Bê bối buôn lậu cổ vật Ai Cập từ các bảo tàng lớn của Đức và Châu Âu không chỉ khiến giới nghệ thuật choáng váng mà còn gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự thiếu sót trong việc quản lý và bảo vệ di sản văn hóa. Những cổ vật có giá trị hàng triệu USD đã được nhập lậu, xuất khẩu trái phép và bán cho các bảo tàng danh tiếng, bao gồm cả Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York (Mỹ) và Bảo tàng Louvre Abu Dhabi.
Trùm buôn lậu trong vỏ bọc nhà nghiên cứu
Nhân vật trung tâm của vụ việc là Serop Simonian. Sinh năm 1942 tại Cairo (Ai Cập) trong một gia đình gốc Armenia, Simonian lớn lên giữa lòng nền văn minh cổ đại, nơi mà quá khứ được khai quật lên từng lớp một từ cát bụi của lịch sử. Từ môi trường đó, ông ta bước chân vào thế giới buôn bán cổ vật, ban đầu là hợp pháp, sau này là một trong những mạng lưới buôn lậu tinh vi nhất từng bị phát hiện ở châu Âu.
Những năm 1970, Simonian định cư tại Hamburg (Đức) và thành lập phòng trưng bày Dionysos, chuyên kinh doanh cổ vật đến từ Trung Đông, Bắc Phi và vùng Địa Trung Hải. Với danh nghĩa một thương nhân nghệ thuật và nhà nghiên cứu tự phong về khảo cổ Ai Cập, Simonian đã tạo dựng được uy tín với nhiều bảo tàng châu Âu và quốc tế, từ đó bắt đầu xây dựng một mạng lưới quan hệ chặt chẽ với các nhà sưu tập, bảo tàng và học giả.

Tuy nhiên, đằng sau vỏ bọc chuyên môn và sự hợp pháp đó là cả một hệ thống tinh vi nhằm đưa các cổ vật Ai Cập có nguồn gốc bất hợp pháp vào thị trường chính thống. Trong nhiều năm, Simonian bị nghi ngờ đóng vai trò trung gian cung cấp các cổ vật có xuất xứ mờ ám cho những bảo tàng lớn như Bảo tàng Louvre Abu Dhabi, Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan (The Met), Bảo tàng Nghệ thuật Bonn (Đức) và thậm chí cả các nhà đấu giá như Christie’s (Anh).
Theo hồ sơ điều tra hình sự của Pháp, mạng lưới này hoạt động theo mô hình “rửa cổ vật”, tức là các hiện vật khai quật trái phép từ Ai Cập sẽ được vận chuyển lậu sang châu Âu, sau đó được hợp thức hóa thông qua các bảo tàng và nhà đấu giá, nhờ vào những giấy tờ giả mạo do chính Simonian và các cộng sự soạn thảo.
Nhiều cổ vật như: tượng đồng, mặt nạ tang lễ, bảng khắc chữ tượng hình đã được "rửa sạch" qua các quy trình này với sự hỗ trợ từ các công ty bình phong ở Đức, Áo và bị đưa ra khỏi kinh thành cổ Thebes, vượt Địa Trung Hải, để rồi nằm sau lớp kính an toàn tại các phòng trưng bày ở châu Âu. Đến nay, tổng giá trị giao dịch mà mạng lưới của Simonian thực hiện được cho là vượt quá 60 triệu euro.
Hoạt động “tẩy trắng” tại các bảo tàng
Các điều tra viên khẳng định, phần cốt lõi trong hệ thống của Simonian là việc tạo ra các giấy tờ giả mạo nguồn gốc những tài liệu chứng minh một cổ vật đã được mua bán hợp pháp từ trước năm 1970, mốc thời gian được UNESCO quy định là giới hạn cho việc bảo hộ di sản văn hóa. Kết quả điều tra của phóng viên tờ Libération cho thấy, Simonian và em trai là Hagop Simonian đã sử dụng hàng chục tên giả và tạo ra những bộ hồ sơ khống, thường dẫn nguồn gốc cổ vật đến các bộ sưu tập tư nhân không thể kiểm chứng, hoặc đến các bảo tàng Đức đồng lõa trong việc lưu giữ các hiện vật “xám” này.
