Cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc diễn ra theo đề xuất của Nga vào chiều 21/2.
TASS đưa tin, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc công bố chương trình nghị sự cho cuộc họp diễn ra vào chiều 21/2, trong đó sẽ có phiên bỏ phiếu dự thảo nghị quyết theo đề xuất của Nga về cuộc điều tra quốc tế liên quan vụ nổ tại đường ống Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc).
Dự thảo nghị quyết đề nghị Tổng thư ký Liên hợp quốc thành lập một ủy ban quốc tế độc lập để điều tra về vụ việc.
Nga dự thảo nghị quyết đề nghị Liên hợp quốc mở cuộc điều tra về vụ nổ đường ống Nord Stream. (Ảnh: AP)
Hôm 20/2, Đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên hợp quốc Trương Quân cho biết, nước này ủng hộ dự thảo nghị quyết của Nga yêu cầu Liên hợp quốc điều tra vụ tấn công khủng bố vào hệ thống khí đốt Nord Stream.
Các nhà lập pháp tại Duma Quốc gia Nga (Hạ viện Nga) hôm 16/2 nhất trí bỏ phiếu thông qua đề xuất yêu cầu Liên hợp quốc mở cuộc điều tra về vụ phá hoại đường ống Nord Stream. Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin gọi vụ nổ đường ống Nord Stream là một cuộc tấn công khủng bố.
Trước đó, nhà báo Mỹ từng đoạt giải Pulitzer - Seymour Hersh, cho biết đường ống dẫn khí đốt Nord Stream đã bị Mỹ phá hủy vào tháng 9 năm ngoái trong một kế hoạch bí mật.
Theo nhà báo này, các thiết bị nổ đã được lực lượng đặc nhiệm hải quân Mỹ đặt dưới đường ống dẫn khí đốt của Nga, với sự hỗ trợ của các đặc vụ Na Uy, dưới vỏ bọc của cuộc tập trận BALTOPS 22 của NATO.
Ông Hersh cho biết, quyết định về chiến dịch này được Tổng thống Mỹ Joe Biden đích thân đưa ra sau khi thảo luận với các quan chức chính quyền liên quan đến an ninh quốc gia gồm Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan, Ngoại trưởng Antony Blinken và Thứ trưởng Ngoại giao Victoria Nuland...
Hôm 19/2, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby phủ nhận cáo buộc, nói rằng Washington không liên quan đến vụ phá hoại gây thiệt hại nghiêm trọng cho các đường ống Nord Stream.
Hồi tháng 9 năm ngoái, Thụy Điển và Đan Mạch đã phát hiện 4 đoạn đường ống rò rỉ trong hai tuyến đường ống Nord Stream 1 (Dòng chảy phương Bắc 1) và Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2) dẫn khí đốt từ Nga tới Đức qua biển Baltic. Trong số 4 điểm rò rỉ này, 2 điểm nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Thụy Điển và 2 điểm thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Đan Mạch.
Các nhà chức trách Nga, Mỹ và EU cho biết những rò rỉ có thể là kết quả của một cuộc tấn công có chủ đích. Phương Tây và Nga lời qua tiếng lại, đổ lỗi cho nhau liên quan đến đường ống Nord Stream bị rò rỉ.
Thuỵ Điển, Đan Mạch và Đức đã mở các cuộc điều tra riêng biệt để thu thập thông tin và tài liệu riêng về sự cố ở đường ống Nord Stream.