Lãnh đạo phải biết “nhìn người”

Các đảng bộ trong cả nước đang tiến hành đại hội, tiến tới đại hội lần thứ XIII của Đảng vào đàu năm 2021. Việc lựa chọn nhân sự là rất quan trọng để tìm ra những người thực đức thực tài gánh vác công việc chung ngày càng to lớn, nặng nề.

Mới đây Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có bài viết quan trọng: “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Ðại hội XIII của Ðảng”. Bài viết có đoạn: “Công tác nhân sự Ðại hội phải được tiến hành theo một quy trình chặt chẽ, khoa học và nhất quán, bảo đảm thật sự công tâm, thật sự trong sáng, khách quan, đặc biệt phải “có con mắt tinh đời” trong việc đánh giá, giới thiệu, lựa chọn”.

“Con mắt tinh đời” được lẩy từ hai câu thơ “Khen cho con mắt tinh đời/Anh hùng đoán giữa trần ai mới già” trong Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du. Con người giàu nhờ hai con mắt. Con mắt nhìn gần, con mắt trông xa để không bỏ sót, để thấy những gì mà người khác không thấy, thậm chí thấy sắc màu bên ngoài như thế nhưng bên trong thì không phải thế, “xanh vỏ, đỏ lòng”. Ấy là sự tinh đời vậy.

Tại Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư lần thứ 12, khai mạc hôm 11-5, đồng chí Tổng Bí thư một lần nữa nhấn mạnh tiêu chuẩn của lãnh đạo cấp chiến lược: “Có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng, thật sự gương mẫu, không tham nhũng, cơ hội, tham vọng quyền lực, có ý thức giữ gìn và bảo vệ sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, được quần chúng tin cậy, tín nhiệm”.

Lịch sử nước ta từng có biết bao tấm gương vua sáng tôi hiền, nhờ biết “nhìn người”, trọng kẻ hiền tài. Năm 1789, ngay sau khi đánh tan quân Thanh, vua Quang Trung đã giao cho Ngô Thì Nhậm thay mình viết Chiếu cầu hiền, nhằm thuyết phục sĩ phu Bắc Hà, tức các trí thức của triều đại cũ (Lê – Trịnh) ra hợp sức với triều đại Tây Sơn. Còn nhà vua anh minh đích thân ba lần viết thư mời La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp ra gánh vác công việc cho Nhà Tây Sơn. Chính vì Quang Trung đã “nhìn” thấy “Người hiền như sao sáng trên trời”. Gần chúng ta nay, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc phải “khéo dùng cán bộ”, tài to dùng vào việc to, tài nhỏ dùng vào việc nhỏ.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhiều trí thức lớn đang sống, làm việc ở nước ngoài, vì yêu Tổ quốc, kính phục Hồ Chí Minh mà nhận lời mời của Người về nước phục vụ sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Tiêu biểu có các nhân sĩ, trí thức Nguyễn Văn Tố, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Huyên, Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa...

Công cuộc đổi mới đất nước gần 35 năm qua đã đạt được những thành tựu vô cùng to lớn. Làm nên những thành tựu ấy có sự đóng góp to lớn của đội ngũ cán bộ các cấp. Cùng với việc chuẩn bị thật tốt về nội dung, việc lựa chọn nhân sự trong các kỳ đại hội Đảng là vô cùng quan trọng. Tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 35-CT/TƯ. Chỉ thị nhấn mạnh, không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người bản lĩnh chính trị không vững vàng; phẩm chất, năng lực, uy tín giảm sút; thiếu gương mẫu, mất đoàn kết, cục bộ, bè phái, cơ hội… Cụ thể hóa thêm, với những hình ảnh, ngôn từ mộc mạc, đậm sắc thái dân gian, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý những khó khăn, những điều cần chú ý và đặc biệt là những điều cần tránh trong việc tìm người và chọn người. Sự tinh đời là ở chỗ: phải thật tỉnh táo, tinh tường, đừng có “nhìn gà hóa cuốc”, nhận rõ những ai tốt mã bề ngoài mà sơ sài bên trong. “Nhìn” cho đúng cũng thật không đơn giản vì thời nay có nhiều anh khôn khéo lắm, che đậy giỏi lắm. Họ chạy đủ kiểu lại biết cách “xóa dấu vết”. Họ “chạy” khen thưởng, đánh bóng thành tích rất ghê mà nhìn bề ngoài lúc nào cũng thấy có vẻ cầu thị, khiêm tốn. Họ “phê bình thẳng thắn” mà như “khen” thủ trưởng. Họ làm việc rất xoàng nhưng vẫn lên lương, lên chức đều đều, nhờ vào vây cánh. Tất cả những tật xấu đó có tên chung là cơ hội, xiểm nịnh.

Dư luận tán thành và hoan nghênh việc phải làm rõ trách nhiệm của người giới thiệu cán bộ tham gia cấp ủy. Tránh tình trạng chuẩn bị xong các bước giới thiệu nhân sự là thở phào nhẹ nhõm, coi việc bầu bán “chỉ còn là thủ tục” (!). Trước đại hội nếu thấy có điều gì “gợn”, cấp ủy, người giới thiệu phải xác minh, xem xét, đưa ra khỏi quy hoạch những người không xứng đáng và bổ sung nhân sự mới thay thế. Để phát huy dân chủ, dễ lựa chọn, nhất là lựa chọn cán bộ chủ chốt, ngay từ khi quy hoạch nhiều đảng bộ đã giới thiệu từ ba đến bốn ứng viên để chọn một. Đây là một giải pháp tốt để ngăn chặn tệ “chạy chức”. Có nơi còn yêu cầu tất cả cán bộ trong diện quy hoạch phải được kiểm tra kỹ bằng cấp, nếu có trường hợp sử dụng văn bằng giả, không đúng quy định thì loại ngay từ đầu, tránh để xảy ra tình trạng đáng tiếc, khi cán bộ đã trúng cử, bắt tay điều hành công việc, mới phải xem xét, xử lý.

Tất cả những công việc nêu trên muốn có hiệu quả đương nhiên phải tuân thủ những quy trình, những biện pháp chặt chẽ, khoa học. Nó còn phải được thực hiện bởi tinh thần trách nhiệm cao, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ; bởi kinh nghiệm và có khi là cả những cảm nhận. Nói gọn lại, lãnh đạo phải biết “nhìn người”. Những ai “đỏ vỏ xanh lòng” thì phải loại ngay từ đầu, cho dù họ có “chạy” giỏi đến mấy.

Trần Quang

lanh dao phai biet nhin nguoi ‘Ăn vặt’ của cán bộ
lanh dao phai biet nhin nguoi Chi phí đào tạo nhân tài 35.000 USD/năm: Đắt hay rẻ?
lanh dao phai biet nhin nguoi Cán bộ trẻ hay được hỏi ‘là con đồng chí nào’