Ví dụ điển hình là chiếc quan tài dát vàng của Nedjemankh, một thầy tế của thần cừu Heryshaf từ cuối thời kỳ Ptolemaic đã được bán cho The Met với giá 4 triệu USD vào năm 2017. Hiện vật này được cho là có giấy tờ xuất xứ hợp lệ (từng nằm trong một bộ sưu tập châu Âu từ những năm 1960) nhưng thực chất đã bị đánh cắp khỏi Ai Cập vào năm 2011 giữa làn sóng bất ổn chính trị của mùa xuân Arab. Sau khi bị phát hiện, theo quyết định của Văn phòng công tố quận Manhattan (Mỹ), quan tài này đã được hoàn trả cho chính phủ Ai Cập hồi tháng 9/2019 còn The Met bị buộc phải đánh giá lại toàn bộ quy trình thẩm định cổ vật của mình.

Một trong những phát hiện gây sốc nhất từ cuộc điều tra là việc một số bảo tàng Đức đã bị Simonian lợi dụng, hoặc thậm chí tự nguyện tham gia vào việc lưu trữ các hiện vật chưa được hợp pháp hóa. Báo cáo của Artnet News cho hay, Simonian đã ký kết những thỏa thuận ngầm với các đơn vị của Đức như: Bảo tàng Roemer-Pelizaeus ở Hildesheim, Viện Khảo cổ Đại học Bonn và Đại học Trier… để họ giữ cổ vật trong kho hàng chục năm mà không công bố công khai. Đổi lại, những đơn vị này được quyền trưng bày một số hiện vật trong triển lãm và hợp thức hóa việc sở hữu thông qua thời gian "lưu kho" - một hình thức hợp thức hóa tương tự như “tẩy trắng” tài sản bất hợp pháp.
Theo các điều tra viên, Bảo tàng Roemer-Pelizaeus là một trong những tổ chức lớn nhất tại Đức, chịu trách nhiệm trưng bày nhiều cổ vật Ai Cập và cũng là nơi Simonian đã gửi nhiều cổ vật lạ mắt. Sau khi vụ việc bị phanh phui, Bảo tàng Roemer-Pelizaeus đã bị chỉ trích vì thiếu sự kiểm soát và trách nhiệm trong việc đảm bảo tính hợp pháp của các cổ vật được nhập vào bộ sưu tập; thậm chí bị cáo buộc tự nguyện tham gia vào mạng lưới của Simonian để đánh bóng danh tiếng của mình bằng các cổ vật lậu.
Các chuyên gia đánh giá, hình thức “tẩy trắng” này cho phép Simonian nâng cao giá trị cổ vật trên thị trường quốc tế và bán lại cho các bảo tàng lớn với mức giá cao ngất ngưởng. Đó là cách mà những món đồ trị giá hàng trăm nghìn USD khi vừa được khai quật lậu đã trở thành món đầu tư trị giá hàng triệu USD vài năm sau đó.

Và cuộc điều tra xuyên biên giới
Sự phức tạp và quy mô quốc tế của mạng lưới buôn lậu cổ vật do Simonian điều hành buộc các cơ quan thực thi pháp luật các nước không thể đơn độc hành động. Từ năm 2019, vụ việc đã được chuyển giao cho Europol và Interpol, hai tổ chức cảnh sát quốc tế đóng vai trò then chốt trong điều phối thông tin tình báo và triển khai các chiến dịch truy quét xuyên biên giới. Interpol đã nhanh chóng đưa tên Simonian vào danh sách truy nã quốc tế. Qua hệ thống dữ liệu của mình, Interpol đã cảnh báo cho 195 quốc gia thành viên, giúp theo dõi các di chuyển và giao dịch liên quan đến Simonian, bao gồm cả các cổ vật nghi ngờ đã bị buôn lậu và đưa vào các thị trường hợp pháp.
Trong khi đó, Europol đã thiết lập một tổ công tác đặc biệt chuyên điều tra tội phạm di sản văn hóa, hợp tác chặt chẽ với cảnh sát các nước Pháp, Đức, Thụy Sĩ và Ai Cập. Tổ công tác này đã sử dụng các công nghệ truy vết kỹ thuật số tiên tiến để lần theo các hóa đơn giả mạo, chứng từ mua bán và quá trình “tẩy trắng” cổ vật thông qua các bảo tàng cùng nhà đấu giá. Kết quả là năm 2021, Europol phối hợp với cảnh sát Pháp và Ai Cập đã phát hiện một kho cổ vật trị giá hơn 11 triệu euro được cất giấu trong các kho lưu trữ tư nhân tại Marseille (Pháp), phần lớn có liên quan đến mạng lưới của Simonian.
