Nếu Gia Cát Lượng không đột ngột qua đời ở gò Ngũ Trượng, liệu rằng vị Thừa tướng sẽ xưng đế hay sẽ chọn đi theo con đường của Tào Tháo năm xưa?
Mỗi khi nhắc tới những mưu sĩ nổi danh Tam Quốc, nhiều người sẽ nhớ ngay đến tên tuổi của Ngọa Long tiên sinh Gia Cát Lượng.
Năm xưa nhờ có sự giúp sức của danh sĩ lừng danh này, Tiên chủ Lưu Bị đã thành lập được chính quyền riêng của mình. Thế nhưng điều khiến hậu thế nuối tiếc là sau khi Quan Vũ bị giết hại, Lưu Bị đã bỏ ngoài tai mọi lời khuyên can, cương quyết dẫn binh phạt Ngô để rồi chuốc lấy kết cục thảm bại.
Trước lúc qua đời vì u sầu ở thành Bạch Đế, vị quân chủ này đã ủy thác con trai cùng tương lai của tập đoàn Thục Hán vào tay trọng thần thân tín là Gia Cát Khổng Minh.
Sau này, Lưu Thiện thuận lợi kế vị, Gia Cát Lượng vì muốn hoàn thành tâm nguyện của Tiên chủ lúc còn sống nên nhiều lần xuất binh Bắc phạt. Chỉ tiếc rằng nghiệp lớn chưa thành, vị Thừa tướng trụ cột của Thục Hán đã không may lâm bệnh qua đời ở gò Ngũ Trượng.
Sự ra đi đột ngột của Ngọa Long tiên sinh chẳng những là nỗi mất mát to lớn đối với Thục Hán mà cũng để lại vô vàn nuối tiếc cho người đời sau.
Thế nhưng cũng có người đặt ra giả thiết, nếu Gia Cát Lượng có thể sống lâu hơn, sự nghiệp Bắc phạt của ông cũng diễn ra thành công, vậy thì vị Thừa tướng quyền lực này liệu có soán ngôi xưng đế hoặc trở thành Tào Tháo thứ hai hay không?
Nghi vấn về "dã tâm" thực sự của Khổng Minh: Có hay không âm mưu soán ngôi đoạt vị?
Gia Cát Lượng (181 - 234), biểu tự Khổng Minh, hiệu Ngọa Long tiên sinh, là mưu sĩ nổi danh dưới trướng Lưu Bị và cũng là một trong những công thần góp sức vào việc xây dựng tập đoàn chính trị Thục Hán thời Tam Quốc (Ảnh minh họa: Nguồn Baidu).
Ngày nay mỗi khi nhắc tới tên tuổi của Gia Cát Khổng Minh, nhiều người vẫn luôn coi ông là tấm gương tiêu biểu của bậc bề tôi trung thành, cả đời cúc cung tận tụy vì sự nghiệp của quân chủ.
Tuy nhiên cũng có một số người không khỏi hoài nghi về lòng trung thành của nhân vật này. Liệu rằng Gia Cát Lượng quả thực hoàn mỹ tới không một tỳ vết như hậu thế vẫn thường tưởng tượng hay không?
Nói cách khác, đối với một vị quân chủ non nớt, vô năng như Lưu Thiện, Gia Cát Lượng đã bao giờ nổi lên dã tâm soán ngôi đoạt vị hay chưa?
Sau khi Lưu Bị qua đời, Thừa tướng Khổng Minh từng nhiều lần xuất binh Bắc phạt. Trên danh nghĩa, chiến dịch này của ông nhằm mục đích hoàn thành tâm nguyện của tiên chủ, cũng là một cách để Gia Cát Lượng báo đáp ơn tri ngộ với vị quân chủ họ Lưu từng 3 lần tới lều tranh mời mình năm xưa.
Thế nhưng theo phân tích của trang Qulishi, không ít hành động lúc sinh thời Gia Cát Lượng thực chất lại tồn tại nhiều điểm khả nghi không phù hợp với danh tiếng trung thần của nhân vật này.
Theo đó, sau khi Gia Cát Lượng qua đời, một bề tôi của Thục Hán là Lý Mạc từng dâng tấu lên Hoàng đế Lưu Thiện. Quan viên này cho rằng, Gia Cát Lượng có lòng ham mê quyền lực chứ không thực sự thần phục tân đế.
Vị quan họ Lý này còn khẳng định, nếu không phải Khổng Minh đột ngột lâm bệnh qua đời, việc vị Thừa tướng này soán ngôi đoạt vị chỉ là chuyện sớm muộn. Tuy nhiên trước lời tố cáo của Lý Mạc, Lưu Thiện không những không tin mà còn trực tiếp hạ lệnh chém đầu.
