Trong khoảng 15 năm trở lại đây, người ta nói nhiều đến một loại tội phạm: Đó là tội phạm bóng, tội phạm ảo, tội phạm lợi dụng ảnh hưởng chức vụ người khác và tội phạm “cổ cồn trắng”…
“Chạy chức” Chạy ai và ai chạy?
Thời gian gần đây, chuyện “chạy chức” đã trở thành một chủ đề được nói đến rất nhiều và thậm chí còn được coi là ... |
Luận bàn về vần "ệ"
Người ta đúc rút ra, thời buổi này muốn có được vị trí xứng đáng trong bộ máy công quyền thì cần phải có mấy ... |
Nhận diện loại tội phạm này quả thực là rất khó. Và càng khó hơn nữa khi xác định được ảnh hưởng của kẻ phạm tội đối với những người đang nắm giữ các chức vụ từ thấp đến cao.
Người viết bài này đã dự không ít phiên tòa xử những kẻ phạm tội lợi dụng ảnh hưởng người khác để “buôn quan bán tước”. Với những kẻ này, chúng luôn coi Lã Bất Vi là “thầy” và theo phương châm “làm ruộng lãi một gấp rưỡi, đi buôn hàng lãi một gấp ba, còn đi buôn quan thì lãi... vô cực”.
Tôi cũng đã chứng kiến rất nhiều những kẻ mặc dù không giữ chức vụ gì lớn, không nhiều tiền, nhiều của để có thể dùng vật chất thao túng người khác… nhưng lại có sức ảnh hưởng đến kỳ lạ đối với nhiều quan chức.
Cách đây 15 năm, tôi có một ông bạn cũng giữ một chức vụ kha khá ở một tờ báo. Anh viết báo không xoàng, nhưng lại có cái tật lộng ngôn và tỏ ý coi thường vị lãnh đạo mới của cơ quan chủ quản không hiểu biết gì về báo chí. Chuyện đến tai, ông thủ trưởng mới về sôi máu, quyết tâm trị anh bằng cách chuyển công tác đi nơi khác.
Đang ở một tờ báo có vị thế, lương hằng tháng tính thành vàng thì phải ngót chục cây, nay về văn phòng ngồi chơi xơi nước thì thật là quá đau đớn. Vì vậy, anh ta phải cầu cứu các cửa để làm sao cho ông thủ trưởng kia nguôi giận. Sau khi cùng các quân sư bàn mưu tính kế, anh quyết định nhờ một nhân vật tên Q cũng là phóng viên của một tạp chí ngành, mà tạp chí ấy thì hầu như không ai biết tên.
Một tối, chúng tôi mời Q đi uống rượu. Sau vài ba ly giao đãi, Q thủng thẳng hỏi: “Hôm nay các chú cho anh đi uống rượu thế này, chắc là có việc gì phải không?”. Lúc ấy, anh bạn tôi mới ấp úng trình bày lại sự việc. Sau khi nghe xong, anh Q vỗ bàn: “Tưởng chuyện gì. Việc ấy quá đơn giản. Để đấy. Anh gọi lão ấy đến đây, giải quyết ngay”.
Nói xong, anh Q móc trong túi ra chiếc điện thoại di động, đó là chiếc Motorola Star X gập ra gập vào. Nhìn chiếc điện thoại, chúng tôi đều tròn mắt vì chiếc điện thoại đó là cả một niềm mơ ước với không ít người. Q nói oang oang: “Ông đang ở đâu đấy?... Thôi, dẹp cái cuộc ấy lại… Đến đây uống với tôi một ly… Rồi. Cứ đi taxi hay xe ôm cũng được. Đến đây tôi trả tiền… OK ông bạn. Tôi chờ!”.
Rồi anh ta quay sang nói với chúng tôi: “Mười phút nữa lão phải có mặt ở đây”. Mặc dù lúc ấy ông thủ trưởng kia chưa tới, nhưng cứ nghe cách anh ta nói năng như vậy thì chúng tôi đã thực sự kính nể. Và trời ạ, quả là đúng như lời Q nói hơn mười phút sau thì ông thủ trưởng kia đi taxi đến. Q ra đón, rồi khoác vai ông đi vào nhà. Anh bạn tôi nhìn thấy cấp trên thì run bần bật.
