Liên Xô suýt gia nhập NATO như thế nào?

Vào năm 1954, Liên bang Xô Viết đã làm đơn xin gia nhập Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO). Nguyên nhân nào khiến Liên Xô làm như vậy?

Suốt từ giữa thế kỷ trước cho đến năm 1991, Tổ chức Hiệp ước Warszawa do Liên Xô đứng đầu là đối thủ tiềm năng chính của Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), vừa kỷ niệm 70 năm thành lập vào ngày 04/04 vừa qua. Tuy nhiên, ít ai ngờ được rằng, đã từng có thời điểm mà hai đối thủ này có thể liên kết lại với nhau trong một tổ chức.

Tròn 65 năm trước, vào ngày 7 tháng 5 năm 1954, Moscow chính thức đề nghị kết nạp Liên Xô vào NATO. Tuy nhiên, sáng kiến ​​này đã bị phản bác. Hãng thông tấn Nga Sputnik đã có bài viết giới thiệu vì sao mà Chính phủ Liên Xô thực hiện động thái chưa từng có như vậy.

Liên Xô ngỏ lời, NATO thẳng thừng bác bỏ

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương thành lập tháng 4 năm 1949 với 12 nước như là một “phương tiện tự vệ tập thể” chống lại “kẻ xâm lược tiềm năng mà hàng đầu là Liên Xô”.

Vào thời điểm đó, giới lãnh đạo Liên bang Xô viết đã cố gắng ngăn ngừa đà bành trướng của Liên minh này; ví dụ như Liên Xô đã sử dụng phương pháp kinh tế và ngoại giao để thuyết phục được Thụy Điển, Na Uy và Phần Lan không tham gia NATO.

Khi đó, Liên Xô là đất nước duy nhất của liên minh chống Hitler đứng ngoài NATO. Moscow không coi NATO là một liên minh phòng thủ, mà trái lại, là một liên minh hiếu chiến và đưa ra tuyên bố kiên quyết là khối này chỉ có thể được coi là phòng thủ nếu đưa Liên Xô vào hàng ngũ liên minh. Tháng 3 năm 1954, điện Kremlin gửi đơn chính thức để gia nhập liên minh.

Văn kiện của Liên Xô nêu rõ: Trong trường hợp kết nạp Liên Xô, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương sẽ không còn là hiệp hội quân sự đóng kín. Tổ chức sẽ mở cửa dành cho các nước châu Âu khác, cùng với việc tạo lập hệ thống an ninh tập thể hiệu quả ở châu Âu, làm cho liên minh trở thành công cụ quan trọng để củng cố hòa bình trên toàn thế giới.

Chính phủ Liên Xô nhấn mạnh rằng, chỉ có trong điều kiện này mới có thể đạt được giải pháp cho các câu hỏi nảy sinh, làm thỏa mãn tất cả các nước quan tâm và giúp thiết lập nền hòa bình bền vững trên thế giới và đảm bảo mức độ an ninh cao cho toàn thể các dân tộc.

lien xo suyt gia nhap nato nhu the nao

Thật khó tin là Liên Xô thực sự muốn gia nhập NATO

Một tháng rưỡi sau, vào ngày 7 tháng 5 năm 1954, NATO công bố lời từ chối chính thức với cách diễn đạt như sau: “Các thành viên của tổ chức đã liên kết phương tiện phòng thủ để bảo đảm an ninh chung đã đạt được ở châu Âu kể từ năm 1945, họ không thể cung cấp đảm bảo riêng lẻ trước ưu thế vượt trội về quân sự của Liên Xô, hiện đang mở rộng hệ thống chính trị, kinh tế và quân sự theo hướng bành trướng sang phía Tây. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương mang tính chất thuần túy phòng thủ”.

Giới quan chức NATO nhấn mạnh rằng, các nước trong khối trao đổi thông tin một cách tự do và đầy đủ, mọi quyết định đều được nhất trí thông qua. Nếu tiếp nhận yêu cầu của Moscow, thì Liên Xô với tư cách thành viên Liên minh sẽ có thể phủ quyết mọi quyết định của khối này, tức là gây nguy hại cho hệ thống phòng thủ chung của NATO.

Nước cờ ngoại giao lật mặt NATO

Theo lời ông Fedor Lukyanov - Tổng biên tập tạp chí “Nước Nga trong nền chính trị toàn cầu”, ban lãnh đạo Liên Xô hiểu rõ rằng, lá đơn của Kremlin chắc chắn sẽ bị từ chối.

Vị chuyên gia này giải thích trong cuộc phỏng vấn của Sputnik rằng, thật ra đó là một bước đi tuyên truyền của Liên Xô: “Đấy, chúng tôi đã thể hiện thiện chí và các vị đã gạt bỏ”.

Thực sự là rất khó hình dung rằng có ai đó trong ban lãnh đạo Xô-viết nghiêm túc muốn Liên Xô gia nhập NATO, là tổ chức xây dựng theo nguyên tắc khác biệt nhất định. Tuy nhiên Moscow muốn chứng tỏ rằng không phải Liên Xô ủng hộ phân chia thế giới, mà chúng tôi sẵn sàng liên kết, mặc dù vào năm 1954, mọi thứ đã rõ ràng - đó là thời kỳ bắt đầu đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh, kết thúc từ cuộc chiến Triều Tiên.

Sử gia quân sự Evgeny Norin cũng chia sẻ quan điểm tương tự. Theo ông, chẳng ai muốn gia nhập NATO một cách nghiêm túc. Ý tưởng của lá đơn xin gia nhập NATO là ở chỗ, nó gây khó cho nhà tổ chức khối Bắc Đại Tây Dương, vốn luôn nhấn mạnh cái gọi là tính chất phòng thủ và làm như khối này không có hướng chống Liên Xô cũng như các nước Xã hội Chủ nghĩa.

Còn trong trường hợp hy hữu, nếu đơn đăng ký tư cách thành viên được chấp thuận, Liên Xô sẽ gia nhập Liên minh quân sự hùng mạnh nhất thế giới và sẽ có cơ hội phát huy ảnh hưởng từ bên trong khối này”.

lien xo suyt gia nhap nato nhu the nao Liên Xô từng có ý định gia nhập NATO như thế nào?

Liên Xô coi việc gia nhập NATO là một trong những giải pháp chấm dứt Chiến tranh Lạnh, những người kế nhiệm Stalin thậm chí ...

/ http://baodatviet.vn