Quan hệ giữa Nga và Trung Quốc phát triển tốt đẹp, gắn bó và tin cậy đến mức được hai người này không tiếc những mỹ từ to tát để đề cao và tán dương, từ “tốt đẹp như chưa từng có“đến “độc nhất vô nhị trên thế giới“.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Putin.
Chuyến đi Nga vừa rồi của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được thực hiện vào thời điểm và trong bối cảnh tình hình quan hệ quốc tế khá đặc biệt nên có được ý nghĩa đặc biệt mới chứ không phải đơn thuần chỉ là cuộc cấp cao Nga - Trung Quốc mới. Đây là lần thứ 8 ông Tập Cận Bình đi Nga và lần thứ 28 ông Tập Cận Bình và tổng thống Nga Vladimir Putin gặp nhau. Ngay sau chuyến thăm Nga này của ông Tập Cận Bình, hai người lại gặp nhau ở hội nghị cấp cao thường niên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tổ chức tại thủ đô Bishkek của Kyrgyzstan. Rồi ngày 28.6 này, họ cùng dự hội nghị cấp cao của nhóm G20 tổ chức ở thành phố Osaka của Nhật Bản và lại gặp nhau. Quan hệ giữa Nga và Trung Quốc phát triển tốt đẹp, gắn bó và tin cậy đến mức được hai người này không tiếc những mỹ từ to tát để đề cao và tán dương, từ "tốt đẹp như chưa từng có"đến "độc nhất vô nhị trên thế giới".
Trên thực tế và trong thực chất, mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc hiện tại không hẳn đúng hoàn toàn như thế nhưng cũng không phải hoàn toàn không phải như thế. Đúng là nó tốt đẹp như chưa từng thấy trong lịch sử quan hệ đến nay giữa hai nước láng giềng này và chưa có cặp quan hệ song phương nào khác giữa các nước lớn đến nay có được, nhưng nó vẫn còn có những hạn chế và trở ngại nhất định.
Nga hiện đang bị Mỹ và EU làm găng và gây khó về kinh tế và thương mại trong khi Mỹ và Nato gần như không làm gì được Nga về chính trị, quân sự và an ninh ở châu Âu cũng như trên thế giới. Quan hệ giữa Mỹ và EU với Nga hiện trắc trở. Trung Quốc bị Mỹ không chỉ gây xung khắc thương mại mà còn bị Mỹ o ép trên nhiều phương diện khác, gặp không ít khó khăn và khó xử. Những cái khó mà phía bên kia gây ra cho Trung Quốc và Nga đều không chỉ hiện tại và ngắn hạn mà dai dẳng và lâu dài.
Vì thế, Nga và Trung Quốc có nhu cầu ngày càng cấp thiết phải xích lại gần nhau hơn, dựa cậy và bao bọc lẫn nhau nhiều hơn, thống nhất quan điểm với nhau chặt chẽ hơn và phối hợp hành động với nhau hiệu quả hơn. Hơn 30 thoả thuận hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư được ký kết nhân dịp này tuy không phải nhiều nhưng có giá trị và hiệu ứng của "một nắm khi đói bằng cả gói khi no"đối với cả hai bên. Thúc đẩy trao đổi thương mại, hợp tác trên lĩnh vực năng lượng, chuyển giao công nghệ hiện đại.... đều đầy tiềm năng bởi bên này có cái bên kia cần.
Ông Putin và ông Tập Cận Bình thể hiện sự đồng thuận quan điểm sâu rộng về ý đồ chiến lược và mô thức hành xử của Mỹ trong các vấn đề chính trị thế giới, châu lục và khu vực. Mỹ theo đuổi chủ nghĩa đơn phương thì họ thúc đẩy chủ nghĩa đa phương. Mỹ thực thi bảo hộ thương mại thì họ cổ suý cho tự do thương mại. Nga và Trung Quốc đồng hành trong các vấn đề mà lợi ích của họ xung khắc với lợi ích của Mỹ như Syria, Venezuela hay Iran. Mỹ cấm cửa tập đoàn Huawei thì Nga mở cửa thị trường chào đón Huawei. Mỹ cản phá dự án Nord Stream 2 thì Nga đẩy mạnh xuất khẩu năng lượng sang Trung Quốc. Nga tham gia và hậu thuẫn kế hoạch Một vành đai, một con đường của Trung Quốc thì Trung Quốc kết nối kế hoạch lớn này với những dự án của Liên minh Á -Âu. Khi cả ông Putin và ông Tập Cận Bình nhấn mạnh sự cần thiết phải chống "chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa đơn phương, chính trị cường quyền và chống bá quyền" thì họ đều ngầm ám chỉ Mỹ, cho dù không nêu ra đích danh Mỹ.
Cứ như thế, Nga và Trung Quốc đã hình thành nên "Trục Nga - Trung Quốc" mà không cần phải chính thức liên minh với nhau. Đấy chính là cái phản tác dụng và lợi bất cập hại lớn nhất mang cả tính chất của sai lầm chiến lược của Mỹ khi đồng thời gây căng thẳng, đối địch và khó dễ cho cả Nga lẫn Trung Quốc trong khi lẽ ra phải tìm mọi cách để phân hoá Nga với Trung Quốc. Ông Tập Cận Bình và ông Putin thúc đẩy và nâng tầm mối quan hệ giữa hai nước láng giềng của nhau này vì lợi ích thiết thực cả hai bên có thể khai thác từ đó và vì tác động chiến lược của nó tới quan hệ của từng bên với các đối tác khác. Điều này lý giải vì sao ông Putin và ông Tập Cận Bình đặc biệt coi trọng và chủ ý phô trương ra bên ngoài mức độ quan hệ tốt đẹp, tin cậy, chặt chẽ và hiệu quả giữa Trung Quốc và Nga.
Hai bên vẫn còn có tiềm năng rất to lớn và phong phú để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hợp tác song phương. Nhưng hai bên cũng lại có giới hạn nhất định. Trung Quốc đâu đã đáp ứng hết mọi mong muốn và yêu cầu của Nga về hợp tác đầu tư. Nga cũng đâu đã dọn đường mở lối cho Trung Quốc cùng tham gia mọi cuộc chơi địa chiến lược và chính trị quyền lực trên thế giới. Họ có đối thủ chung nhưng đồng thời lại có nhu cầu hợp tác riêng với các đối thủ này. Họ có đồng thuận quan điểm nhưng nhiều khi lại theo đuổi mục đích riêng trong tập hợp lực lượng, gây dựng và mở rộng phạm vi ảnh hưởng cho mình.
Cũng phải thôi bởi dù cùng hội cùng thuyền với nhau đến mức nào thì Nga và Trung Quốc vẫn là hai quốc gia.
Nga lên tiếng về khái niệm liên minh Nga-Trung Quốc để chống Mỹ
Nói rằng Nga và Trung Quốc đang phối hợp các nỗ lực của mình nhằm chống lại Mỹ là hoàn toàn sai, phát ngôn viên của ... |
Mỹ phân vân: Nga-Trung Quốc, đồng minh hay đối tác?
Mối quan hệ chiến lược giữa Nga và Trung Quốc đã đạt đến một tầng cao mới và mối quan hệ này chưa từng có ... |