Hơn nửa thế kỷ qua, từ khi ra đời, sổ hộ khẩu đã tạo một “sức ép” nặng nề trong cuộc sống hàng ngày của người dân. Trước thông tin Chính phủ ban hành Nghị quyết 112/NQ-CP về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, bỏ sổ hộ khẩu, hướng đến quản lý dân cư bằng mã số định danh cá nhân, nhiều người dân bày tỏ vui mừng, ủng hộ.
Bỏ sổ hộ khẩu - người dân vui mừng
15 năm qua, gia đình chị Nguyễn Thu Hương (quê Xuân Trường, Nam Định) rơi vào vòng luẩn quẩn: Ở quê làm ruộng thì không đủ ăn; lên thành phố, bố mẹ có công việc làm thì con cái lại khổ. Mà khổ nhất là chuyện xin học. Vì không có hộ khẩu ở thành phố, chị không thể xin cho con vào học ở một trường công lập. Chị đành gửi về quê nhờ ông bà chăm sóc.
Rút kinh nghiệm hai đứa đầu, vì xa bố mẹ, không có người sát sao chuyện học hành nên đã bỏ học sớm, đến đứa thứ ba, chị “đánh bạo” đón con lên Hà Nội. 4 tháng nay, gia đình chị “chính thức được đoàn tụ” tại một căn phòng nhỏ, nằm tít sâu trong con ngõ trên phố Thái Hà (quận Đống Đa, Hà Nội) - nơi có rất nhiều người tỉnh lẻ thuê trọ, làm đủ nghề, từ buôn đồng nát, đến giúp việc gia đình, kế toán, nhân viên cho các doanh nghiệp.
“Con đã lên 5, sang năm tới là vào lớp 1 rồi. Tôi đang tính nhờ một người quen cho con mình có tên trong sổ hộ khẩu của gia đình họ. Hoặc làm theo lời của hàng xóm, “lót tay” cho cán bộ để có giấy tạm trú, lo xin học cho con” - chị Hương tâm sự.
Không riêng chị Hương, hàng vạn gia đình vốn xuất thân từ vùng quê (mà người thành phố vẫn gọi là dân tỉnh lẻ) hiện đang sinh sống và làm việc ở các đô thị, đều chịu chung nỗi khổ như thế. Để xin học cho con, các gia đình không có hộ khẩu ở Hà Nội hay các đô thị lớn - dù đã làm việc ở thành phố hàng chục năm phải “bấm bụng” chạy hộ khẩu, nhờ vả để xin học trái tuyến, hoặc cho con vào học trường tư thục với chi phí cao. Mọi người ví mình là những công dân hạng hai - vì không có hộ khẩu nên bị phân biệt trong việc sử dụng các dịch vụ xã hội cơ bản.
Phương thức quản lý nhân khẩu theo sổ hộ khẩu ra đời ở miền Bắc từ những năm 50 của thế kỷ trước. Nhưng theo thời gian, từ một loại giấy tờ xác nhận nơi cư trú của công dân, để quản lý về mặt dân cư, đã bị lạm dụng, trở thành một điều kiện để được sử dụng các dịch vụ xã hội. Cũng từ đó, sổ hộ khẩu trở thành nỗi ám ảnh của người dân.
Hiện nay có hơn 20 loại thủ tục liên quan đến đời sống người dân, yêu cầu phải có hộ khẩu. Từ việc làm giấy khai sinh cho đến giấy chứng tử, hay sử dụng các dịch vụ xã hội, như xin học, mua nhà, lắp đặt Internet, công tơ điện, nước, điện thoại…
Thời bao cấp, hộ khẩu có vai trò đặc biệt quan trọng với mỗi hộ gia đình, gắn liền với chế độ phân phối tiêu dùng, tem phiếu, sổ gạo... Có hộ khẩu mới có việc làm, mới được học hành, khám chữa bệnh. Tuy nhiên, khi chúng ta chuyển sang nền kinh tế thị trường, giữa thời đại công nghệ số, cách mạng công nghiệp 4.0, nếu vẫn duy trì cách quản lý cũ sẽ gây phiền hà cho nhân dân, không chỉ lạc hậu mà còn tốn kém chi phí và thời gian để lo các thủ tục hành chính liên quan đến hộ khẩu.
Theo số liệu công bố năm 2016 của Ngân hàng thế giới (WB) và Viện hàn lâm KHXH Việt Nam, tại 5 tỉnh, thành phố được khảo sát, còn tới 5,6 triệu người không có hộ khẩu thường trú, chủ yếu tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Con số này tiếp tục tăng lên. Chừng nào còn tồn tại sổ hộ khẩu, từng ấy con người sẽ còn rất vả vả trong việc thụ hưởng các dịch vụ xã hội.
