Nga lên án sự hiện diện của Mỹ ở Syria là "bất hợp pháp" và cáo buộc Washington tìm cách chiếm giữ dầu mỏ của Damascus
Mỹ và Đức vừa đề nghị trở thành nơi đặt 2 bộ chỉ huy NATO mới nhằm ngăn chặn Nga - động thái được xem là ủng hộ sự tăng cường sức mạnh quân sự của liên minh này.
Bước đi biểu tượng
Trong nỗ lực mới nhất nhằm đối phó động thái sáp nhập bán đảo Crimea của Nga vào năm 2014, NATO đang xem xét lập bộ chỉ huy kế hoạch và chiến lược Bắc Đại Tây Dương để bảo đảm an toàn cho các tuyến đường biển trước tàu ngầm kẻ thù. Ngoài ra, một bộ chỉ huy hậu cần sẽ tập trung đẩy nhanh hoạt động chuyển quân khắp châu Âu trong bất kỳ cuộc xung đột nào.
Vẫn chưa có quyết định nào đối với kế hoạch lập 2 bộ chỉ huy nêu trên. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis sẽ nhóm họp với các người đồng cấp khác của NATO tại thủ đô Brussels - Bỉ vào tuần tới để thảo luận chi tiết kế hoạch. Các nhà lãnh đạo NATO dự kiến đưa ra quyết định chính thức tại hội nghị thượng đỉnh vào tháng 7 tới.
Theo Reuters, giới ngoại giao nhận định 2 bộ chỉ huy trên có thể tăng cường vị thế cho nước chủ nhà nên một số thành viên trong liên minh quan tâm đến kế hoạch, trong đó có Bồ Đào Nha và Ba Lan. Tuy nhiên, Đức và Mỹ được cho là 2 ứng viên sáng giá hơn hẳn vì sở hữu sức mạnh quân sự hàng đầu khối.
Một quan chức NATO cho biết địa điểm đặt trụ sở các bộ chỉ huy mới sẽ được đánh giá trong mấy tháng tới. Ngoài ra, nước chủ nhà còn chịu trách nhiệm về phòng không và an ninh mạng, cũng như huấn luyện và di chuyển các lực lượng.
Sự kiện thành lập 2 bộ chỉ huy vừa nêu, với tổng cộng 1.500 nhân sự, sẽ là bước đi mở rộng đầu tiên trong vòng 2 thập kỷ sau khi NATO cắt giảm mạnh quy mô hồi năm 2011. Điều này còn mang tính biểu tượng mạnh mẽ đối với các đồng minh ở Đông Âu nhưng đe dọa làm căng thẳng thêm quan hệ giữa Nga - Mỹ nói riêng và NATO nói chung.
Binh sĩ NATO trong cuộc tập trận “Iron Wolf 2017” ở Stasenai - Lithuania Ảnh: EPA
Lời qua tiếng lại ở Syria
Riêng Moscow và Washington còn đang lời qua tiếng lại vì tình hình Syria trong những ngày qua. Nga hôm 8-2 lên án sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Syria là bất hợp pháp sau khi xảy ra vụ máy bay Mỹ ném bom lực lượng thân chính phủ Syria. Moscow còn tố Washington tìm cách chiếm giữ dầu mỏ của Syria. Trong khi đó, chính phủ Syria cáo buộc Mỹ "gây hấn" khi tiến hành không kích giết hại nhiều người.
Đại tá Thomas F. Veale, người phát ngôn quân đội Mỹ, cho biết các lực lượng nước này đã không kích và nã pháo vào những tay súng ủng hộ chế độ Tổng thống Bashar al-Assad sau khi họ tấn công căn cứ thuộc Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) tại tỉnh Deir al-Zour nhiều dầu mỏ đêm 7-2. Theo ông, các cố vấn quân sự Mỹ cũng có mặt tại căn cứ này lúc đó. Giới chức Mỹ ước tính hơn 100 trong số khoảng 500 tay súng can dự vụ tấn công đã thiệt mạng.
Bộ trưởng Mattis cho biết không hiểu lý do các tay súng tấn công căn cứ nói trên. Theo báo The Washington Post, ông khẳng định cả lực lượng Nga lẫn Syria từ lâu đã biết về sự hiện diện của binh sĩ Mỹ và đồng minh tại đó. Dù vậy, bộ trưởng Mattis bác bỏ nỗi lo Mỹ đang bị lôi vào một cuộc xung đột rộng lớn hơn sau vụ việc.
Đây là vụ đụng độ nghiêm trọng nhất liên quan đến Mỹ và Syria kể từ khi quân nhân Mỹ bắt đầu được điều động đến Đông Bắc Syria vào cuối năm 2015 để hỗ trợ các tay súng người Kurd và Ả Rập chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Sự việc cho thấy tính chất phức tạp trên chiến trường trong bối cảnh Mỹ nắm quyền kiểm soát gần 1/4 lãnh thổ Syria sau khi IS bị đánh bại. Nó cũng nêu bật nguy cơ xảy ra thêm các vụ xung đột tại vùng giàu dầu mỏ ở miền Đông Syria.
Chính phủ Syria và đồng minh Iran liên tục kêu gọi binh sĩ Mỹ rời khỏi Syria vì cuộc chiến chống IS gần như kết thúc. Thậm chí, họ thường xuyên dọa gây chiến để đẩy người Mỹ rời đi. Tuy nhiên, quân đội Mỹ sẽ hiện diện ở Syria cho đến khi có thỏa thuận hòa bình ở nước này, theo chiến lược mới được chính quyền Tổng thống Donald Trump thông báo hồi tháng trước.
Hàng chục Iskander-M tới Kaliningrad: NATO sốt vó?
Nga tuyên bố hoàn thành việc xây dựng cơ sở hạ tầng ở khu vực Kaliningrad và sẵn sàng triển khai hàng chục tổ hợp ... |
Thành viên NATO không biết làm gì với \'Bóng đêm kinh hoàng\'?
Bộ Quốc phòng Na-Uy đang vô cùng bối rối khi không biết có nên tiếp tục dự án mua sắm trực thăng NH90 cho Hải ... |
Liên Xô từng có ý định gia nhập NATO như thế nào?
Liên Xô coi việc gia nhập NATO là một trong những giải pháp chấm dứt Chiến tranh Lạnh, những người kế nhiệm Stalin thậm chí ... |