Từ sáng sớm, hàng dài người dân đã xếp hàng trước cổng Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam để mua vé vào tham quan, trong ngày đầu nơi đây áp dụng thu phí vào cửa.

Sau thời gian mở cửa miễn phí cho người dân và du khách, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) bắt đầu áp dụng thu vé vào cửa từ sáng nay (12/4), với mức giá 40.000 đồng/người/lượt.

Ghi nhận của PV Báo Điện tử VTC News, từ 8h cùng ngày, dòng người bắt đầu nối dài trước cổng Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (Km6+500 Đại lộ Thăng Long, Nam Từ Liêm).



Nhiều người dân, học sinh và du khách nước ngoài kiên nhẫn chờ đợi trong tiết trời nắng nhẹ của đầu tháng tư.

“Chúng em thường đi theo đoàn, trước kia miễn phí thì dễ đi hơn. Nhưng nếu được giảm nửa giá như hiện nay thì vẫn rất ổn, nhất là khi bảo tàng đầu tư thêm công nghệ trình chiếu, thuyết minh hiện đại”, bạn Ngọc Anh (Hà Nội) chia sẻ.

Khu vực bán vé hoạt động liên tục, nhân viên túc trực để hướng dẫn khách. Theo quy định, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam bắt đầu áp dụng thu vé vào cửa với mức giá 40.000 đồng/người/lượt.


Người dưới 16 tuổi, người từ 80 tuổi trở lên, người có công, thương binh, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các Anh hùng LLVTND và Anh hùng Lao động được miễn phí vé tham quan bảo tàng. Người khuyết tật nặng, người cao tuổi (từ 60 tuổi, có giấy tờ hợp lệ), và học sinh, sinh viên từ 16 tuổi trở lên có thẻ do cơ sở giáo dục cấp sẽ được giảm 50% giá vé.

"Vé 40.000 đồng là hợp lý nếu so với đi xem phim hay đi quán cà phê. Đối với em, bảo tàng không chỉ là nơi để xem, mà còn là nơi để kể câu chuyện và học lịch sử rất bổ ích. Chụp ảnh cũng là một phần trải nghiệm. Em đánh giá cao các khu trưng bày ngoài trời vì tạo bối cảnh rất ấn tượng", bạn Lan Anh (ở Thanh Hoá) chia sẻ.

“Tôi từng đến nhiều bảo tàng quân sự ở Châu Âu, và nơi đây rất đáng chú ý. Tôi thấy quy mô bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam rất ấn tượng, việc trả tiền vé là điều bình thường”, một du khách nước ngoài cho biết.

Lúc 9h, các khu vực trưng bày hiện vật vũ khí, sa bàn chiến dịch Điện Biên Phủ, hai tiêm kích MiG-21 mang số hiệu 4324 và 5121, xe tăng T54B số hiệu 843 và bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh,... luôn trong tình trạng “vòng trong vòng ngoài”.

Một số điểm phải xếp hàng để được chụp ảnh hoặc nghe thuyết minh.

“Chúng em đã học về lịch sử chống Pháp, chống Mỹ trên lớp, nhưng đến tận đây nhìn thấy xe tăng thật, máy bay thật… cảm giác như đang ở trong một cuốn phim.”, bạn Linh (18 tuổi, ở Vĩnh Phúc) chia sẻ.

Các khu tương tác âm thanh, hình ảnh, video tư liệu – nhất là về các trận đánh nổi tiếng và hình ảnh anh hùng lực lượng vũ trang – khiến người trẻ bị cuốn hút và chú ý hơn.


Không chỉ thu hút giới trẻ, trong ngày cuối tuần đầu tiên thu vé, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam còn ghi nhận lượng lớn các gia đình dẫn theo con nhỏ đến tham quan, tìm hiểu lịch sử dân tộc

Đến hơn 10h30 cùng ngày, mặc cho thời tiết tại Hà Nội nắng nóng gay gắt nhưng vẫn có hàng nghìn người dân từ khắp nơi ùn ùn đổ về tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Do lượng du khách đổ về đông khiến khu vực ghi vé xe máy luôn trong tình trạng quá tải, ùn ứ.
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam mở cửa đón người dân, du khách tới tham quan từ ngày 1/11/2024, sau 5 năm khởi công xây dựng. Trong 4 tháng đầu tiên, vé vào cửa được miễn phí toàn bộ.
Bảo tàng đang lưu giữ và trưng bày hơn 150.000 hiện vật, trong đó có 4 bảo vật quốc gia: 2 máy bay MIG-21 (số hiệu 4324, 5121), xe tăng T54B (số hiệu 843) và bản đồ Quyết tâm chiến đấu trong Chiến dịch Hồ Chí Minh.