Trong khi Mỹ lên án vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên là hành động khiêu khích, phía Triều Tiên lại chỉ trích Mỹ đã phản ứng quá mức, đồng thời bày tỏ hoài nghi về thái độ chân thành của Washington khi đề nghị đối thoại vô điều kiện với Bình Nhưỡng.
Gần hai ngày sau vụ thử tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm mới nhất của Triều Tiên, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) sáng 21/10 (giờ Hà Nội) đã tiến hành một phiên họp kín về tình hình Triều Tiên theo đề nghị của Mỹ và Anh, nhưng không ban hành tuyên bố chung chính thức nào, France24 đưa tin. Sau cuộc họp, Đại sứ Mỹ tại LHQ, bà Linda Thomas-Greenfield, ra tuyên bố lên án vụ thử trên của Bình Nhưỡng, cho rằng hoạt động này vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an. Tuy không đề xuất các biện pháp trừng phạt mới, Đại sứ Greenfield hối thúc LHQ thắt chặt các biện pháp trừng phạt hiện có nhằm vào Bình Nhưỡng.
Quan chức Mỹ đồng thời kêu gọi Triều Tiên ngừng khiêu khích và tham gia các cuộc đối thoại thực chất, hướng tới phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. “Chúng tôi đã đề nghị gặp các quan chức Triều Tiên mà không có bất kỳ điều kiện tiên quyết nào và chúng tôi đã nói rõ rằng, chúng tôi không có ý định thù địch với đất nước họ”, nhà ngoại giao Mỹ nhấn mạnh.
Các nghị quyết của Hội đồng Bảo an không cho phép Triều Tiên phát triển, thử vũ khí hạt nhân và các loại tên lửa đạn đạo. Một số quốc gia châu Âu trong Hội đồng Bảo an, gồm Pháp, Ireland, Estonia cùng ngày mô tả hành động của Triều Tiên là minh chứng cho tham vọng sở hữu năng lực hạt nhân trên biển của Bình Nhưỡng. “Các vụ phóng đã chứng minh tính cấp thiết phải thực thi đầy đủ và hiệu quả các lệnh trừng phạt của LHQ (nhằm vào Triều Tiên)”, Đại sứ Ireland tại LHQ Geraldine Byrne Nason nói.
Đáp lại những tuyên bố chỉ trích, trong bản tin được Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đăng tải ngày 21/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên khẳng định, hoạt động thử tên lửa không nhằm vào Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào khác. “Vụ phóng thử của chúng tôi được lên kế hoạch hoàn toàn phục vụ mục đích phòng thủ quốc gia, không nhằm vào Mỹ nên không cần thiết phải lo lắng hay lo ngại”, người phát ngôn phía Triều Tiên tuyên bố.
Phía Bình Nhưỡng cũng cho rằng, Washington đã phản ứng thái quá và “tiêu chuẩn kép” khi mô tả hoạt động thử nghiệm tên lửa của Triều Tiên là mối đe dọa đối với hòa bình, ổn định của khu vực. “Đó là tiêu chuẩn kép rõ ràng khi Mỹ cáo buộc chúng tôi phát triển và thử nghiệm cùng một hệ thống vũ khí mà họ đã hoặc đang phát triển. Điều đó làm tăng thêm nghi ngờ về sự chân thành của họ khi nói rằng họ không có thái độ thù địch với chúng tôi”, quan chức ngoại giao Triều Tiên nêu quan điểm.
Theo ABCNews, vụ phóng hôm 19/10 là đợt thử nghiệm tên lửa đạn đạo thứ 8 của Triều Tiên trong năm 2021, bên cạnh một loạt hoạt động thử nghiệm tên lửa hành trình, vũ khí siêu vượt âm và tên lửa phòng không. Hôm 20/10, Triều Tiên xác nhận quả đạn được khai hỏa trước đó một ngày là tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) thế hệ mới do nước này tự phát triển.
Một số nhà quan sát mô tả vụ thử SLBM kể trên là động thái chiến lược tiếp theo nhằm tiếp tục gây sức ép với Hàn Quốc để đảm bảo những nhượng bộ Bình Nhưỡng mong muốn từ Mỹ, trong đó có việc loại bỏ “chính sách thù địch”. Trong một thông điệp hồi cuối tháng 9/2021, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un từng đánh giá mối đe dọa quân sự và “chính sách thù địch” của Mỹ không thay đổi dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden. Nhà lãnh đạo Triều Tiên gọi lời đề nghị đối thoại gần đây của Washington là “vỏ bọc” cho chính sách đối đầu, khi mà các biện pháp trừng phạt khắt khe chống lại Triều Tiên do Mỹ khởi xướng không có dấu hiệu sẽ được nới lỏng.
Theo Reuters, đợt phóng thử mới nhất của Triều Tiên diễn ra không lâu sau khi Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên, ông Sung Kim, gặp người đồng cấp Hàn Quốc Noh Kyu-duk tại Mỹ để bàn về cách thức đưa Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán. Hiện vẫn chưa rõ cách thức mà Mỹ và Hàn Quốc sẽ thực thi để hiện thực hoá tham vọng này, song các phát ngôn và động thái mới nhất của Triều Tiên được cho là đã thể hiện rõ ràng thái độ của Bình Nhưỡng rằng, bất cứ cách tiếp cận cứng rắn nào sẽ rất khó phát huy hiệu quả.
Việt Nam đề nghị nối lại đàm phán về Bán đảo Triều Tiên
Trao đổi với báo giới sau cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ về tình hình Triều Tiên, đại diện Việt Nam cho biết, với tư cách Ủy viên Hội đồng Bảo an, Việt Nam chia sẻ mối quan ngại của các nước về vấn đề Triều Tiên thử tên lửa ngày 19/10. Việt Nam kêu gọi các bên liên quan tránh có hành động gây thêm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nối lại đối thoại đàm phán sớm nhất có thể. Việt Nam một lần nữa nhắc lại chính sách nhất quán ủng hộ giải trừ vũ khí và không phổ biến vũ khí hạt nhân, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn loại vũ khí này; khẳng định luôn thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ của mình liên quan tới các hiệp ước quốc tế và các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ. Việt Nam nhất trí rằng các nghị quyết của Hội đồng Bảo an phải được tôn trọng và thực thi đầy đủ nhưng các bên liên quan cần nỗ lực nhằm tránh những tác động tiêu cực của các nghị quyết đối với người dân. |
Triều Tiên tuyên bố phóng thử thành công tên lửa đạn đạo mới từ tàu ngầm
Hôm 20/10, Triều Tiên thông báo nước này vừa bắn thử thành công một loại tên lửa đạn đạo mới phóng từ tàu ngầm (SLBM). |