Con em công nhân vẫn canh cánh lo bị bạo hành, vì phải gửi vào các trường tư thục kém chất lượng. Cùng một khu chung cư, sẽ có người được dùng điện, nước giá ưu đãi, còn người khác phải trả đắt gấp nhiều lần vì không có hộ khẩu. Điều này cũng dẫn đến biết bao hệ lụy, thiệt thòi cho người nhập cư và con em của họ.
Chính vì thế, khi Chính phủ thông qua phương án của Bộ Công an về việc bỏ các thủ tục về sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân trong quản lý dân cư để thống nhất việc quản lý bằng mã số định danh cá nhân, người dân đã vui mừng.
Dự kiến, đến năm 2020, mỗi công dân đi đâu, làm gì chỉ cần cung cấp mã số định danh cho chính quyền sẽ có hết thông tin, chứ không cần phải cầm theo sổ hộ khẩu để xác nhận. Đây là căn cứ quan trọng để thực hiện lộ trình đơn giản hóa thủ tục hành chính, khắc phục tình trạng một công dân phải dùng nhiều loại giấy tờ như hiện nay.
Như vậy, công dân không phải mất thời gian đi chứng thực hay xin xác nhận của xã, phường. Tự thân sổ hộ khẩu sẽ hết giá trị vì các ngành đã có cơ sở dữ liệu để xác nhận.
Phúc lợi xã hội là của chung, mọi người đều có quyền hưởng như nhau
Dù không có trong quy định pháp luật, nhưng hiện nay nhiều giao dịch dân sự đều yêu cầu phải có hộ khẩu. Sự “ăn theo” này đi xa với mục đích ra đời của sổ hộ khẩu, trở thành những “biến tướng” ám ảnh người dân. Ngoài việc bỏ sổ hộ khẩu giấy, bãi bỏ các thủ tục hành chính có liên quan đến hộ khẩu, nhiều người dân còn mong mỏi các Bộ, ngành trung ương rà soát, bỏ các quy định “ăn theo” sổ hộ khẩu.
Trong lĩnh vực giáo dục, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội - kiến nghị: Tuyển sinh đầu cấp nên lấy căn cứ là chỗ ở của học sinh để tuyển sinh chứ không nên tuyển sinh theo hộ khẩu. Nếu bỏ quản lý bằng hộ khẩu sẽ hạn chế được tình trạng “chạy” hộ khẩu để được vào trường tốt như hiện nay.
“Trẻ em có quyền bình đẳng trong học hành, trong chọn trường chọn lớp. Tuy nhiên, thủ tục sổ hộ khẩu cản trở nhiều quyền lợi của các em khi không được tiếp nhận vào trường công nếu không có hộ khẩu thường trú ở nơi đó” - TS Lâm chia sẻ.
Ông Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) cho rằng, khi nào còn tồn tại quy định về hộ khẩu trong tuyển sinh đầu cấp, lúc đó còn thiếu công bằng trong chuyện học hành của con trẻ.
“Những cấp mang tính phổ cập như tiểu học, THCS thì không nên lấy tiêu chí hộ khẩu để nhận học sinh vào học. Vì nó chưa đảm bảo công bằng, quyền được đi học của trẻ em. Quy định này cũng đi ngược lại với sự tiến bộ của các nước” - ông Bình cho biết.
Theo ông Nguyễn Văn Pha - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, không chỉ trong lĩnh vực giáo dục, mà các bộ ngành khác cũng cần thay đổi, sửa các quy định cho phù hợp, trên cơ sở có lợi cho dân.
Cũng theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, trong tương lai, nếu bỏ sổ hộ khẩu giấy, mà vẫn phân biệt các loại KT 1, 2, 3 thì vẫn có chuyện cùng mua nhà ở một khu tập thể, sẽ có gia đình không được mua nước sạch với giá ưu đãi, con phải học trái tuyến với những khoản lót tay. Hay công nhân dù không muốn vẫn phải gửi con vào những nhà trẻ tư nhân, không biết chất lượng ra sao, để mang nỗi lo con bị bạo hành.
Ông kiến nghị cần rà soát hết những thủ tục rườm rà, không có lợi cho người dân, đang làm ảnh hưởng đến quyền sử dụng các dịch vụ xã hội của người dân, đặc biệt là liên quan đến hộ khẩu. Bởi phúc lợi xã hội là của chung, mọi người đều có quyền hưởng như nhau, không nên phân biệt có hộ khẩu hay không hộ khẩu.
Không có hộ khẩu, dân chung cư ngậm ngùi mua nước theo giá kinh doanh Cùng ở một khu chung cư, cùng thực hiện nghĩa vụ, đóng các khoản phí dịch vụ như nhau, nhưng các quyền lợi được hưởng ... |
Đủ kiểu khổ vì dịch vụ “ăn theo” sổ hộ khẩu Sổ hộ khẩu, từ một loại giấy tờ xác nhận nơi cư trú của công dân, để quản lý về mặt dân cư, nhưng theo ... |