Nhiều nước như Singapore, Nhật, Pháp, Hàn Quốc thu phí túi nilon tại siêu thị, đồng thời khuyến khích tái sử dụng bằng cách giảm giá cho người đổi chai cũ, dùng túi riêng.
Thu phí túi nilon ở siêu thị
Từ tháng 7/2023, Singapore áp dụng quy định thu tiền đối với mọi túi nilon dùng một lần tại hơn 400 siêu thị lớn – chiếm khoảng 2/3 thị phần bán lẻ toàn quốc. Mức phí chỉ từ 0,05 SGD (khoảng hơn 1.000 đồng) nhưng đã góp phần tạo thay đổi lớn trong hành vi tiêu dùng: người dân bắt đầu mang theo túi tái sử dụng và ý thức rõ hơn về giá trị tài nguyên.
Không dừng lại ở siêu thị, Singapore còn cấm đồ nhựa dùng một lần tại khu ăn uống công cộng, đồng thời lắp đặt máy lọc nước tại các nhà ga, bến xe và sân vận động để giảm thiểu nhu cầu dùng nước đóng chai. Từ năm 2021, doanh nghiệp cũng phải báo cáo lượng bao bì sử dụng hằng năm. Chính sách mở rộng hơn từ 2026 với việc áp dụng trách nhiệm nhà sản xuất đối với bao bì và chai nhựa.
Tại Nhật Bản, chính sách thu phí túi nilon có hiệu lực từ tháng 7/2020, áp dụng tại toàn bộ siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi – ngoại trừ túi phân hủy sinh học. Sự vào cuộc quyết liệt và ý thức cộng đồng cao giúp quy định nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Tại Nhật Bản, chính sách thu phí túi nilon có hiệu lực từ tháng 7/2020. (Nguồn: CNN)
Đặc biệt, tại Olympic Tokyo 2020, Nhật Bản đi đầu trong việc giảm thiểu rác thải nhựa dùng một lần. Ban tổ chức sử dụng bao bì sinh học thay thế, đồng thời khuyến khích khán giả mang theo bình nước cá nhân – một thông điệp mạnh mẽ cho các sự kiện lớn trên toàn cầu.
Tại Pháp, câu chuyện không dừng ở việc cấm túi nilon hay hộp xốp. Quốc gia này đã ban hành Luật Chống rác thải và Kinh tế tuần hoàn với mục tiêu loại bỏ hoàn toàn nhựa dùng một lần vào năm 2040. Từ năm 2021, Pháp cấm sử dụng hộp xốp đựng thực phẩm và phát nước đóng chai miễn phí trong công sở.
Các siêu thị phải dành ít nhất 20% diện tích để bán hàng không bao bì – khách hàng có thể mang chai lọ đến nạp lại (refill). Khách hàng đổi chai cũ, dùng lại thì được giảm giá; ai yêu cầu túi nilon sẽ phải trả phí cao.
Pháp chọn hướng tiếp cận “vừa siết, vừa khuyến khích”, kết hợp giữa quy định pháp luật và truyền thông thay đổi hành vi.

Người tiêu dùng Nhật tự mang theo túi để đựng đồ mua sắm tại các siêu thị. (Nguồn: CNN)
Lệnh cấm sang khuyến khích tự nguyện
Từ năm 2019, Hàn Quốc cấm phát túi nhựa dùng một lần tại siêu thị và mở rộng sang cửa hàng tiện lợi, nhà hàng từ 2022. Tuy nhiên, việc thi hành gặp không ít trở ngại. Năm 2023, Bộ Môi trường nước này buộc phải tạm dừng lệnh cấm do phản ứng từ người tiêu dùng về chất lượng thấp của ống hút, cốc giấy và logistics tái chế chưa hoàn thiện.
Dù vậy, Hàn Quốc vẫn duy trì lộ trình giảm nhựa. Các mục tiêu đến năm 2025 bao gồm: giảm 20% lượng rác nhựa từ bao bì thực phẩm, bắt buộc sử dụng vật liệu có chứng nhận sinh thái, xử phạt đến 3 triệu won với cơ sở vi phạm. Các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu phải báo cáo lượng nhựa sử dụng, chính quyền địa phương được khuyến khích kiểm soát rác nhựa trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống.
