Lao động thu nhập thấp khổ sở vì đại dịch

Chandler Schaffer vẫn đi làm tại một hiệu cầm đồ ở Nam Carolina vì cần tiền, dù anh bị tiểu đường và rất sợ lây nhiễm.

Số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tuần trước đã tăng 70.000. Các nhà kinh tế học dự báo con số tuần này sẽ tăng vọt. Đại dịch bùng phát khiến cuộc sống của lao động thu nhập thấp đột ngột trở nên khốn khổ.

Công việc của họ đa phần có mức độ tiếp xúc với con người cao, như thu ngân, nhân viên nhà hàng, dắt chó đi dạo hay lau dọn phòng khách sạn, khiến nguy cơ lây nhiễm cũng tăng lên theo. Rất nhiều người đã bị cho nghỉ việc hoặc giảm lương, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ. Theo công ty tư vấn nghề nghiệp Challenger, Gray & Christmas, hơn 90% số việc làm bị cắt giảm tại Mỹ liên quan đến Covid-19 đến nay là trong lĩnh vực nhà hàng và giải trí.

Còn với những người giữ được việc làm, tiền hoa hồng giờ cũng chẳng còn. Họ không thể làm việc tại nhà hay được trả lương khi nghỉ ốm.

"Tôi không muốn bỏ công việc này, vì nó giúp tôi ổn định tài chính", Chandler Schaffer (23 tuổi) cho biết. Anh làm việc tại một hiệu cầm đồ ở Nam Carolina với mức lương 10,5 USD một giờ. Schaffer vẫn đang đi làm, dù bị tiểu đường và rất sợ lây nhiễm.

lao dong thu nhap thap kho so vi dai dich
Che Janezich hiện là đầu bếp tại Seattle. Ảnh: WSJ

Che Janezich – một đầu bếp 35 tuổi tại Seattle thì đã chứng kiến cửa hàng của mình ngày một vắng khách và giờ làm của cô cũng ngắn dần lại. Janezich kiếm được 21 USD một giờ, tương đương 3.000 USD mỗi tháng.

Khi thành phố đóng cửa tất cả nhà hàng, trừ dịch vụ mua mang về, giờ làm của cũng bị cắt giảm từ 45 giờ mỗi tuần xuống 25 gần đây, và hiện tại là 11 giờ. Cô đã phải dùng đến tiền tiết kiệm để trả tiền thuê nhà tháng này.

"Mỗi ngày, tôi đều nhìn thấy người vô gia cư trên đường. Tôi thường nghĩ rằng mình cũng chẳng khá hơn họ là mấy. Nhưng giờ tôi sắp vô gia cư thật rồi. Tôi rất sợ", cô nói.

34 triệu người Mỹ hiện làm việc trong các ngành dễ bị lây nhiễm. Một nửa số đó làm trong ngành nhà hàng – khách sạn với mức lương khoảng 11 USD một giờ, thấp hơn trung bình của Mỹ (18,58 USD). Nửa còn lại làm trong ngành bán lẻ, bảo dưỡng. Tùy từng bang, rất nhiều công việc nhóm này có lương khởi điểm chỉ 7,25 USD một giờ.

Bất chấp kinh tế Mỹ hiện trong giai đoạn tăng trưởng dài kỷ lục, với tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất 50 năm, nhiều hộ gia đình nước này vẫn khó khăn. Một khảo sát năm 2019 của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chỉ ra khoảng 40% người Mỹ không đủ tiền mặt cho một khoản chi bất chợt khoảng 400 USD.

Một dự luật được Quốc hội Mỹ thông qua tuần này đã mở rộng chương trình bảo hiểm thất nghiệp, đồng thời tăng chi cho trợ cấp thực phẩm, nhằm hỗ trợ người dân trong thời kỳ làn sóng sa thải diễn ra. Dự luật cũng yêu cầu các doanh nghiệp có dưới 500 nhân viên phải cung cấp 2 tuần nghỉ có lương, kèm 10 ngày nghỉ nhận hai phần ba lương cho những người phải ở nhà chăm sóc con cái khi trường học đóng cửa.

