Việc Việt Nam kiên quyết lên án hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông góp phần khiến các nước bày tỏ sự thống nhất quan điểm.
Phó thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh đến dự các cuộc họp của ASEAN và đối tác tại Thái Lan từ 31/7 - 3/8. Ảnh: Reuters. |
"Việt Nam đã nêu rõ Trung Quốc là bên có hành vi gây hấn ở Biển Đông khi họp với đại diện các nước ASEAN. Điều đó có tác dụng truyền cảm hứng cho các bên", Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cao cấp thuộc Tổ chức nghiên cứu Rand, Mỹ, nói với VnExpress về lập trường của Việt Nam.
Hôm 31/7, khi họp với các ngoại trưởng ASEAN tại Bangkok, Thái Lan, Phó thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh chỉ trích Trung Quốc đưa tàu khảo sát HD-8 cùng các tàu hải cảnh và dân binh hộ tống đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, tiến hành các hoạt động khảo sát trái phép, vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo Công ước Luật biển 1982 (UNCLOS).
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị ASEAN giữ vững đoàn kết và tiếng nói chung, tái khẳng định các nguyên tắc và cam kết đối với hoà bình và ổn định, lên tiếng kêu gọi kiềm chế, không có các hành động đơn phương làm phương hại tiến trình đối thoại và hợp tác khu vực, cản trở hoạt động kinh tế hợp pháp của các nước ven biển và nỗ lực xây dựng một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, thực chất.
Sau phát biểu cứng rắn của Phó thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh, các ngoại trưởng ASEAN đã ra Tuyên bố chung vào cuối ngày 31/7. Họ bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông, dù không nêu tên Trung Quốc. Các nước thể hiện sự lo ngại về việc cải tạo đất, các hoạt động và sự cố nghiêm trọng trong khu vực, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và có thể làm suy yếu hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực.
"Các tuyên bố từ chỗ chung chung, sau đó chuyển sang chỉ rõ cách hành xử hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông", Grossman đánh giá.
Ngày 1/8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết nước này đã nêu quan điểm thẳng thắn về các vấn đề mà Mỹ hy vọng Trung Quốc không hành xử theo cách đang làm. Pompeo cho biết ông đã thúc giục các đồng minh của Mỹ ở Đông Nam Á lên tiếng phản đối sự "áp bức" của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trong các cuộc họp Cấp cao Đông Á (EAS) và Diễn đàn an ninh khu vực (ARF) ngày 2/8, ASEAN và các đối tác phản đối "hành động o ép để đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông". Cũng trong ngày 2/8, Ngoại trưởng Mỹ, ngoại trưởng Australia, ngoại trưởng Nhật Bản lên án hành vi cản trở khai thác dầu khí ở Biển Đông. Ấn Độ khẳng định tiếp tục hợp tác năng lượng với Việt Nam. ASEAN và các đối tác tuy không nêu tên Trung Quốc nhưng chỉ rõ cách hành xử của Bắc Kinh ở Biển Đông, trong bối cảnh Trung Quốc điều tàu khảo sát cùng tàu hộ tống đến vùng Nam Biển Đông, nơi Việt Nam đang hợp tác với một số nước khai thác dầu khí, theo đúng quy định của UNCLOS.
Tiến sĩ Paul Chambers, Giám đốc Viện nghiên cứu các vấn đề Đông Nam Á, Thái Lan, cho rằng các tuyên bố mà các nước đưa ra trong cuộc họp với ASEAN và bên lề thể hiện các nước ngày càng thất vọng trước hành động của Trung Quốc ở vùng biển Nam Biển Đông của Việt Nam và với tham vọng của Bắc Kinh với toàn bộ vùng biển này. Căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc ở Nam Biển Đông có thể làm gia tăng đoàn kết giữa các thành viên ASEAN và hầu hết các đối tác của Hiệp hội trong phản đối hành động của Bắc Kinh.
"Sự đe dọa và sử dụng vũ lực của Trung Quốc đã dẫn tới lo ngại và phản đối của hầu hết các nước ASEAN", Chambers nói. Các nước ngoài khu vực như Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ gia tăng sự thống nhất trong việc lên án các hoạt động của Trung Quốc.
Tiến sĩ Patrick Cronin, Viện nghiên cứu Hudson, Mỹ, cho rằng là một nước có lợi ích ở Biển Đông, Mỹ nên tiếp tục kêu gọi các bên chú ý đến hành vi gây hấn, vi phạm luật quốc tế và quy tắc của Trung Quốc. Cronin gợi ý Mỹ cần đề xuất hợp tác với các nước trong hoạt động tuần tra bảo vệ tự do hàng hải.
"Mỹ nên có các biện pháp kinh tế để trừng phạt những người có liên quan đến hành động hung hăng", Cronin gợi ý.
Lucio Blanco Pitlo III, chuyên gia tại Đại học Ateneo de Manila, Philipines, đánh giá việc Trung Quốc điều tàu khảo sát và tàu hộ tống đến vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở Nam Biển Đông từ đầu tháng 7 là một trong các "sự cố nghiêm trọng" mà các nước ASEAN và các đối tác đề cập trong Tuyên bố chung. Pitlo đánh giá Việt Nam và Trung Quốc dường như tỏ ra thận trọng hơn trong xử lý vấn đề này, so với việc xử lý sự cố Trung Quốc đặt giàn khoan trong thềm lục địa của Việt Nam hồi 2014.
Không ngạc nhiên về diễn biến hiện nay, Grossman cho hay Bắc Kinh đang có thêm sức mạnh nhờ các căn cứ hải/không quân ở Biển Đông. Trung Quốc gần như đã hoàn thành việc cải tạo các đá và xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự ở đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa và ba đá lớn ở Trường Sa là Chữ Thập, Vành Khăn và Subi. Cơ sở hạ tầng này cho phép Bắc Kinh tuần tra không giới hạn ở khu vực để thách thức các bên cùng có yêu sách, trong đó có Hà Nội.
"Tại vùng biển Nam Biển Đông, Trung Quốc có thể muốn thể hiện sự vượt trội so với Việt Nam về lực lượng. Nếu thất bại, Bắc Kinh có thể dùng đến chiến thuật đâm va tàu bè từng áp dụng hồi 2014", Grossman cảnh báo.
Nhiều nước ủng hộ Phó Thủ tướng thẳng thắn chuyện Biển Đông
Nhiều nước ủng hộ Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh thẳng thắn chuyện Biển Đông. Tàu HD 8 của Trung quốc hoạt động trong vùng ... |
Nhật Bản, ASEAN chia sẻ quan ngại về tình hình Biển Đông
Quan chức Nhật Bản cho biết Ngoại trưởng Taro Kono chia sẻ lo ngại của ASEAN về Biển Đông khi gặp Phó thủ tướng Phạm ... |
Ngoại trưởng Mỹ lên án Trung Quốc, kêu gọi ASEAN tin vào Mỹ
Ngoại trưởng Pompeo hôm nay chỉ trích hành động của Bắc Kinh tại Đông Nam Á, cho rằng ASEAN nên tin tưởng vào các giá ... |