Loạt giải pháp nâng chất lượng xe buýt Thủ đô

Sở GTVT Hà Nội sẽ rà soát, đánh giá tổng thể mạng lưới buýt trên địa bàn và đưa ra nhiều giải pháp nhằm từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút người dân đi xe buýt.

Sẽ thống nhất hình ảnh màu sơn cho xe buýt

Theo ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, hiện trong số 11 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xe buýt trên địa bàn thành phố, mới chỉ có duy nhất xe buýt điện có mẫu mã hình dáng đồng bộ, thống nhất, dễ nhận diện. Vì thế, thành phố sẽ có quy định, lộ trình cụ thể giải quyết về vấn đề này.

Loạt giải pháp nâng chất lượng xe buýt Thủ đô- Ảnh 1.

Tới đây, Hà Nội sẽ thống nhất bộ nhận diện thương hiệu, hình ảnh màu sơn cho phương tiện xe buýt.

Cụ thể, tới đây sẽ thống nhất bộ nhận diện thương hiệu, hình ảnh màu sơn cho phương tiện xe buýt tại Thủ đô, thông qua việc xây dựng logo biểu trưng, thiết kế màu sắc cho xe buýt theo tuyến trục chính, tuyến gom, theo đặc trưng chuyến đi như tuyến nội thành, tuyến ngoại thành, kết nối, tuyến sân bay; tuyến sử dụng nhiên liệu sạch (CNG, LNG, điện)...

Một vấn đề nữa là hiện nay, theo chính sách ưu đãi của thành phố, có một khối lượng lớn người dân được hưởng chính sách miễn phí tham gia dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt (đến tháng 9/2023 đã cấp 603.624 thẻ miễn phí và số liệu này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới).

Xe buýt đã và sẽ vẫn là một trong những loại hình phương tiện quan trọng của Thủ đô. Cần thiết phải có một định hướng tổng thể, toàn diện với những bước đi, lộ trình cụ thể để tiếp tục nâng chất lượng xe buýt, thu hút người càng nhiều người dân sử dụng.

Ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội

Tuy nhiên, số liệu sản lượng, doanh thu của hành khách sử dụng thẻ vé xe buýt miễn phí chưa được ghi nhận, dẫn đến chưa đảm bảo tính đúng, tính đủ kết quả, hiệu quả hoạt động của cả mạng lưới cũng như của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.

Hơn nữa, theo ông Thường, thời gian tới thành phố áp dụng chính sách miễn phí xe buýt vào các ngày lễ, Tết cũng cần ghi nhận sản lượng/doanh thu cho các tuyến trong những ngày miễn phí này. Hiện, Sở GTVT đang tổ chức khảo sát, đánh giá, xác định tỷ lệ, hệ số sử dụng thực tế vé miễn phí để làm cơ sở đề xuất phương án xử lý.

Ngoài ra, hạ tầng xe buýt hiện nay chưa được đầu tư đồng bộ, các hạng mục hạ tầng cơ bản (điểm trung chuyển, điểm đầu cuối, nhà chờ, làn đường ưu tiên) còn thiếu và chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của mạng lưới.

Quỹ đất dành cho cơ sở hạ tầng xe buýt còn thiếu và không đảm bảo điều kiện khai thác. Do đó việc phát triển các hạ tầng tiêu chuẩn như điểm đầu cuối, điểm trung chuyển, làn đường dành riêng gặp rất nhiều khó khăn (hiện toàn mạng lưới chỉ có 12,9km đường dành riêng và 5 điểm trung chuyển).

Số điểm dừng có nhà chờ còn ít (hiện chỉ có 350/4.405 điểm dừng có nhà chờ, chiếm 7,9%), một số nhà chờ đã bị xuống cấp và thường xuyên bị chiếm dụng.

Cũng theo ông Thường, tốc độ di chuyển của xe buýt là yếu tố có tính quyết định đến sự thu hút người dân tham gia. Tuy nhiên, thực tế hiện nay tốc độ khai thác bình quân chỉ khoảng 22,1km/h, riêng với khu vực nội thành chỉ là 16,6km/h (ngoại thành là 26,8km/h).

Rà soát, dừng các tuyến không hiệu quả

Nhìn nhận tổng thể về mạng lưới xe buýt trên địa bàn, Sở GTVT Hà Nội cho biết, đang rà soát toàn bộ mạng lưới để có giải pháp tốt nhất nâng cao chất lượng dịch vụ.

Theo đó, Sở này sẽ đánh giá sự phù hợp của mạng lưới tuyến để giảm chồng chéo, trùng lặp của mạng lưới tuyến. Nâng cao hiệu quả hoạt động của tuyến, giảm tỷ lệ trợ giá/chi phí, giảm kinh phí trợ giá xe buýt. Đảm bảo tính ổn định, để người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ và hạn chế việc xáo trộn đi lại.

Cùng đó, có lộ trình điều chỉnh phù hợp, giảm thiểu tối đa các tác động, ảnh hưởng đối với hợp đồng đã ký với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hài hòa lợi ích của Nhà nước và doanh nghiệp.

Qua thực tiễn và kế thừa kinh nghiệm, bài học từ quốc tế, Sở GTVT Hà Nội đã đưa ra các nhóm chỉ tiêu để đánh giá mạng lưới tuyến xe buýt. Từ các chỉ tiêu này sẽ đề xuất phương án xử lý đối với các tuyến như: Điều chỉnh lộ trình tuyến; Điều chỉnh tần suất dịch vụ; Điều chỉnh sức chứa phương tiện; Kết hợp các phương án nêu trên; Dừng hoạt động tuyến không hiệu quả...

Theo ông Thường, bên cạnh việc điều chỉnh mạng lưới buýt hiện nay, Sở GTVT và đơn vị tư vấn đang khẩn trương đưa ra kế hoạch phát triển mạng lưới trong thời gian tới, theo một số nguyên tắc như: Đảm bảo mạng lưới buýt có vai trò kết nổi thu gom hành hành khách cho các tuyến đường sắt đô thị; phát triển theo lộ trình, giai đoạn cụ thể kết hợp với việc chuyển đổi phương tiện năng lượng xanh; Định hướng quy hoạch phục vụ cho các khu vực đô thị mới... 

https://www.baogiaothong.vn/loat-giai-phap-nang-chat-luong-xe-buyt-thu-do-192240116004326903.htm

Lê Tươi / Giao thông