"Nhiễm virus cũng không đe dọa nhiều đến cuộc sống của tôi như thiếu tiền thuê nhà và mua đồ ăn", Ali Tahir (Texas) cho biết. Anh là nhân viên pha chế và cũng có một cửa hàng ăn nhỏ. Hai công việc này là nguồn thu nhập duy nhất của anh và giờ đều không làm được nữa. Tahir nghĩ rằng mình không thể nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp. Vì cũng như nhiều lao động thu nhập thấp và làm bán thời gian khác, anh là lao động tự do.

lao dong thu nhap thap kho so vi dai dich
Một cửa hàng của Nordstrom tại Sacramento đóng cửa vì đại dịch. Ảnh: WSJ

Sau khi nền kinh tế hồi phục từ khủng hoảng tài chính, số việc làm ngành dịch vụ tại Mỹ tăng chóng mặt. Việc này thu hút lượng lớn lao động Mỹ gốc Phi, Mỹ Latin và những người có trình độ giáo dục thấp. Đây là nhóm đầu tiên chịu ảnh hưởng khi đại dịch bùng nổ.

Ngành lữ hành – khách sạn với hàng triệu lao động thu nhập thấp chịu tác động mạnh nhất. Sau nhiều năm có công việc ổn định, Dina Paredes (52 tuổi) đã chuẩn bị cho trường hợp thất nghiệp.

8 năm qua, bà làm dọn phòng cho một khách sạn ở Los Angeles. Mỗi ca, Paredes lau dọn 14 phòng. Nhưng khi lượng khách giảm mạnh tháng này, bà và các đồng nghiệp phải chuyển sang chế độ "có việc thì làm". Tuần trước, bà không làm việc ngày nào và dĩ nhiên cũng chẳng có lương.

"Dĩ nhiên là đáng lo chứ", bà mẹ 4 con cho biết, "Tôi còn có gia đình, còn nhiều hóa đơn phải trả nữa".

Shane McEvoy – đồng sáng lập công ty cung cấp dịch vụ dắt chó đi dạo NYC Pooch đã phải ngừng hoạt động tuần này và cho nghỉ việc khoảng 50 người. Khi việc kinh doanh đi xuống tuần trước, anh đã đưa ra lựa chọn nghỉ việc cho nhân viên, để họ xin trợ cấp thất nghiệp. Vì trợ cấp này còn cao hơn thu nhập hiện tại của họ.

"Tất cả phụ thuộc vào số tiền mặt anh đang có", McEvoy cho biết, "Ai cũng muốn giữ nhân viên lại. Nhưng sự thật là không thể". Anh đã cố tìm các khoản vay lãi suất thấp để duy trì hoạt động cho công ty, nhưng vẫn chưa thành công.

Andy Challenger – Phó giám đốc Challenger, Gray & Christmas thì cho biết việc sa thải vì đại dịch diễn ra theo từng đợt. Đợt một là nguồn cung từ Trung Quốc bị gián đoạn khiến các công ty phải cho nghỉ bớt nhân viên. Đợt hai là các hãng hàng không và du thuyền kinh doanh trì trệ khi nhu cầu đi lại giảm sút. Đợt ba là các nhà hàng và doanh nghiệp phụ thuộc lớn vào lượng khách ghé thăm.

"Không chỉ các công ty lớn, mà công ty nhỏ cũng đang gia nhập làn sóng sa thải", ông nói. Bên cạnh đó, những lao động thu nhập thấp còn bị coi là dễ dàng thay thế hơn nhân lực trình độ cao. "Chỉ mới ba tuần trước, tỷ lệ thất nghiệp của chúng ta còn thấp nhất 50 năm. Các công ty còn e ngại sa thải nhân viên. Nhưng hiện tại, từng ngày, từng giờ, tâm lý này ngày càng thay đổi", ông kết luận.

Hà Thu (theo WSJ)

lao dong thu nhap thap kho so vi dai dich Thông điệp xúc động của Thủ tướng Merkel gửi dân Đức giữa đại dịch Covid-19
lao dong thu nhap thap kho so vi dai dich Bao nhiêu triệu người có thể mất việc do đại dịch Covid-19?
lao dong thu nhap thap kho so vi dai dich Nắng và gió - bài học từ đại dịch cúm 1918
lao dong thu nhap thap kho so vi dai dich Trong đại dịch coronavirus có một Việt Nam như thế
/ vnexpress.net