Q nói: “Đây là mấy thằng em của tôi, cũng là dân báo chí cả”. Có lẽ vì tế nhị nên ông thủ trưởng cũng gật đầu chào và bắt tay từng người. Sau vài câu giao đãi, Q rót rượu ra ly chúc mừng ông mới được lên chức, rồi bảo: “Thôi, mấy thằng em dại. Chúng nó viết lách thì giỏi, nhưng nhiều khi ăn nói lôm côm. Có gì ông dạy bảo, đại xá cho chúng nó”. Nói thêm mấy câu nữa với vị thủ trưởng, Q lại bá vai ông ra tận taxi.
Chờ cho xe đi khuất, Q quay vào và nói: “Việc của chú mày thế là xong. Lão này vốn nóng tính, nhưng khi mình có lời thì cũng dễ nguôi”.
Tợp thêm mấy ngụm rượu nữa, anh ta nói: “Thôi, xong rồi nhé. Bây giờ tao phải đến chỗ ông T đây. Ông ấy cũng đang nhậu. Tao mà không đến là ông ấy lại kém vui. Mà ông ấy cho xe đến đón bây giờ đấy”. Quả nhiên, chỉ mấy phút sau, lại thấy một chiếc xe sang trọng gắn biển xanh đến đỗ ở ngoài cửa nhà hàng. Q khệnh khạng bước ra, còn ông bạn tôi vội vàng chạy theo cảm ơn rối rít và tất nhiên là đưa cho anh ta một túi quà, trong đó kèm theo phong bao có mấy ngàn đô.
Nhưng 3 tháng sau ông bạn tôi vẫn phải bán xới khỏi tờ báo đó.
Chưa hết. Tại một hội nghị, Q gặp ông Hữu Ước, khi ấy đang là Đại tá, Tổng biên tập Báo Công an nhân dân. Với giọng kẻ cả, anh ta vỗ vai ông Hữu Ước: “Công việc thế nào? Nghe nói chuẩn bị xét lên hàm tướng phải không. Nếu có gì khó khăn, cứ bảo tôi”. Vốn là người nóng tính và chúa ghét cái thói dựa hơi người khác, nghe cái giọng ấy, ông Ước chịu không nổi. Giữa mấy chục người, ông chửi Q rất tục (tôi xin phép không nhắc lại) và nói: “Mày không biết tao là thế nào à? Bố mày không cần cái mặt mày giúp. Từ nay trông thấy tao thì tránh xa ra”.
Khoảng 1 năm sau đó thì Q bị bắt trong một vụ lừa đảo.
Gần đây, trên một trang blog theo kiểu “thông tấn xã vỉa hè” có đưa nguyên văn cuộc nói chuyện của ông chủ một doanh nghiệp lớn trao đổi với các cộng sự về việc ông ta sẽ nhờ ông A, ông B để triệt hạ một doanh nghiệp và thâu tóm doanh nghiệp ấy, rồi sử dụng một tờ báo điện tử lớn để làm công cụ bôi nhọ người khác.
Trang blog này không những chỉ phát băng ghi âm, mà còn cho gỡ băng toàn bộ nội dung cuộc nói chuyện ấy và đăng lên. Thực hư vụ này như thế nào, chắc là cơ quan công an cũng sẽ phải điều tra. Bởi lẽ, gần đây đã có không ít các blog chuyên dựng chuyện xuyên tạc các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, dựng chuyên với mục đích làm mất uy tín của một số đồng chí cán bộ cấp cao. Nếu đúng blog này dựng chuyện, thì phải nghiêm trị. Còn xác định có đúng ông này nói hay không, hẳn chẳng có khó khăn gì với cơ quan công an. Chỉ có vấn đề là công an có dám đụng vào người này hay không mà thôi.
