Nếu không chú trọng chế biến, nông sản Việt nguy cơ mất thị trường nội địa

Nông sản Việt bán ở thị trường trong nước chưa được chú trọng khâu chế biến, phần lớn là thu hoạch rồi bán "thô". Trong khi đó, nhu cầu thị trường đã thay đổi.

neu khong chu trong che bien nong san viet nguy co mat thi truong noi dia

Để thúc đẩy tiêu thụ nông sản, cần tổ chức hội chợ một cách sáng tạo và sản phẩm phải được chế biến, bao gói hấp dẫn. Ảnh: Long Nguyễn

Cách tổ chức hội chợ quá cũ và sơ sài

Ngay sau khi dịch COVID-19 được khống chế, liên tiếp các hoạt động thương mại được tổ chức để hỗ trợ tiêu thụ nông sản gắn liền với thông tin "tuần hàng đặc sản", "Phiên chợ nông sản an toàn"...

Tuy nhiên, cách làm quá cũ, không có sự đầu tư bài bản cả hình thức gian hàng cũng như mặt hàng, khiến người tiêu dùng cảm thấy nhàm chán vì hàng hóa “ở đâu cũng như nhau”.

Sáng 19.6, có mặt tại Hội chợ Tuần hàng Việt TP.Hà Nội và Phiên chợ Tuần nông sản an toàn thực phẩm năm 2020, ghi nhận đầu tiên của PV là không khác mấy với tuần lễ kích cầu tiêu dùng cá tra được tổ chức gần 10 ngày trước đó: Các gian hàng na ná nhau, không có bất kỳ điểm nhấn nào.

“Tôi đến hội chợ với hi vọng sẽ tìm được những mặt hàng đặc sản thật đặc biệt, khác biệt so với các hội chợ trước, nhưng thấy hội chợ nào hàng hóa cũng như nhau, không có bất kỳ điểm mới nào ngoài tên gọi chủ đề của hội chợ được thay đổi” – bà Nguyễn Lan Chi – 31 Phạm Thận Duật (Cầu Giấy, Hà Nội), chia sẻ.

Nhiều khách mua hàng cũng cùng chung nhận xét, những kiểu hội chợ như vậy, tổ chức ở đâu cũng na ná nhau, sản phẩm cũng tương tự nhau.

"Sản phẩm bán tại hội chợ không có sự nổi trội so với hàng bán ngoài chợ hoặc trên mạng. Những mặt hàng đó chúng tôi có thể mua ở bất kỳ chợ dân sinh nào, thậm chí giá còn rẻ hơn hàng bán tại hội chợ” – bà Nguyễn Lan Chi nói thêm.

Chưa chú trọng chế biến và thương hiệu

Hạn chế của các doanh nghiệp Việt Nam đó là chưa chú trọng về thương hiệu, nên chưa chú trọng về chất lượng sản phẩm, không đầu tư cho hệ thống máy móc chế biến.

Theo GS TS Bùi Chí Bửu - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, Việt Nam phát triển rất tốt về khâu sản xuất nên năng suất phát triển rất nhanh. Tuy nhiên, về công nghệ chế biến, chúng ta gặp bất cập về nguyên liệu, nhà máy, công nghệ chế biến chưa được hợp lý. Trong khi Thủ tướng yêu cầu đến năm 2030 công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản Việt Nam đạt 7-10% thì hiện nay chúng ta đã đạt được 5%.

Trong khi đó, thị trường nội địa đã có những đòi hỏi cao không chỉ về chất lượng, mà còn về hình thức, bao gói, chỉ dẫn địa lý… Nếu nông sản Việt không có sự bứt phá về các vấn đề này để nâng sản phẩm lên một tầm mới; bên cạnh đó, việc tổ chức xúc tiến thương mại vẫn theo lối cũ, thô sơ và thiếu sáng tạo như hiện nay, sẽ rất khó thu hút người tiêu dùng.

Hàng hóa Việt rất có thể bị các sản phẩm ngoại lấy mất thị trường trong giai đoạn hội nhập hiện nay, đặc biệt là khi các Hiệp định Thương mại lớn như EVFTA, CPTPP được thực thi ở Việt Nam.

Vũ Long

neu khong chu trong che bien nong san viet nguy co mat thi truong noi dia Nếu không chú trọng chế biến, nông sản Việt nguy cơ mất thị trường nội địa

Nông sản Việt bán ở thị trường trong nước chưa được chú trọng khâu chế biến, phần lớn là thu hoạch rồi bán "thô". Trong ...

/ laodong.vn