Đồng thời, Hàn Quốc thử nghiệm hệ thống đặt cọc với đồ dùng một lần, khách hàng phải trả thêm 300 won cho mỗi cốc dùng một lần tại hai địa phương Jeju và Sejong. Sau đó, khách hàng được hoàn lại nếu trả cốc đúng cách.
Tuy nhiên, việc chuyển sang cấm hoàn toàn với các quán cà phê, nhà hàng vẫn bị trỏ ngại về chi phí và nhân lực. Học giả Lee Jai-young (Trường ĐH Seoul) cho rằng: "Việc cấm cốc giấy sẽ buộc nhà hàng phải thuê thêm người rửa cốc, gây chi phí cao".
Do vậy, Hàn Quốc đang chuyển hướng sang khuyến khích tự nguyện. Chính phủ ký cam kết với chuỗi nhượng quyền, kêu gọi không cung cấp cốc giấy, ống hút nhựa nếu khách hàng không yêu cầu.
Chính sách linh hoạt, đồng bộ
Không thể kỳ vọng việc giảm rác thải nhựa chỉ dựa vào các lệnh cấm hay biện pháp hành chính đơn thuần. Thực tiễn quốc tế cho thấy, những chính sách thành công đều kết hợp hài hòa giữa chế tài ràng buộc và các cơ chế khuyến khích tích cực.
Tại Pháp, người tiêu dùng phải trả mức phí cao nếu sử dụng túi nilon, nhưng lại được giảm giá khi mang theo chai lọ để nạp lại (refill). Ở Hàn Quốc, chính sách đặt cọc – hoàn tiền cho cốc dùng một lần không chỉ mang tính răn đe mà còn thúc đẩy hành vi tiêu dùng có trách nhiệm, hình thành thói quen tái sử dụng thay vì vứt bỏ.
Bên cạnh các biện pháp tài chính, một yếu tố quan trọng khác là hỗ trợ kỹ thuật và chi phí chuyển đổi – đặc biệt với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các mô hình quốc tế thành công đều có sự đồng hành từ phía nhà nước hoặc các tổ chức trung gian trong việc cung cấp vật liệu thay thế với giá hợp lý, hoặc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng xanh.
Để việc giảm thiểu nhựa dùng một lần thực sự lan tỏa tại Việt Nam, cần xây dựng hệ sinh thái cung ứng bao bì sinh học và chính sách hỗ trợ phù hợp với năng lực của từng nhóm doanh nghiệp.
Để các quy định hạn chế túi nilon và nhựa dùng một lần thực sự phát huy hiệu quả, PGS.TS Lưu Đức Hải – Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam nhấn mạnh cần áp dụng mức thuế suất cao đối với sản phẩm nhựa khó phân hủy nhằm tăng chi phí sử dụng và làm giảm động lực tiêu dùng.
Bên cạnh đó, ông Hải cho rằng cần ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật rõ ràng, đảm bảo chất lượng và độ an toàn cho các sản phẩm thay thế như túi sinh học, túi vải, hộp giấy…, giúp doanh nghiệp và người tiêu dùng yên tâm chuyển đổi.

Ngày 10/7/2025, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua nghị quyết quan trọng về giảm phát thải nhựa, phù hợp với Nghị định 08/2022 của Chính phủ. Theo đó, lộ trình triển khai tại Hà Nội:
- 1/1/2026: Khách sạn, khu du lịch ngừng sử dụng nhựa dùng một lần (bàn chải, dao cạo...)
- 1/1/2027: Chợ, cửa hàng tiện lợi không phát miễn phí túi ni lông khó phân huỷ
- 1/1/2028: Hạn chế lưu hành túi ni lông/hộp xốp cho mọi điểm bán
- 1/1/2028: Doanh nghiệp sản xuất có sử dụng nhựa PE, PP phải sử dụng tối thiểu 20% nhựa tái chế trong các bao bì (tăng lên ≥30% từ 2030)
- 1/1/2031: Cấm sản xuất, nhập khẩu nhựa dùng một lần (trừ nhãn sinh thái)
Đây là các mốc quan trọng giúp người dân và doanh nghiệp có thời gian thích nghi, đồng thời tạo áp lực để phát triển thị trường bao bì sinh học trong nước.
https://vtcnews.vn/hanh-trinh-thoat-khoi-bong-ma-nhua-tai-singapore-nhat-phap-han-quoc-ar953687.html