Các nhà điều tra nhận thấy nhiều cổ vật trong số đó từng “đi ngang qua” các viện khảo cổ và bảo tàng ở Đức - dấu hiệu cho thấy có sự cấu kết nhằm tạo ra giấy tờ chứng minh “lịch sử sở hữu hợp pháp”. Europol cũng đóng vai trò chủ chốt trong việc phân tích chuỗi cung ứng cổ vật, từ lúc bị khai quật trái phép ở Ai Cập, vận chuyển qua đường hàng không/biển tới các điểm trung chuyển như Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), Geneva (Thụy Sĩ) hoặc Hamburg (Đức), trước khi được “tẩy trắng” thông qua các nhà buôn hợp pháp hoặc trưng bày tại bảo tàng.

Một báo cáo nội bộ của Europol năm 2023 đã mô tả mạng lưới của Simonian là “một trong những cấu trúc buôn lậu di sản văn hóa phức tạp và tinh vi nhất từng bị phát hiện ở châu Âu trong hai thập kỷ qua”. Đáng chú ý, Europol cũng hỗ trợ Pháp trong quá trình theo dõi Simonian sau khi được tạm tha về Hamburg. Theo nguồn tin từ Libération, hệ thống theo dõi điện tử và báo cáo định kỳ của Simonian được xây dựng với sự cố vấn của Europol, nhưng sau khi quyết định tạm tha bị tòa phúc thẩm bác bỏ, Simonian đã không trở lại nhà tù Paris như lệnh triệu tập, đặt ra câu hỏi lớn về hiệu quả giám sát xuyên biên giới.
Hiện tại, Interpol vẫn duy trì lệnh truy nã đối với Simonian nếu ông ta rời khỏi Đức; còn phía Europol đang tăng cường áp lực yêu cầu các nước thành viên rà soát toàn bộ kho cổ vật để xác định các hiện vật có liên quan đến mạng lưới buôn lậu này.
Đáng chú ý, cuộc điều tra cũng kéo theo hàng loạt nhân vật tiếng tăm trong giới bảo tàng và nghệ thuật như Jean-Luc Martinez, cựu Giám đốc Bảo tàng Louvre… bị truy tố vì "đồng lõa trong việc che giấu nguồn gốc cổ vật". Một số quản lý cấp cao của Louvre Abu Dhabi bị điều tra nội bộ. Ở Hà Lan, một viện bảo tàng tư nhân bị nghi đã mua 11 hiện vật từ mạng lưới Simonian và đang làm việc với cơ quan tư pháp để xác minh lại hồ sơ gốc. Tại Pháp, Bảo tàng Musée du Quai Branly cũng phải tạm dừng một số buổi triển lãm để kiểm tra nguồn gốc hiện vật… Tờ Libération đã gọi đây là "một cú sốc đạo đức cho thế giới bảo tàng", nơi niềm tin vào sự liêm chính và học thuật đang bị tổn thương nghiêm trọng.
Vụ việc cũng khiến Hội đồng Bảo tàng quốc tế (ICOM) phát hành một báo cáo khẩn, kêu gọi các tổ chức thành viên rà soát toàn bộ hồ sơ mua bán cổ vật trong hai thập niên qua. Tại Đức, nhiều tiếng nói học giả cho rằng nhà nước cần tăng cường quản lý các bộ sưu tập tư nhân, vốn từ lâu được xem là vùng xám của thị trường nghệ thuật. Còn ở Pháp, Viện Khảo cổ quốc gia đề xuất thành lập một cơ quan độc lập chuyên kiểm tra nguồn gốc di sản văn hóa trước khi cho phép trưng bày hoặc chuyển nhượng.
Đầu năm 2025, Ủy ban Châu Âu cũng đã công bố khung chính sách mới về quản lý cổ vật, bao gồm: Minh bạch hóa hồ sơ nguồn gốc; cơ sở dữ liệu chung toàn EU kết nối dữ liệu cổ vật với Interpol, các cơ quan văn hóa và chính phủ quốc tế; chế tài mạnh tay với việc các tổ chức vi phạm quy định có thể bị phạt đến hàng triệu euro và cấm hoạt động trong lĩnh vực bảo tàng; ứng dụng blockchain với nền tảng mới gọi là "Heritage Trace" được xây dựng để theo dõi, ghi nhận mọi giao dịch và di chuyển cổ vật. Trong khi đó, Ai Cập tăng cường giám sát biên giới, đào tạo cán bộ hải quan và hợp tác với châu Âu để hồi hương cổ vật một cách có hệ thống.