự đoàn kết. “Cũng như cuộc khủng hoảng COVID-19, đây là thời khắc quyết định của châu Âu. Chúng ta phải hành động thống nhất và đoàn kết. Chúng ta không thể cứ bám vào các chính sách mang tính quốc gia vì điều này tạo ra méo mó trong châu Âu. Nếu muốn cách tiếp cận mạch lạc, chúng ta cần áp dụng chiến lược của toàn châu Âu”, ong Macron nói.

Đức thuộc nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất EU từ cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay phụ thuộc nhiều vào nguồn cung năng lượng bên ngoài, nhất là Nga. Euronews mô tả, Đức thậm chí đang đứng trước nguy cơ rơi vào suy thoái kinh tế. Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach ngày 16/10 cảnh báo, một số lượng lớn bệnh viện ở Đức có thể bị phá sản, phải đóng cửa trước tình hình chi phí năng lượng và lạm phát tăng. Tuy vậy, ngoài Pháp, một số nước và các chính trị gia EU, nổi bật là Ủy viên châu Âu phụ trách kinh tế Paolo Gentiloni và Ủy viên phụ trách thị trường chung Thiery Breton cũng lên tiếng thể hiện lo ngại các nguy cơ từ gói hỗ trợ của Berlin vì cho rằng “EU có cùng không gian tài chính”.

Hiện chưa rõ hình thức cụ thể các gói hỗ trợ mà Đức dự kiến ban bố và việc liệu những quan điểm phản đối từ EU có khiến Berlin cân nhắc lại hay không. Euronews thông tin, nếu các gói đó được ban bố dưới dạng hỗ trợ chính phủ, Đức, với tư cách một quốc gia thành viên EU, sẽ cần đệ trình kế hoạch cụ thể để Brussels cân nhắc. Giới quan sát tin rằng, ngay khi gói hỗ trợ của Đức được thông qua, nó có thể kéo theo làn sóng ban bố các khoản trợ cấp tương tự với năng lượng hóa thạch tại một số quốc gia EU, trong khi nhiều quốc gia khác không có nguồn lực để làm như vậy, khiến tính thống nhất của thị trường chung châu Âu bị tác động.

Theo kế hoạch, các nhà lãnh đạo EU sẽ nhóm họp thượng đỉnh ở Brussels (Bỉ) vào cuối tuần này để thảo luận về phản ứng đoàn kết trong lĩnh vực năng lượng. Thông tin thêm về sự bất đồng giữa các nước EU xuất hiện trong bối cảnh Reuters mới đây trích dẫn một số tài liệu tiết lộ, các lãnh đạo EU sẽ tiếp tục thương lượng về giá trần năng lượng sau nhiều tuần chia rẽ. Tại hội nghị thượng đỉnh không chính thức hôm 7/10 ở CH Czech, lãnh đạo 27 quốc gia thành viên EU đã không thể thống nhất phương án áp giá trần đối với khí đốt Nga. Một nhóm quốc gia, nổi bật là Pháp, Italia và Tây Ban Nha được cho là ủng hộ áp giá trần với khí đốt nhập khẩu, nhưng Đức, Hungary, Slovakia hay Áo không mặn mà với ý tưởng này vì lo ngại việc áp giá trần sẽ làm tăng nhu cầu khí đốt và nguồn cung khan hiếm hơn. 

Gần 8 tháng từ thời điểm xung đột Nga-Ukraine nổ ra, châu Âu đến nay đã lấp đầy 91% kho dự trữ khí đốt, trong khi tỷ trọng khí đốt Nga nhập khẩu vào EU giảm, phần vì tuyến ống Nord Stream dừng hoạt động, phần vì EU tăng mua khí tự nhiên từ Na Uy, Algeria và khí hóa lỏng (LNG) từ Mỹ. Tuy nhiên, châu Âu mỗi ngày vẫn cần hàng triệu m3 khí đốt do Moscow cung cấp qua các tuyến ống chạy qua Ukraine hoặc tuyến TurkStream (Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ) chảy từ Nga qua Thổ Nhĩ Kỳ sang Nam Âu. Gazprom, nhà cung cấp khí đốt chính của Nga sang châu Âu, ngày 16/10 tuyên bố, việc áp giá trần khí đốt sẽ khiến nguồn cung từ Nga bị cắt.

“Quyết định một phía như vậy tất nhiên là vi phạm các hợp đồng hiện có, dẫn đến việc ngừng cung cấp”, ông Alexey Miller, Giám đốc điều hành (CEO) Gazprom phát biểu. Theo đại diện Gazprom, mùa đông luôn tiềm ẩn những bất thường, nếu một đợt lạnh giá kỉ lục xảy đến, tiêu thụ năng lượng sẽ tăng vọt. Trong kịch bản xấu nhất, tỷ lệ dự trữ khí đốt của châu Âu sẽ chỉ còn 5% vào tháng 3 năm sau. “Chắc chắn là châu Âu sẽ vượt qua mùa đông năm nay nhưng điều gì sẽ xảy ra khi họ cần bơm khí đốt vào cơ sở lưu trữ trước mùa đông năm 2023 và 2024?”, ông Miller đặt câu hỏi. “Rõ ràng, cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ không diễn ra trong thời gian ngắn”.

Ngoài khí đốt, EU còn phụ thuộc vào nguyên liệu hạt nhân Nga

Tương tự khí đốt, sau 8 vòng trừng phạt nhắm vào Nga liên quan đến cuộc xung đột Ukraine, các nước châu Âu đến nay chưa thể thống nhất áp đặt bất cứ biện pháp trừng phạt trực tiếp nào nhắm vào lĩnh vực hạt nhân thương mại của Nga. Theo CNBC, hiện nay có 18 lò phản ứng hạt nhân của Nga vẫn đang hoạt động ở các nước châu Âu (Phần Lan, Slovakia, Hungary, Bulgaria, CH Czech) và chúng đều cần trợ giúp kĩ thuật cũng như nguồn nguyên liệu do tập đoàn năng lượng hạt nhân nhà nước Nga Rosatom cung cấp. CNBC trích dẫn dữ liệu của Cộng đồng Năng lượng nguyên tử châu Âu (Euratom) nói rằng, khoảng 19,7% lượng uranium nhập khẩu của EU do Nga trực tiếp cung cấp và 23% khác đến từ Kazakhstan, một quốc gia đồng minh của Nga, nơi Rosatom kiểm soát hoạt động khai thác uranium.

https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/chau-au-lai-lac-nhip-ung-pho-khung-hoang-nang-luong--i671257/