- Hàng loạt vụ học sinh ngộ độc thực phẩm: Cần xử lý nghiêm hàng quán bủa vây trường học
- Thời tiết nóng nực, làm gì để tránh ngộ độc thực phẩm?
- Cảnh báo từ các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể
Vụ ngộ độc bánh mì ở TP Long Khánh, Đồng Nai khiến 568 người phải nhập viện chưa lắng xuống thì tại TP Hồ Chí Minh tiếp tục có thêm nhiều sinh viên nghi ngộ độc thực phẩm. Bên cạnh đó, hơn 10 người nghi ngộ độc thực phẩm sau khi ăn cỗ ở Thái Bình có món tiết canh dê đã gióng lên hồi chuông báo động về an toàn thực phẩm (ATTP).
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 4 tháng đầu năm 2024, cả nước xảy ra 24 vụ ngộ độc thực phẩm với 835 người bị ngộ độc, trong đó có 3 người tử vong.
Không có vi khuẩn gây bệnh liên cầu lợn trong tiết canh dê
Vào ngày 1/5 vừa qua, gia đình ông N.V.H (phường Hoàng Diệu, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình) tổ chức 20 mâm cỗ cho khoảng 120 người (chủ yếu là người thân đến giúp bắc rạp đám cưới. Trong bữa cỗ, ngoài các món ăn thông thường còn có bát ôtô tiết canh dê (dê giết mổ tại Ninh Bình và vận chuyển tiết, thịt về Thái Bình). Sau bữa cỗ, chiều 4/5, ông P.T.T (phường Hoàng Diệu, có ăn tiết canh dê) xuất hiện triệu chứng sốt nhẹ, ho, khó thở, đau tức hai bên sườn phải nên đã được đưa đến khám, nhập Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình. Đến 20h cùng ngày, ông T diễn biến nặng nên được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu. Khoảng 4h ngày 5/5, ông T tử vong.
Nghe tin ông T tử vong, nhiều người trong bữa cỗ có ăn tiết canh dê hoang mang, lo lắng, cho rằng có khả năng trong tiết canh dê có vi khuẩn liên cầu lợn nên vội vã đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình thăm khám. Trong số đó, 8 người có triệu chứng sốt, rối loạn tiêu hoá, đau bụng, đều ăn tiết canh dê vào bữa trưa 1/5 có nguyện vọng được lên Bệnh viện Bạch Mai khám.
Trao đổi với phóng viên Báo CAND, PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, có 8 bệnh nhân là họ hàng trong gia đình được chuyển lên từ Bệnh viện Đa khoa Thái Bình tối 5/5. Sau 2 ngày điều trị, sức khoẻ của các bệnh nhân đã ổn định và được ra viện vào chiều 7/5. Kết quả xét nghiệm đều âm tính với vi khuẩn gây bệnh liên cầu lợn.
Được biết, trường hợp tử vong là ông P.T.T có nhiều bệnh nền. Trước khi ăn tiết canh 10 ngày, ông T đã bị ho, đau mạng sườn, gia đình đưa đi khám và chỉ chụp X quang xương sườn, nhưng không làm sao. 5 ngày sau, vết xước ở ngón chân ông mưng mủ, nhưng không đi khám. Trưa 4/5 ông T bị sốt cao, bác sĩ nghi nhiễm trùng máu cho nhập viện, sau đó chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai nhưng không qua khỏi với chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi nặng, biến chứng sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, ngừng tuần hoàn, gout.
BS Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, thực tế lâm sàng, đã có không ít bệnh nhân nhập viện vì liên cầu lợn dù trước đó ăn tiết canh dê, hay tiết canh ngan, vịt. Bản thân dê không có vi khuẩn liên cầu lợn, tuy nhiên, khi chế biến tiết canh dê, nhất là cho các bữa cỗ đông người, tiết và nhân dê thường được pha thêm tiết lợn và sụn, thịt lợn. Nếu các thành phần từ lợn có chứa liên cầu khuẩn lợn sẽ lây nhiễm vào món ăn.
