- Tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng lương thực
- Liên Hợp Quốc cảnh báo về khủng hoảng lương thực chưa từng có trên thế giới
- Lời giải nào cho cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu?
Thế giới đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu nghiêm trọng mà nếu không hành động khẩn cấp để ứng phó thì có thể khiến hàng trăm triệu người lâm vào nạn đói, trong khi đẩy lạm phát leo thang khắp nơi.
Thế giới cần hành động khẩn cấp và mạnh mẽ để ngăn cuộc khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu
Hàng trăm triệu người bị nạn đói đe dọa
Cùng với phát biểu của Tổng thống Mỹ Joe Biden tại khóa họp lần thứ 77 của Đại hội đồng Liên hợp quốc đang diễn ra tại New York (Mỹ), Nhà Trắng cũng đưa ra một tuyên bố cho biết, Mỹ sẽ chi thêm 2,9 tỷ USD để đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu. Khoản tiền này bổ sung cho gói 6,9 tỷ USD mà Chính phủ Mỹ đã cam kết trong năm nay nhằm hỗ trợ an ninh lương thực toàn cầu. Nêu lý do gia tăng khoản hỗ trợ nói trên, Nhà Trắng cho biết, các nguồn cung lương thực trên thế giới hiện đang bị gián đoạn nghiêm trọng do tác động của nhiều cuộc khủng hoảng như đại dịch Covid-19, khủng hoảng khí hậu, giá năng lượng và phân bón tăng cao, trong khi các cuộc xung đột kéo dài, đặc biệt là cuộc xung đột quân sự ở Ukraine khiến giá lương thực toàn cầu cũng tăng vọt. Thêm vào đó, hạn hán kéo dài cũng đang khiến nhiều khu vực ở Somalia có nguy cơ xảy ra nạn đói. Nhà Trắng cho rằng, khoản hỗ trợ 2,9 tỷ USD của Mỹ sẽ góp phần cứu sống nhiều người thông qua các biện pháp can thiệp khẩn cấp và đầu tư vào hỗ trợ an ninh lương thực trong trung hạn, dài hạn, nhằm bảo vệ những nhóm người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới.
Tình trạng khan hiếm lương thực trên thế giới đã diễn ra từ trước, song, xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine càng làm cho trầm trọng thêm. Trong đó, năng lượng, thực phẩm, phân bón ngày càng khan hiếm và giá cả liên tục tăng cao. Các chính sách thương mại nhằm hạn chế xuất khẩu lương thực càng làm gián đoạn chuỗi cung ứng. Mặc dù giá lương thực toàn cầu có giảm và việc xuất khẩu ngũ cốc từ Biển Đen được nối lại sau khi Nga và Ukraine đạt được thỏa thuận về việc này, nhưng thực phẩm vẫn nằm ngoài tầm với của nhiều người do giá cao và các cú sốc thời tiết. Cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu hiện nay đã gây ra những hệ lụy rất nặng nề ở nhiều nơi trên thế giới.
Tại báo cáo chung đưa ra hồi tháng 7 vừa qua, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cho biết, có từ 702-828 triệu người bị ảnh hưởng bởi nạn đói vào năm 2021, tương đương 9,8% dân số thế giới. Con số này đã tăng thêm 46 triệu người so với năm 2020 và 150 triệu người so với năm 2019. Trong khi đó, tổ chức Oxfam ước tính có tới 323 triệu người đang trên bờ vực của nạn đói. Người dân một số nơi ở châu Á, châu Phi và một số khu vực của châu Mỹ Latin và Caribe có nguy cơ bị thiếu hụt những hàng hóa cơ bản, bạo loạn, bất ổn và đói nghèo do khủng hoảng lương thực. Giá lúa mì tăng, trong khi dầu hướng dương, thịt, gia cầm và một loạt các mặt hàng chủ lực khác cũng tăng giá do chi phí nhiên liệu và phân bón cao hơn. Chỉ số giá lương thực của Liên hợp quốc (chỉ số ghi lại ảnh hưởng của chiến tranh và gián đoạn nguồn cung) mới đây đã đạt mức cao nhất mọi thời đại là 156, tăng từ 103 vào năm 2020. Số người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực trên toàn thế giới dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Điều này đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải hành động cấp bách và mạnh mẽ để ứng phó, không để cho cuộc khủng hoảng này trở lên trầm trọng hơn.