Sinh thời, Khổng Minh từng nhận được lời đề nghị mang ý thăm dò của Lý Nghiêm. Vị đại thần này từng khuyên ông tự lập làm vương giống như Tôn Quyền, Lưu Bị và Tào Tháo đã làm năm xưa. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).
Kỳ thực, không chỉ một mình Lý Mạc có suy nghĩ trên. Ngay tới một vị công thần khác từng được Lưu Bị ủy thác cùng với Gia Cát Lượng là Thượng thư Lý Nghiêm cũng có hoài nghi tương tự.
Năm xưa vì muốn dò xét tâm tư của Thừa tướng Khổng Minh, Lý Nghiêm từng đề nghị Gia Cát Lượng tự xưng vương và tiếp nhận lễ "cửu tích".
Theo thể chế truyền lại từ thời Xuân Thu, khi các đại thần ngoài hoàng tộc được phong vương thì có thể nhận lễ cửu tích, bao gồm phần thưởng là 9 món báu vật đặc biệt đại biểu cho chức phận, cũng là minh chứng cho việc họ có thể cùng Hoàng đế hưởng quyền quý cao sang.
Theo Tam Quốc chí, năm xưa khi Tào Tháo, Tôn Quyền, Lưu Bị tự phong vương đều từng cử hành nghi thức này. Cho nên từ cuối thời Đông Hán, việc tiếp nhận "cửu tích" bị coi là khúc nhạc dạo đầu cho những kịch bản soán ngôi đoạt vị.
Nếu Gia Cát Khổng Minh không có dã tâm, ông nhất định sẽ lên án ý tưởng trên của Lý Nghiêm. Thế nhưng vị Thừa tướng này chẳng những không tức giận mà còn đưa ra một câu trả lời có nhiều ẩn ý:
"Ta vốn chỉ là một kẻ bề tôi, nhờ Tiên đế coi trọng nên mới có quyền cao chức trọng như hôm nay. Thế nhưng nghiệp lớn vẫn chưa hoàn thành, bây giờ mà tự cao tự đại thì thật đáng hổ thẹn với Tiên đế.
Nếu một ngày có thể diệt trừ Tào Ngụy, chém chết Tào Duệ, ta và các đại thần đều sẽ được thăng quan tiến chức. Khi ấy dù có được thưởng ‘thập tích’ (10 loại báu vật) tôi cũng xin nhận, huống chi là ‘cửu tích’."
Gia Cát Lượng mặc dù cự tuyệt đề nghị của Lý Nghiêm, nhưng phát ngôn lại có khẩu khí không mấy phù hợp. Thiết nghĩ, lời nói này được thốt ra từ một bậc bề tôi nổi tiếng trung thành quả thực có thể bị xem là "to gan lớn mật".
Hơn nữa, Khổng Minh vốn nổi tiếng là học vấn cao sâu, chẳng lẽ ông không nhìn ra ý nghĩa sâu xa của việc tiếp nhận "cửu tích" hay sao?
Năm xưa Lưu Bị cũng từng tiếp nhận qua lễ phong cửu tích, mà nay Gia Cát Lượng còn nhắc tới việc mình sẵn sàng nhận "thập tích", phải chăng đây là hàm ý muốn "vượt mặt" cả vị quân chủ họ Lưu năm xưa?
Nếu Bắc phạt thành công, Gia Cát Lượng sẽ lên ngôi xưng đế hay nối bước Tào Tháo?
Chẳng những là người được Tiên đế Lưu Bị ủy thác con trai, với tài năng và danh tiếng của mình, Gia Cát Lượng từ lâu đã ngồi vững ở vị trí "dưới một người, trên vạn người" trong tập đoàn chính trị Thục Hán. (Ảnh minh họa: Nguồn Baidu).
Như vậy, nếu sự nghiệp Bắc phạt quả thực thành công, Gia Cát Khổng Minh liệu có tự lập làm Hoàng đế hay sẽ noi theo Tào Tháo, trở thành quyền thần "dưới một người, trên vạn người"?
Về nghi vấn này, có ý kiến cho rằng Khổng Minh lúc sinh thời tuy không phải làm vua, nhưng mọi việc lớn nhỏ trong triều gần như đều cho ông chấp chưởng, còn Lưu Thiện chỉ là Hoàng đế "có tiếng không có miếng", địa vị chẳng khác gì Hán Hiến Đế năm xưa.
Nếu sự nghiệp Bắc phạt quả thực thành công, trước một vị quân chủ vô năng, nhu nhược như Lưu Thiện, bậc tài trí nổi danh thiên hạ như Khổng Minh dù không muốn soán ngôi thì các thuộc hạ dưới trướng rất có khả năng sẽ tôn ông làm Hoàng đế.
