New Zealand lần đầu gửi công hàm tới LHQ, lên tiếng về Biển Đông

New Zealand vừa gửi công hàm lên Liên hợp quốc, cho rằng không có cơ sở pháp lý để các quốc gia yêu sách “quyền lịch sử” liên quan đến các vùng biển ở Biển Đông.

Hôm 3/8, phái đoàn Thường trực New Zealand tại Liên hợp quốc đã gửi Công hàm số 08/21/02 lên Tổng thư ký Liên hợp quốc để khẳng định lập trường pháp lý của New Zealand về một số khía cạnh của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) liên quan đến Biển Đông.

Nội dung công hàm nhấn mạnh tính phổ quát và nhất quán của UNCLOS - khuôn khổ pháp lý để thực hiện tất cả các hoạt động trên biển và đại dương; việc xác lập các vùng biển do đó phải được thực hiện phù hợp với UNCLOS.

New Zealand lần đầu gửi công hàm tới LHQ, lên tiếng về Biển Đông - 1
Nội dung công hàm của phái đoàn Thường trực New Zealand tại Liên hợp quốc lên Tổng thư ký Liên hợp quốc. (Ảnh chụp màn hình)

Công hàm của New Zealand cho rằng không có cơ sở pháp lý nào để các quốc gia yêu sách “quyền lịch sử” liên quan đến các vùng biển ở Biển Đông, như phán quyết Tòa Trọng tài (PCA) về Biển Đông 2016 đã kết luận. Đồng thời khẳng định không có cơ sở pháp lý nào để vẽ đường cơ sở thẳng của quần đảo ở Biển Đông, cũng như để vẽ đường cơ sở thẳng quanh các nhóm đảo ở Biển Đông.

Bên cạnh đó, New Zealand làm rõ một số nội dung liên quan đến quy chế đảo. Theo đó, nước này khẳng định các cấu trúc như "đá không thích hợp cho con người đến ở hoặc đảm bảo đời sống kinh tế riêng”, “các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình”, các cấu trúc nửa nổi nửa chìm bên ngoài lãnh hải của một quốc gia ven biển hay các cấu trúc ngầm sẽ không được hưởng đầy đủ các vùng biển theo UNCLOS.

Cũng trong công hàm, New Zealand nhấn mạnh, phán quyết của PCA là cuối cùng và ràng buộc với cả hai bên. UNCLOS cũng quy định rằng sự không tham gia của một bên trong tranh chấp sẽ không cản trở tiến trình vụ kiện.

Ngoài ra, New Zealand cũng khẳng định, UNCLOS bảo vệ tự do biển cả, bao gồm tự do hàng hải và hàng không, cũng như quyền qua lại vô hại trong lãnh hải. Các quyền tự do này áp dụng với tất cả các quốc gia và các khu vực trên thế giới.

Đây là lần đầu New Zealand lên tiếng, thể hiện qua điểm mạnh mẽ trong vấn đề Biển Đông. Theo các chuyên gia, nước này có cách tiếp cận thận trọng về Biển Đông và chỉ nhấn mạnh yêu cầu tuân thủ luật pháp quốc tế.

Chuyên gia Roberto Rabel của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược (ĐH Victoria Weillington, New Zealand) khẳng định New Zealand vẫn có lợi ích từ một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) ràng buộc pháp lý lâu dài, vì nó tạo điều kiện thúc đẩy quan hệ hợp tác tốt hơn trên biển cũng như quản lý trật tự, tài nguyên và môi trường.

Năm ngoái, nhiều nước trên thế giới, trong đó có Mỹ, Anh, Pháp và Đức gửi công hàm lên Liên hợp quốc phản bác mạnh mẽ các yêu sách phi lý về "đường cơ sở thẳng" và "quyền lịch sử" của Trung Quốc tại Biển Đông.

Hơm 11/7, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã ủng hộ quan điểm của chính quyền tiền nhiệm trong việc phản bác gần như tất cả yêu sách hàng hải quan trọng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Theo đó, Ngoại trưởng Antony Blinken khẳng định: “Không có nơi nào mà trật tự hàng hải bị đe dọa lớn hơn ở Biển Đông và Mỹ tái khẳng định chính sách ngày 13/7/2020 liên quan đến các yêu sách hàng hải ở vùng biển này. Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc tuân thủ các nghĩa vụ theo pháp luật quốc tế, chấm dứt các hành vi khiêu khích”.

Trong tuyên bố hôm 13/7/2020 mà Ngoại trưởng Mỹ khi đó là ông Mike Pompeo đưa ra, Washington coi gần như toàn bộ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, ngoài những vùng biển của nước này được quốc tế công nhận, đều là bất hợp pháp.

KÔNG ANH (Nguồn: Liên hợp quốc)

Ẩn ý của Đức khi đưa tàu chiến tới Biển Đông sau 2 thập kỷ Ẩn ý của Đức khi đưa tàu chiến tới Biển Đông sau 2 thập kỷ
Phó Tổng thống Mỹ thăm Việt Nam, ủng hộ các quy tắc quốc tế ở Biển Đông Phó Tổng thống Mỹ thăm Việt Nam, ủng hộ các quy tắc quốc tế ở Biển Đông
Ấn Độ điều tàu chiến đến Biển Đông Ấn Độ điều tàu chiến đến Biển Đông

/ vtc.vn