- Cần làm rõ cơ sở tăng phí 4 tuyến cao tốc trọng điểm
- Thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư: Cần cơ chế kiểm soát chặt chẽ
- Sẽ báo cáo Chính phủ phương án thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư
- Vì sao nên thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư?
Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vừa kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận chủ trương điều chỉnh mức giá dịch vụ sử dụng đường bộ trên các tuyến cao tốc do đơn vị quản lý, khai thác.
Theo Tổng Giám đốc VEC Phạm Hồng Quang, hiện VEC đang là chủ đầu tư 5 dự án đường cao tốc: Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và Bến Lức - Long Thành. Trong đó, 4 dự án đường cao tốc đã đưa vào khai thác với thời gian từ 10-12 năm. Riêng dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành đang triển khai xây dựng.
Về tình hình thực hiện giá dịch vụ sử dụng trên 4 tuyến đường cao tốc đang khai thác, mức giá hiện tại của cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và Đà Nẵng - Quảng Ngãi là 1.500 đồng/km/xe tiêu chuẩn (PCU); cao tốc Nội Bài - Lào Cai là 1.500 đồng/km/PCU cho đoạn 4 làn xe (Km0-Km123) và 1.000 đồng/km/PCU đối với đoạn 2 làn xe (Km123-Km245). Riêng cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây mức giá hiện là 2.000 đồng/km/PCU.
Theo phương án tài chính đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt từ năm 2016, các tuyến đường cao tốc do VEC quản lý khai thác sẽ tăng mức thu theo lộ trình 3 năm/lần, mỗi lần tăng 15%. Tuy nhiên, tính đến hết năm 2023, VEC chưa thực hiện tăng mức giá dịch vụ sử dụng đường cao tốc do VEC làm chủ đầu tư.
“Theo kế hoạch trả nợ các dự án từ năm 2024, chi phí trả nợ của VEC sẽ tăng liên tục, các dự án sau thời gian đưa vào khai thác đã đến thời hạn phải sửa chữa, trùng tu, đại tu. Do đó, việc tiếp tục giữ chính sách nêu trên không phù hợp với phương án tài chính được duyệt. Ngoài ra, trong 2 năm 2020-2021, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến kết quả khai thác các dự án. Lưu lượng sụt giảm đã ảnh hưởng đến doanh thu và dòng tiền hòa chung 5 dự án do VEC làm chủ đầu tư trong phương án tài chính” - ông Phạm Hồng Quang cho biết.
Trên cơ sở cập nhật các thông số đầu vào, các chỉ tiêu lãi suất, lạm phát, tỷ giá, chi phí vận hành bảo trì… của cả 5 dự án tính đến thời điểm hiện tại và phù hợp với các quy định của pháp luật, VEC đã xây dựng 3 kịch bản tăng phí.
Cụ thể, kịch bản 1: VEC tăng giá dịch vụ sử dụng đường bộ cao tốc từ năm 2024 với lộ trình tăng phí 3 năm/lần, mỗi lần 12%. Tổng doanh thu thu phí 5 dự án giai đoạn 2024-2030 (bao gồm VAT) đạt 50.798 tỷ đồng. Lũy kế dòng tiền hòa chung 5 dự án luôn dương, VEC bảo đảm khả năng trả nợ, có đủ nguồn lực đầu tư đưa dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành vào khai thác đúng tiến độ.
Kịch bản 2: VEC tăng giá dịch vụ sử dụng đường cao tốc từ năm 2025 với lộ trình tăng phí 3 năm/lần, tỷ lệ tăng 12%. Khi đó, tổng doanh thu thu phí 5 dự án giai đoạn 2024-2030 đạt 48.428 tỷ đồng (bao gồm VAT), giảm 2.371 tỷ đồng so với kịch bản 1. Lũy kế dòng tiền hòa chung 5 dự án thiếu hụt giai đoạn 2026-2034, với mức thiếu hụt lớn nhất 1.261 tỷ đồng vào năm 2033, phương án tài chính bị phá vỡ.
Kịch bản 3: VEC tăng giá dịch vụ sử dụng đường bộ cao tốc từ năm 2027 với lộ trình tăng phí 3 năm/lần, tỷ lệ tăng 12%. Khi đó, tổng doanh thu thu phí 5 dự án giai đoạn 2024-2030 đạt 46.750 tỷ đồng (bao gồm VAT), giảm 4.048 tỷ đồng so với kịch bản 1, với mức thiếu hụt lớn nhất 2.301 tỷ đồng vào năm 2034, phương án tài chính 5 dự án bị phá vỡ.
“Như vậy, để có đủ nguồn lực đầu tư, đưa dự án xây dựng cao tốc Bến Lức - Long Thành vào khai thác đúng tiến độ, bảo đảm khả năng trả nợ của VEC với các nhà tài trợ, thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, hài hòa lợi ích giữa nhà nước và doanh nghiệp…, không phá vỡ phương án tài chính 5 dự án, việc điều chỉnh tăng giá sử dụng dịch vụ đường cao tốc vào năm 2024 là điều kiện vô cùng quan trọng và cấp bách.
Trên cơ sở đó, VEC kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận phương án tăng giá dịch vụ sử dụng đường cao tốc các dự án do VEC làm chủ đầu tư với thời gian thực hiện điều chỉnh từ tháng 1-2024” - Tổng Giám đốc VEC Phạm Hồng Quang kiến nghị.