Cho nên theo ý kiến này, làm chức vụ gì cũng chỉ là vấn đề danh nghĩa, còn Khổng Minh từ lâu vốn đã được xem là Hoàng đế không ngai nắm giữ đại cục của nhà Thục Hán.
Sự thực là dù Khổng Minh có muốn lên ngôi Hoàng đế hay không, thì quan lại và bách tính vẫn kính nể, ủng hộ ông hơn Tân đế Lưu Thiện. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).
Tuy nhiên nếu dựa vào tính cách của Gia Cát Lượng, việc ông soán ngôi đoạt vị là giả thiết rất ít có khả năng xảy ra.
Vào xã hội phong kiến như thời bấy giờ, điều khiến các bậc quân chủ lo sợ nhất chính là bề tôi có công trạng, tài năng hoặc quyền lực vượt mặt mình. Hơn nữa trong lịch sử Trung Hoa, việc soán ngôi đoạt vị quả thực có thể coi là "chuyện cơm bữa", bởi hiếm ai có thể cưỡng lại sức hấp dẫn từ quyền lực và ngai vàng chí cao vô thượng.
Lại nói, Tân đế Lưu Thiện từ lâu vốn bị coi là nhu nhược, vô năm, còn Khổng Minh với tài năng xuất chúng lại được trăm họ yêu mến, người người kính trọng. Đây vốn là tình cảnh mà vị Hoàng đế thứ hai của nhà Thục Hán luôn nơm nớp lo sợ.
Cho nên bất luận là Gia Cát Lượng có dã tâm đoạt lấy ngôi vua hay không, chắc chắn bản thân Hoàng đế Lưu Thiện từ lâu đã mang tâm lý lòng đề phòng trước vị Thừa tướng này. Vì vậy, không ngoại trừ khả năng Lưu Thiện từ sớm đã bày mưu tính kế để tìm cách tước quyền Khổng Minh sau khi đại nghiệp đã thành.
Đối với một Thừa tướng vừa tài năng lại vừa quyền lực như Gia Cát Lượng, Tân đế Lưu Thiện ngoài mặt tuy kiêng dè, kính nể nhưng rất có thể từ lâu đã mang tâm lý đề phòng Khổng Minh. (Ảnh minh họa: Nguồn Baidu).
Về phần Gia Cát Lượng, ông vốn xuất thân là một nhà Nho, từ nhỏ đã đọc sách thánh hiền, thường lấy Quản Trọng, Nhạc Nghị làm gương, lại tự so mình với Trương Lương, Khương Tử Nha, cho nên ông sẽ không làm ra những việc trái với luân thường đạo lý như phản bội hay bất trung với quân chủ.
Hơn nữa, nhìn từ "tấm gương" của Tào Tháo năm xưa cũng có thể khẳng định Gia Cát Khổng Minh sẽ chẳng "dại dột" xưng đế sau khi nhất thống thiên hạ.
Bởi Tào Mạnh Đức lúc sinh thời dù không lên ngôi vua, nhưng lại là quyền thần "nắm lấy Thiên tử để ra lệnh cho các chư hầu". Ông chấp nhận sống cả đời dưới danh nghĩa của một bề tôi nhưng lại sở hữu quyền lực lớn đến nỗi Hoàng đế cũng phải kiêng nể.
Cho nên có thể khẳng định rằng, một bậc trung thần tài trí như Gia Cát Lượng dù có tự tay làm nên đại nghiệp cũng sẽ không làm ra hành động soán ngôi đoạt vị.
Chỉ tiếc rằng đại nghiệp chưa thành, Ngọa Long tiên sinh đã lao lực qua đời trong lần Bắc phạt cuối cùng. Sự ra đi của ông ngược lại không khiến Lưu Thiện an tâm ngồi vững trên ngôi Hoàng đế mà lại khiến tập đoàn chính trị Thục Hán trượt dài trên đà xuống dốc, cuối cùng vẫn không tránh khỏi kết cục Tam Quốc quy Tấn.
Mỹ nhân đẹp ngang Điêu Thuyền, “đốn tim” cả 3 cha con Tào Tháo
Nói về thời Tam Quốc (220 – 280), người ta dễ hình dung về những anh hùng hảo hán trượng nghĩa, những đại tướng tài ... |
Một đời gian hùng, Táo Tháo chỉ phục duy nhất người này
Tào Tháo coi Lưu Bị là địch thủ lớn nhất trong cuộc chiến giành thiên hạ, đối đãi cực hậu với Quan Vũ vì mến ... |