Ông Yuen, 67 tuổi, vẫn lo lắng dù đeo hai khẩu trang, dùng thêm xà bông và nước tẩy, khi thu gom rác giữa lúc dịch viêm phổi hoành hành.
Ông Yuen, một công nhân vệ sinh, đeo khẩu trang suốt cả ngày trong ca làm việc từ 7h đến 17h tại một điểm thu gom rác ở phía nam Hong Kong. Ông cho biết công ty yêu cầu tất cả nhân viên đeo khẩu trang khi làm việc kể từ lúc bùng phát dịch viêm phổi do virus corona gây ra.
Hiện công ty vẫn đủ khẩu trang y tế để cấp cho nhân viên, nhưng ông lo lắng số lượng khẩu trang sẽ sớm cạn kiệt khi mặt hàng này ở đặc khu đang thiếu hụt. Để phòng ngừa dịch bệnh tốt hơn, ông dùng thêm xà bông và nước tẩy rửa, thứ mà ông đã tích trữ nhiều năm qua, và chia sẻ với các đồng nghiệp.
"Nếu nói tôi không lo lắng thì là nói dối", ông nói. "Nhưng chúng tôi biết hỏi xin thêm ở đâu bây giờ? Công nhân vệ sinh bị xem là những người ở tận cùng của đáy xã hội".
Một công nhân dọn vệ sinh tại bến phà ở Hong Kong. Ảnh: SCMP |
Dịch viêm phổi cấp do chủng virus corona mới (nCoV) gây ra đã làm 362 người thiệt mạng và lây nhiễm hơn 17.000 người, trong đó Hong Kong ghi nhận 15 ca. Trong khi các trường học ở Hong Kong đóng cửa, nhân viên văn phòng được khuyến khích làm việc ở nhà, 11.900 công nhân vệ sinh của đặc khu vẫn phải tiếp tục công việc thu gom rác thải hàng ngày và trở thành một trong những nhóm dễ bị ảnh hưởng nhất.
Dù tiếp xúc với đủ loại chất thải hàng ngày, hầu hết họ không được trang bị thiết bị bảo hộ phù hợp. Đại diện Liên đoàn Công nhân Vệ sinh Hong Kong Leung Tsz-yan cho hay những gì mà các lao công như ông Yuen phải đối mặt là rất nguy hiểm trong bối cảnh hiện nay.
"Không giống như các dịch vụ không khẩn cấp có thể tạm dừng trong một thời gian ngắn, dịch vụ dọn vệ sinh không thể ngừng lại vì dịch virus corona. Các công nhân vệ sinh làm việc ở tuyến đầu của cuộc chiến chống đại dịch", bà Leung nói.
Bà cho biết hầu hết công nhân vệ sinh đều lo ngại về việc thiếu khẩu trang. Mỗi người cần được cung cấp ít nhất hai chiếc một ngày. Ngoài khẩu trang y tế, bà Leung cho biết các thiết bị bảo hộ khác, bao gồm khẩu trang chất lượng cao, găng tay, kính và quần áo bảo hộ, cũng cần được cung cấp.
Ông Barry Yu, 64 tuổi, một công nhân vệ sinh khác, không đeo khẩu trang khi làm việc vào ca đêm từ 17h30 đến 23h30 ở Vịnh Causeway, vì công ty không cung cấp khẩu trang hay thiết bị bảo hộ nào khác. Ông Yu, người đã làm công việc này hơn 10 năm, tin rằng tình hình hiện chưa nguy cấp và nơi làm việc của ông rất thoáng đãng. Tuy nhiên, ông rửa tay sau khi gom rác lên các xe tải và vệ sinh các thùng rác thường xuyên hơn.
"Hơn một thập kỷ làm việc đã dạy cho tôi làm thế nào để giữ vệ sinh cá nhân nhất có thể", ông nói. "Tôi vẫn theo dõi tin tức và nếu tình hình xấu đi, tôi tin chính quyền và công ty sẽ có biện pháp".
Một số công ty trong ngành công nghiệp này cũng tăng cường các biện pháp phòng ngừa cho nhân viên. Một công nhân vệ sinh họ Lai cho biết công ty của bà cung cấp khẩu trang y tế, găng tay cho nhân viên và kiểm tra thân nhiệt hàng ngày. Theo bà Lai, công ty đã ban hành các hướng dẫn cho nhân viên, trong đó có việc thay khẩu trang thường xuyên, mỗi ngày được cấp 3 cái.
Lãnh đạo Liên đoàn Công nhân Vệ sinh cho hay nhiều lao công không đeo khẩu trang vì cảm thấy không thoải mái hoặc đeo sai cách. Chính quyền và các công ty có trách nhiệm phải hướng dẫn họ sử dụng thiết bị bảo hộ đúng cách.
Nghị sĩ Jonathan Ho Kai-ming cho rằng công nhân vệ sinh, cùng một số ngành nghề khác, có nguy cơ nhiễm virus corona cao hơn và cần được ưu tiên cung cấp khẩu trang cùng các thiết bị bảo hộ liên quan.
Cơ quan Thực phẩm và Vệ sinh Môi trường Hong Kong tuần trước bác bỏ tin đồn rằng đã cung cấp khẩu trang hết hạn cho công nhân vệ sinh. Phát ngôn viên của cơ quan này khẳng định sẽ cung cấp thiết bị bảo hộ cá nhân đầy đủ và phù hợp, trong đó có khẩu trang, cho các lao động.
Anh Ngọc (Theo SCMP)