Cùng hợp tác ngăn chặn khủng hoảng
Trong phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77, nhiều nhà lãnh đạo thế giới cũng đã kêu gọi hành động khẩn cấp để đảm bảo an ninh lương thực. Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho rằng, không có hòa bình khi còn đói kém và không thể chống đói kém khi hòa bình không tồn tại. Thủ tướng Đức Olaf Scholz nêu rõ, an ninh lương thực vẫn là vấn đề đặc biệt khẩn cấp dù Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tại hội nghị cấp cao hồi tháng 6 ở Đức đã cam kết chi 5 tỷ USD cho mục tiêu này.
Cùng thời thời điểm các nhà lãnh đạo thế giới phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc, tại Geneva ngày 21-9, Tổng Giám đốc FAO Qu Dongyu, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva, Chủ tịch Nhóm Ngân hàng thế giới (WBG) David Malpass, Giám đốc Điều hành Chương trình Lương thực thế giới (WFP) David Beasley và Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala cũng đã ra tuyên bố chung thứ hai kêu gọi hành động khẩn cấp để giải quyết cuộc khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu. Những người đứng đầu các tổ chức đa phương nêu bật các tiến bộ đáng ghi nhận nhằm ứng phó với khủng hoảng an ninh lương thực kể từ tuyên bố chung đầu tiên hồi tháng 4 năm nay. Các biện pháp trợ giúp xã hội được công bố hoặc thực hiện trên tất cả các nền kinh tế tăng gấp 4 lần trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 9-2022. Hỗ trợ tài chính quốc tế cho các quốc gia dễ bị tổn thương nhất đang tăng lên từ nhiều sáng kiến khác nhau. Lãnh đạo các tổ chức quốc tế hoan nghênh nỗ lực của Nhóm Ứng phó khủng hoảng toàn cầu và Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, thông qua trung tâm điều phối chung, hơn 3 triệu tấn ngũ cốc và thực phẩm đã được xuất khẩu từ Ukraine. Xu hướng giảm các biện pháp hạn chế thương mại do các nước thực hiện với hy vọng xu hướng này sẽ vẫn tiếp tục. Hỗ trợ tài chính quốc tế cho các quốc gia dễ bị tổn thương nhất đang tăng lên từ nhiều sáng kiến khác nhau.
Lo ngại về một vụ thu hoạch “thảm họa” vào năm 2023 sắp tới do cuộc xung đột ở Ukraine tiếp diễn, bên lề khóa họp Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77, các Bộ trưởng của các thành viên Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Liên minh châu Phi (AU) và Tây Ban Nha đã gặp nhau để bàn về tình trạng thiếu lương thực hiện nay. Dịp này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, nước này sẽ tài trợ các chuyến hàng lúa mỳ của Ukraine đến Somalia, nơi đang đối mặt với nguy cơ đói kém.
Có thể thấy, hỗ trợ tài chính quốc tế cho các quốc gia dễ bị tổn thương nhất đang tăng lên từ nhiều sáng kiến khác nhau. WB đang thực hiện chương trình trị giá 30 tỷ USD để ứng phó với cuộc khủng hoảng an ninh lương thực trên thế giới trong vòng 12 tháng tới. IMF đề xuất biện pháp giảm cú sốc lương thực mới trong các công cụ cho vay khẩn cấp dành cho những quốc gia bị ảnh hưởng của giá lương thực tăng cao và tình trạng thiếu lương thực do tác động của cuộc xung đột ở Ukraine. Theo Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva, kế hoạch sẽ cho phép IMF cung cấp hỗ trợ tài chính khẩn cấp bổ sung và vô điều kiện tới các quốc gia đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng lương thực và lạm phát toàn cầu.