Lý do Triều Tiên liên tục thử tên lửa?

CHDCND Triều Tiên ngày 28/1 xác nhận hai vụ thử tên lửa mới nhất của nước này đã thành công, đồng thời cảnh báo tăng cường khả năng răn đe hạt nhân và tăng tốc độ phát triển các đầu đạn mạnh hơn.

Như vậy, từ siêu vượt âm đến tên lửa hành trình, Triều Tiên bước vào năm 2022 với loạt thử nghiệm vũ khí dày đặc nhất sau nhiều năm. Một số nhà phân tích cho rằng các cuộc thử nghiệm này là nhằm mục đích chính trị trong nước hơn là ngoại giao.

Khó vượt qua “lằn ranh đỏ”

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) nêu rõ các vụ thử trên do Học viện Khoa học quốc phòng của Triều Tiên tiến hành. Các vụ thử nhằm “hiện đại hóa hệ thống tên lửa hành trình tầm xa cũng như để xác nhận hỏa lực của đầu đạn thông thường sử dụng cho tên lửa dẫn đường chiến thuật đất đối đất, được tiến hành lần lượt vào ngày 25 và 27/1”.

Lý do Triều Tiên liên tục thử tên lửa? -0

Từ đầu năm tới nay, Triều Tiên đã liên tục thực hiện 6 vụ phóng thử tên lửa. Ảnh: KCNA

Theo KCNA, trong vụ thử nhằm hiện đại hóa tên lửa hành trình tầm xa, 2 tên lửa đã bay qua vùng biển miền Đông Triều Tiên và nhằm trúng mục tiêu là hòn đảo cách đó 1.800km. Trong vụ thử xác nhận hỏa lực của đầu đạn thông thường sử dụng cho tên lửa dẫn đường chiến thuật đất đối đất, 2 tên lửa cũng nhằm trúng hòn đảo mục tiêu. KCNA cho biết Học viện Khoa học quốc phòng khẳng định “sẽ tiếp tục phát triển các đầu đạn có uy lực lớn có khả năng thực hiện chức năng và nhiệm vụ chiến đấu”.

Trước đó, ngày 27/1, quân đội Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã phóng vật thể dường như là hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn về vùng biển phía Đông nước này, đánh dấu vụ phóng thứ 6 của Triều Tiên trong tháng này. Vụ phóng mới nhất này diễn ra chỉ 2 ngày sau vụ phóng hai vật thể dường như là tên lửa hành trình. Liên hợp quốc (LHQ) cùng ngày đã bày tỏ quan ngại về các vụ phóng trên, đồng thời kêu gọi Triều Tiên trở lại đàm phán ngoại giao nhằm tiến tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên.

Người phát ngôn của LHQ Stephane Dujarric phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến từ trụ sở LHQ tại New York nêu rõ hàng loạt vụ phóng như vậy khiến LHQ quan ngại sâu sắc. LHQ đề nghị tất cả các bên liên quan nối lại đàm phán để có được kết quả cuối cùng là phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng trên Bán đảo Triều Tiên.

Về phía Hàn Quốc, truyền thông nước này nhận định Triều Tiên đang hiện thực hóa kế hoạch tăng cường sức mạnh quốc phòng bằng cách liên tục phóng thử tên lửa từ đầu năm 2022 đến nay. Nhận định ngày càng được củng cố khi Bình Nhưỡng mới đây ám chỉ khả năng nối lại các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) sau một cuộc họp quan trọng của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương đảng Lao động Triều Tiên hôm 20/1 vừa qua.

Tuy nhiên, trang mạng Pressian dẫn nhận định của giới phân tích Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên khó vượt qua “lằn ranh đỏ” của Mỹ. Nếu Triều Tiên thực hiện các vụ thử hạt nhân hoặc ICBM, nước này sẽ phải hứng chịu những biện pháp trừng phạt quốc tế tiếp theo và nặng nề hơn. Truyền thông Hàn Quốc cũng cho rằng khi diễn ra những sự kiện lớn như phóng thử tên lửa, cuộc họp của đảng Lao động hay các chuyến thăm của Chủ tịch Kim Jong-un, Triều Tiên thường công bố thông tin vào một ngày sau đó.

