- Trung Quốc phát triển tàu phá băng hạng nặng cho "Con đường tơ lụa vùng cực"
- Những thế lực "đáng gờm" ở Bắc Cực: Đội tàu phá băng nguyên tử độc nhất của Nga
- Nga đóng tàu phá băng hạt nhân lớn và mạnh nhất thế giới
Phát biểu trong buổi lễ hạ thủy tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân mới ngày 22/11, Tổng thống Vladimir Putin cho biết đây không chỉ là nỗ lực giúp đảm bảo hoạt động hàng hải quanh năm ở Bắc Cực mà còn biểu thị cho “sức mạnh tại khu vực Bắc Cực” của Nga.
Lễ hạ thủy được tổ chức tại thành phố St. Petersburg, trong khi Tổng thống Putin điều hành từ xa thông qua video từ Điện Kremlin. Ông Putin nhấn mạnh tàu phá băng này có tầm quan trọng đối với đất nước, là một phần của “dự án lớn hơn, một công trình có hệ thống và quy mô lớn nhằm tái trang bị và bổ sung cho hạm đội tàu phá băng của Nga, và củng cố vị thế của Nga như một cường quốc tại Bắc Cực”.
Bắc Cực được cho là khu vực có ý nghĩa chiến lược ngày càng lớn trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thời tiết ấm lên đồng nghĩa với việc các vùng biển đóng băng trở thành những tuyến hàng hải mới. Vùng lãnh hải của Nga ở Bắc Cực có nguồn tài nguyên dầu khí dồi dào.
Hai tàu phá băng mới hạ thủy có tên Ural và Yakutia. Tàu Ural sẽ đi vào hoạt động trong tháng 12 này, trong khi tàu Yakutia dài 173,3 mét, có thể xuyên qua lớp băng dày tới 3 mét, sẽ đi vào hoạt động vào năm 2024.
Hai tàu phá băng khác trong cùng loại, Arktika và Sibir, đã được đưa vào sử dụng, trong khi một chiếc khác có tên Chukotka được lên kế hoạch đi vào hoạt động trong năm 2026.
Tổng thống Putin cho biết tàu phá băng hạt nhân siêu mạnh dài 209 mét có tên Rossiya sẽ được hoàn thành vào năm 2027, có thể phá vỡ lớp băng dày 4 mét.
Ông Putin nhấn mạnh vai trò của những tàu phá băng “trong hỗ trợ việc nghiên cứu và phát triển Bắc Cực, để đảm bảo hàng hải an toàn, bền vững trong khu vực này, tăng cường giao thông dọc theo Tuyến đường biển phía Bắc”. “Việc phát triển hành lang giao thông quan trọng nhất này sẽ cho phép Nga khai thác triệt để hơn tiềm năng xuất khẩu của mình và thiết lập các tuyến hậu cần hiệu quả, bao gồm cả đến Đông Nam Á”.
Kể từ năm 2005, Nga được cho là đã mở lại hàng chục căn cứ quân sự ở Bắc Cực có từ thời Liên Xô, hiện đại hóa hải quân và phát triển các tên lửa siêu thanh mới được thiết kế để tránh các cảm biến và hệ thống phòng thủ của Mỹ. Các chuyên gia về Bắc Cực cho rằng phương Tây sẽ mất ít nhất 10 năm để bắt kịp quân đội Nga nếu chạy đua tại khu vực này.