- Bắc Cực tan băng, Mỹ đối mặt với mối đe dọa từ Nga và Trung Quốc
- Nga hạ thủy tàu phá băng chạy bằng hạt nhân, khẳng định vị thế ở Bắc Cực
Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố, yêu sách của Mỹ đòi chủ quyền 1 triệu km2 diện tích đáy biển ở Bắc Cực và vùng biển Bering vi phạm luật pháp quốc tế.
Bộ Ngoại giao Nga ngày 26/3 thông báo Moskva không công nhận các yêu sách bất hợp pháp của Mỹ đối với một triệu km2 lãnh thổ hàng hải ở Bắc Cực và biển Bering.
Phía Nga cũng đã thông báo cho Cơ quan quản lý Đáy biển Quốc tế (ISA) về vấn đề này. Hiện tại hội đồng của ISA đang nhóm họp tại Kingston, Jamaica.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga có đoạn: “Mỹ đang đơn phương cố gắng thu hẹp diện tích đáy biển thuộc quyền quản lý của ISA cũng như đối với cộng đồng quốc tế".
Một tàu nạo vét khai thác vàng dọc theo biển Bering ở Nome Alaska. (Ảnh: Getty Images)
Trước đó, vào tháng 12/2023, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố dự án “thềm lục địa mở rộng” nhằm tuyên bố quyền tài phán nằm ngoài phạm vi lãnh hải của nước này vào khoảng 1 triệu km2. Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) cho phép các yêu sách hàng hải có phạm vi lên tới 200 hải lý (370 km) tính từ bờ biển trên các đại dương trên thế giới.
“Những hành động đơn phương này của Mỹ không phù hợp với các quy tắc và thủ tục do luật pháp quốc tế thiết lập”, Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh, đồng thời lưu ý rằng Moskva sẽ ngăn cản yêu sách của Mỹ cũng như việc Washington lợi dụng UNCLOS để mở rộng vùng đặc quyền kinh tế.
UNCLOS cho phép khả năng mở rộng vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của một quốc gia nếu nó có thể chứng minh được rằng thềm lục địa vượt quá giới hạn 200 hải lý, nhưng các quốc gia phải nộp đơn kiến nghị thông qua các kênh thích hợp.
Bản đồ phần đáy biển mà Mỹ yêu sách đòi chủ quyền thuộc Dự án thềm lục địa mở rộng.
Moskva cáo buộc Washington “tập trung vào các lợi ích của nước này và hoàn toàn phớt lờ các nghĩa vụ đối với cộng đồng quốc tế” khi liên quan đến luật pháp quốc tế. Mặc dù có liên quan đến việc xây dựng UNCLOS nhưng Mỹ chưa bao giờ phê chuẩn nó.
Theo Bộ Ngoại giao Nga, ngoài công hàm gửi lên ISA, Moskva cũng gửi công hàm bác bỏ các yêu sách về thềm lục địa của Mỹ đến Washington “thông qua các kênh song phương”.
Các bản đồ do Bộ Ngoại giao công bố cho thấy Mỹ tuyên bố chủ quyền lãnh thổ ở 6 khu vực, bao gồm ở Bắc Cực và biển Bering dọc ranh giới biển với Nga. Yêu sách ở Bắc Cực vượt quá 350-680 hải lý ngoài đường 321km, trong khi yêu sách ở biển Bering đi khoảng 340 hải lý về phía đông.
Washington cũng muốn chiếm đoạt các phần đáy biển phía bắc Quần đảo Mariana ở Thái Bình Dương, cũng như ngoài khơi bờ biển phía tây California.
Ở Đại Tây Dương, Mỹ đã tuyên bố chủ quyền một vùng đáy biển rộng lớn vượt quá đường 300 km của mình, cũng như hai phần của Vịnh Mexico dọc theo biên giới với Mexico và Cuba.