Quân đội Nga đã thực hiện cuộc tấn công vào sở chỉ huy một đơn vị cơ giới của Ukraine ở tỉnh Kursk, trong bối cảnh Kiev đang triển khai chiến dịch tấn công vào khu vực này.
Theo Sputnik, cuộc tấn công được thực hiện hôm 10/8 (giờ địa phương) bằng tên lửa đạn đạo Iskander-M nhằm vào sở chỉ huy của một đơn vị thuộc Lữ đoàn cơ giới độc lập số 22 của lực lượng vũ trang Ukraine.
“Đòn tấn công được thực hiện bởi kíp điều khiển hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander-M", Bộ Quốc phòng Nga thông báo.
"Đây là địa điểm đã được trinh sát, là nơi đặt sở chỉ huy của một đơn vị thuộc Lữ đoàn cơ giới độc lập số 22 của lực lượng vũ trang Ukraine ở tỉnh Kursk. Kết quả ban chỉ huy gồm 15 người của đơn vị này đã bị tiêu diệt", Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ.
Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Nga còn công bố đoạn phim ghi lại cảnh phá hủy sở chỉ huy này.
Ukraine từ ngày 6/8 đưa quân vượt biên giới để tấn công tỉnh Kursk, miền tây nước Nga và giao tranh đã kéo dài đến ngày thứ 5. Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Mỹ ước tính quân đội Ukraine đã xâm nhập sâu 13 km vào lãnh thổ Nga.
Tuy nhiên, chiến dịch tấn công tỉnh Kursk, Nga của Ukraine khiến nhiều chuyên gia hoài nghi về mục tiêu mà họ nhắm tới và nhận định đây là một canh bạc.
Trong một diễn biến có liên quan, Bộ Quốc phòng Lithuania cho biết nước này đang chuẩn bị một gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine, trong đó sẽ cung cấp thiết bị chiến đấu, hệ thống chống máy bay không người lái, phương tiện vận tải và hậu cần cũng như một số vũ khí cũ cho quốc gia Đông Âu này.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Kasčiūnas, Lithuania sẽ tiếp tục cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine và sẽ sớm bàn giao cho nước này các hệ thống phòng không tầm ngắn, góp phần vào liên minh hỗ trợ phòng không do Đức, Mỹ và Pháp dẫn đầu.
Trước đó vào ngày 11/4, Tổng thống Ukraine Zelensky và người đồng cấp Lithuania Rinkevics đã ký thỏa thuận an ninh song phương có thời hạn 10 năm, trong đó Lithuania sẽ hỗ trợ Ukraine về phòng thủ mạng, rà phá bom mìn, công nghệ không người lái, ủng hộ Kiev gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cũng như một khoản hỗ trợ quân sự tương đương 0,25% GDP của Lithuania cho Ukraine mỗi năm.