Cách thức này vẫn được duy trì sau 4 vụ phóng tên lửa đạn đạo từ ngày 5-17/1, nhưng chỉ có vụ thử hôm 25/1 bị bỏ qua. Theo đó, Bình Nhưỡng có thể muốn bình thường hóa các vụ thử tên lửa hành trình và sự kiện vừa qua có thể xem là một phần của cuộc tập trận mùa Đông. Tuy vậy, một khả năng khác cũng được đưa ra là vụ phóng thử tên lửa hành trình mới đã thất bại.

Và nhận định của các chuyên gia

Trong khi đó, một số nhà phân tích cho biết Triều Tiên đã thực hiện 6 vụ thử tên lửa trong 3 tuần qua là nhằm sự thể sức mạnh quân sự của nước này với vũ khí hạt nhân trước những ngày kỷ niệm quan trọng. Ông Ahn Chan-il, Chủ tịch Viện Nghiên cứu thế giới về Triều Tiên, nhận định: “Việc phát triển vũ khí và tên lửa có lẽ là điều Triều Tiên có thể tự tin thể hiện như một thành tựu”.

Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Bình Nhưỡng chuẩn bị kỷ niệm 80 năm ngày sinh của cố lãnh đạo Kim Jong Il vào tháng 2, cũng như sinh nhật lần thứ 110 của nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành vào tháng 4 tới. Chia sẻ quan điểm này, chuyên gia Seong-chang thuộc Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên tại Viện Sejong thì nói rằng, theo hệ thống chính trị của Triều Tiên, việc kỷ niệm ngày sinh của các lãnh tụ rất quan trọng về mặt chính trị.

“Đối với những ngày kỷ niệm quan trọng như vậy, Triều Tiên thích tổ chức một cuộc duyệt binh để phô diễn vũ khí mới. Quốc gia này thường thử nghiệm các loại vũ khí mới trước khi đưa ra công khai, điều này chứng tỏ năng lực của đất nước”, ông Seong-chang nói.

Bình Nhưỡng đã không thử ICBM hoặc bom hạt nhân kể từ năm 2017, tạm dừng các vụ phóng khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un bắt tay vào ngoại giao cấp cao thông qua ba cuộc gặp với Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là ông Donald Trump và các nhà lãnh đạo hàng đầu khác. Nhưng tuần trước, nước này cho biết sẽ xem xét việc khởi động lại tất cả các hoạt động tạm thời bị đình chỉ, để đáp lại điều mà Bình Nhưỡng gọi là “hành động khiêu khích” khi Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt mới.

Lần gần nhất Triều Tiên thử nghiệm nhiều loại vũ khí này trong một tháng là vào năm 2019, sau khi các cuộc đàm phán cấp cao giữa ông Kim Jong-un và ông Donald Trump sụp đổ. Với thông tin về giá lương thực tăng vọt và nạn đói leo thang, Bình Nhưỡng đang gặp khó khăn về kinh tế và đầu tháng này đã tái khởi động thương mại xuyên biên giới với nước láng giềng Trung Quốc.

Quyết định gần đây của Bình Nhưỡng chấp nhận viện trợ của Trung Quốc - lần đầu tiên kể từ khi đại dịch bùng phát - có thể đã thúc đẩy việc phô diễn sức mạnh của quân đội, giáo sư Leif-Eric Easley tớii từ Đại học Ewha ở Seoul nhận định.

Với việc Bắc Kinh sẽ tổ chức Thế vận hội mùa Đông vào đầu tháng 2, Triều Tiên ít có cơ hội thể hiện sức mạnh trước cuộc bầu cử sắp tới của Hàn Quốc. Chuyên gia Leif-Eric Easley lưu ý “Triều Tiên thử tên lửa để cải thiện khả năng quân sự và gửi tín hiệu trước cuộc bầu cử tổng thống của Hàn Quốc vào ngày 9/3 và Thế vận hội Bắc Kinh vào ngày 4/2”, và nhấn mạnh rằng không có khả năng chuỗi các vụ phóng gần đây trực tiếp nhằm mục đích khiến chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden quay lại các cuộc đàm phán.

Khổng Hà

/ cand.com.vn