Trong vụ việc tại Thái Bình, nhân món tiết canh dê có tai, gan, cuống họng lợn. Bên cạnh liên cầu lợn, vì là món ăn chưa nấu chín nên những người ăn tiết canh dê vẫn có nguy cơ nhiễm các loại vi khuẩn và ký sinh trùng khác. Đặc biệt là quá trình cắt tiết, chế biến thức ăn không đảm bảo vệ sinh dễ dẫn đến vi khuẩn trên da, lông động vật dễ dàng xâm nhập vào máu. Các loại giun sán có trong tiết canh khi đi vào cơ thể có thể gây ra nhiều vấn đề sức khoẻ, như gây áp xe gan…
“Thủ phạm” nào hay gây ra các vụ ngộ độc tập thể?
Trong tháng 4/2025 cả nước xảy ra 8 vụ ngộ độc thực phẩm với 267 người bị ngộ độc. Vào đầu tháng 5, lại tiếp tục xảy ra nhiều vụ ngộ độc tập thể, đáng chú ý là vụ ngộ độc khiến 568 người phải nhập viện ở Đồng Nai. Mới đây nhất, 19 sinh viên thuộc ký túc xá khu A, khu B, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh phải nhập viện với biểu hiện đau bụng, ói mửa và tiêu chảy…
Thủ phạm vụ ngộ độc bánh mì cô Băng ở TP Long Khánh, Đồng Nai là vi khuẩn Salmonella và E.coli. Kết quả xét nghiệm máu của 3 bệnh nhi chuyển nặng điều trị tại Đồng Nai cho thấy các em bị nhiễm khuẩn E.coli. Đây là vi khuẩn thường xuất hiện trong sản phẩm tươi sống, thịt bò, sữa tươi, nước trái cây, phô mai, trái cây và rau sống…
Theo Sở Y tế Đồng Nai, tiệm bánh mì cô Băng không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm, giấy khám sức khoẻ; nguyên liệu, thực phẩm tự chế biến và mua nhỏ lẻ, không có hợp đồng mua nguyên liệu đầu vào… Theo ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), vụ ngộ độc này nếu đủ dấu hiệu hình sự phải chuyển cơ quan công an điều tra, sai đâu xử lý đo mới đủ tính răn đe.
Vi khuẩn Salmonella gần đây đã xuất hiện liên tục trong các vụ ngộ độc lớn ở Việt Nam. Salmonella là thủ phạm khiến hàng trăm người nhập viện sau khi ăn bánh mì Phượng ở Quảng Nam và nhiều vụ ngộ độc tập thể ở Nha Trang, trong đó có vụ hơn 360 người phải nhập viện sau khi ăn cơm gà tại quán Trâm Anh, đường Bà Triệu và hơn 600 học sinh, cán bộ nhân viên trường Ischool Nha Trang nhập viện sau bữa ăn trưa, trong đó có 1 ca tử vong; vụ ngộ độc sau đêm trung thu ở TP Hồ Chí Minh…
Theo Cục An toàn thực phẩm, năm 2023, toàn quốc đã ghi nhận 125 vụ ngộ độc thực phẩm, làm trên 2.100 người mắc và làm 28 người tử vong, có xu hướng tăng so với năm 2022. Vi khuẩn Salmonella thường gây ra bệnh tiêu chảy, nhưng cũng có thể nhiễm bệnh đến các bộ phận khác của cơ thể, bao gồm máu, xương và khớp xương.
Mùa hè nắng nóng với nền nhiệt độ cao rất dễ khiến thức ăn bị ôi thiu, nhiễm vi khuẩn, nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hoá do ngộ độc thực phẩm tăng cao, không chỉ từ các bữa ăn tập thể mà còn ở từng gia đình. Vì vậy, để phòng bệnh, người dân phải ăn chín, uống sôi, thực phẩm được nấu chín đến nhiệt độ an toàn trước khi ăn. Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường và siết chặt kiểm tra, xử lý nghiêm những vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thức ăn đường phố, đừng thả nổi để người dân phải gánh hậu quả nặng nề.