Mỹ công bố sáng kiến kinh tế mới với châu Á là trọng tâm

Tổng thống Joe Biden ngày 23/5 thông báo về một thỏa thuận hợp tác với 12 quốc gia khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương nhằm củng cố kinh tế trong khu vực.

Mỹ công bố sáng kiến kinh tế mới tăng cường hợp tác với châu Á -0
Tổng thống Joe Biden hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida. Ảnh: AP

Phát biểu tại một cuộc họp báo sau khi hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, Tổng thống Biden thừa nhận nền kinh tế Mỹ vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề nhưng những vấn đề này “ít hậu quả hơn so với các nước khác trên thế giới”.

Cùng với đó, ông Biden đã ra mắt Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF). Các nước tham gia IPEF bao gồm Australia, Brunei, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Cùng với Mỹ, các nước tham gia vào IPEF chiếm khoảng 40% GDP thế giới, theo Nhà Trắng.

Trong một tuyên bố chung, các nước tham gia thỏa thuận nhấn mạnh IPEF sẽ giúp “chuẩn bị cho tương lai của các nền kinh tế thành viên” sau những gián đoạn do đại dịch COVID-19 và xung đột tại Ukraine gây ra. “IPEF nhằm nâng cao khả năng phục hồi bền vững, bao trùm, tăng trưởng kinh tế, công bằng và đảm bảo khả năng cạnh tranh cho các nền kinh tế của chúng ta. Thông qua sáng kiến này, chúng tôi mong muốn đóng góp vào sự hợp tác, ổn định, thịnh vượng, phát triển và hòa bình trong khu vực”, theo tuyên bố chung.

Nhà Trắng cho biết khuôn khổ hợp tác sẽ giúp Mỹ và các nền kinh tế châu Á hợp tác chặt chẽ hơn trong các vấn đề như đảm bảo chuỗi cung ứng, thương mại kỹ thuật số, năng lượng sạch, bảo vệ người lao động và chống tham nhũng. Các chi tiết của thỏa thuận vẫn cần được chính phủ các nước thành viên thảo luận và thông qua.

IPEF là nỗ lực quan trọng nhất của Mỹ nhằm tăng cường kết nối với châu Á về các vấn đề kinh tế sau khi cựu Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào năm 2017.

Mặc dù vậy, vẫn còn ý kiến trái chiều cho rằng thỏa thuận này còn nhiều thiếu sót, như không có ưu đãi cho các đối tác tiềm năng thông qua việc giảm thuế quan hay cung cấp cho các bên ký kết khả năng tiếp cận nhiều hơn vào thị trường Mỹ. Các chuyên gia nhận định IPEF chưa thể thay thế cho TPP.

https://cand.com.vn/the-gioi-24h/my-cong-bo-sang-kien-kinh-te-moi-voi-chau-a-la-trong-tam--i654692/

Duy Tiến / Công an nhân dân