Tôi nghe băng ghi âm phát trên blog và đọc bản gỡ băng, không nghĩ ông chủ doanh nghiệp này, một người có danh lại nói năng bằng thứ ngôn từ rặt chợ búa và đầy chất giang hồ như vậy. Trước đó, tôi thấy không ít người khen ông này là người lịch lãm... Nghe những lời anh ta nói, cũng có nhiều đoạn… “chém gió”, nhưng rõ ràng là nếu như chỉ cần đúng 1/10 thôi thì cũng là chuyện không bình thường. Nếu đúng là ông này nói, có âm mưu ấy thì nguy quá cho đất nước này. Không làm cho ra nhẽ việc này thì uy tín của các đồng chí lãnh đạo cao cấp mà ông ta nói đến bị ảnh hưởng. Và không loại trừ đây cũng là loại tội phạm lợi dụng ảnh hưởng của người khác để trục lợi. Còn nếu đúng như vậy thì ông chủ doanh nghiệp này đích thực là một loại mafia (?).
Lịch sử Trung Quốc xưa, thời vua Càn Long có một nhân vật nổi tiếng là Hòa Thân. Tuy chỉ là một hoạn quan nhưng Hòa Thân đã làm khuynh đảo triều chính. Điều giỏi nhất của Hòa Thân chính là biết làm cho vua vui lòng, biết tung hứng từng lời nói, từng cử chỉ, hành động của vua và đọc được suy nghĩ của vua.
Nhà vua cũng như quan chức bây giờ đều muốn có bạn tâm giao, bạn tri kỷ, nhưng vô phúc mà lại vớ được loại bạn lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi thì đó lại là nguy hiểm.
Thời gian gần đây, trong các nghị quyết của Đảng, khi nói về sự thoái hóa, tiêu cực trong một bộ phận cán bộ, đảng viên cũng nói đến tình trạng chạy chức, chạy quyền. Nhưng chỉ cho ra ai đã chạy, chạy như thế nào thì không có. Quả thực, có đốt đuốc đi tìm cũng không thể nào kiếm được chứng cứ về việc ai chạy và chạy ai.
Chuyện ai chạy chức, chạy quyền người ta lờ mờ hiểu được, cảm nhận được, nhưng sẽ không bao giờ có chứng cứ vật chất cụ thể.
Thực ra, trong chuyện đề bạt, quản lý cán bộ, chúng ta đã có tầng tầng lớp lớp các quy định, mà nếu như cứ tuân theo các quy định này thì người nào có đức, có tài chắc chắn sẽ có được những vị trí xứng đáng, chẳng phải chạy ai, xin ai cả. Nhưng có một cái khổ là bản thân những người có tài, có đức thực sự lại cũng không đủ tự tin vào bản thân mình. Khi thấy cần phải làm cho cấp trên “hiểu mình hơn” thì họ phải tìm đường tác động.
Trong nhiều năm qua, ở các vụ án tham nhũng lớn, đối tượng thường là có quan hệ “sâu sắc” với nhiều tầng lớp cán bộ. Chính vì những mối quan hệ này mà các đối tượng đã tạo ra được một ảnh hưởng với người khác.
Trị loại tội phạm này không phải là không thể, nếu như những người có trách nhiệm biết cảnh giác và biết tuân thủ những nguyên tắc, những quy định của pháp luật đã quy định.
Cũng phải nói thêm rằng, loại tội phạm này thường rất giỏi che giấu những mưu đồ của mình. Chúng luôn luôn tỏ ra để cho cấp trên thấy rằng, chúng là vô hại. Ở gần chúng, người cấp trên chỉ vui khi thấy có người hiểu mình, chia sẻ với mình. Điều ấy đưa chắc người thủ trưởng đã tìm được ở cộng sự, ở những người ở bên cạnh mình thường xuyên.
Nhận diện cho được loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm này đúng là khó, nhưng không có gì là không thể. Vấn đề là người lãnh đạo ấy có tỉnh táo hay không mà thôi!
Tại số?!
Cái gì bây giờ cũng do… số! Chẳng ai bảo rằng, việc ấy xảy ra là do mình gây họa. |
Từ chức… khó lắm!
Với cách suy nghĩ của người Á Đông và với cơ chế sử dụng cán bộ như hiện nay, việc vận động hoặc để người ... |