“Chúng ta không vì một cái sai mà xóa bỏ Hội phụ huynh trong các trường học. Nếu xóa bỏ Hội phụ huynh trong các trường thì nhà trường trở thành độc quyền, hiệu trưởng trở thành “vua”, PGS. Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) nhận định.
Hội phụ huynh hay “hội phụ thu” triển khai “BOT học đường” |
Nhà trường nói gì về việc ông bố đề nghị giải tán hội phụ huynh? |
PGS Văn Như Cương vẫn cho rằng không thể xoá bỏ Hội phụ huynh. Ảnh: LĐ |
Theo PGS Văn Như Cương, mục tiêu của các trường khi thành lập Hội phụ huynh là nhằm mục đích xã hội hóa giáo dục, tức là xã hội phải có trách nhiệm với giáo dục về mọi mặt như: chương trình, giáo dục học sinh… Vì vậy, Hội phụ huynh được lập trong các trường nhằm mục đích phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong việc giáo dục học sinh trở thành con người toàn diện.
“Tuy nhiên, hiện chức năng của Hội phụ huynh đang bị biến chất. Theo đó, trong mỗi lần họp phụ huynh, Hội phụ huynh chỉ đề cập đến các khoản đóng góp, còn những vấn đề giáo dục của nhà trường, phương pháp giảng dạy của giáo viên, nguyện vọng của phụ huynh… không được đề cập đến nhiều. Một số hiệu trưởng thành lập Hội phụ huynh là những phụ huynh có điều kiện kinh tế khá giả, nên khi Hội phụ huynh quyết định đóng góp một số khoản thu nào đó thì họ không quan tâm đến những gia đình nghèo. Đặc biệt, Hội phụ huynh hiện nay thường phụ thuộc nhiều vào nhà trường, do đó, khi nhà trường kêu gọi phụ huynh đóng góp khoản thu nào đó Hội phụ huynh sẽ có ý kiến xoay chuyển phụ huynh theo nhiệm vụ mà nhà trường mong muốn. Đó là cái sai của Hội phụ huynh”, ông Cương nhận định.
Mặc dù vậy, PGS Văn Như Cương vẫn cho rằng không thể xoá bỏ Hội phụ huynh. “Chúng ta không vì một cái sai mà xóa bỏ Hội phụ huynh trong các trường học. Nếu xóa bỏ Hội cha mẹ học sinh trong các trường thì nhà trường trở thành độc quyền, hiệu trưởng trở thành “vua”, ông Cương bày tỏ.
Đề xuất giải pháp, PGS Văn Như Cương cho rằng: Bộ GDĐT, các trường và phụ huynh phải chấn chỉnh lại mục đích hoạt động của Hội phụ huynh. Tức là, Bộ GDĐT cần phải củng cố lại nhiệm vụ, quyền hạn, quyền lợi… của Hội phụ huynh ở mỗi lớp và Hội phụ huynh của mỗi trường. Đồng thời, Hội phụ huynh phải là một thành phần độc lập với nhà trường, thảo luận những vấn đề riêng và không có nhiệm vụ thu tiền của phụ huynh. Tuy nhiên, Hội phụ huynh có thể thành lập quỹ phụ huynh để làm nhiệm vụ hiếu, hỉ… và quỹ đó cũng độc lập với nhà trường.
https://laodong.vn/giao-duc/neu-xoa-bo-hoi-phu-huynh-nha-truong-thanh-doc-quyen-hieu-truong-thanh-ong-vua-566678.ldo